15/11/2021 08:30 GMT+7

'Chở' giấc mơ trở lại thành phố: Ngày trở lại

CÔNG TRIỆU
CÔNG TRIỆU

TTO - Ngày công xưởng sáng đèn cũng là lúc nhiều người lao động ngoại tỉnh trở lại các nhà máy thành phố để mưu sinh.

Chở giấc mơ trở lại thành phố: Ngày trở lại - Ảnh 1.

Sau hơn nửa ngày loanh quanh tìm việc, Võ Minh Vũ ăn chiếc bánh lót dạ - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Hành trang họ mang theo lần này là mong ước dịch giã được kiểm soát, họ được làm việc ổn định, để sớm thoát khó khăn suốt nhiều tháng qua...

Sau lần hồi hương đầy nhọc nhằn, rủi ro để lánh dịch, chuyến hành trình ngược dòng trở lại thành phố cũng thử sức và ý chí của người lao động.

Tuy nhiên, họ đã thấy nhiều hy vọng khi tiếng máy móc trong các công xưởng lại rộn lên. Với đời công nhân, âm thanh đó là công việc, là nguồn sống kéo họ trở lại thành phố, dù thực tế vẫn có không ít khó khăn.

Nhà có ba anh em ở Mộc Hóa (Long An) đều đã quay lại TP.HCM. Chúng tôi hiểu sẽ khó khăn xin việc, lương bổng, nhưng sẵn sàng đón nhận. Chỉ sợ nhất là nếu dịch giã bùng phát lại thì có phải đóng cửa ở nhà trọ và không được đi làm nữa không!

Anh Nguyễn Mạnh Toàn (công nhân KCN Tân Tạo)

Hồi hộp quay lại tìm việc

Tháng 11 trời hanh nắng, chúng tôi rảo quanh các trục đường dẫn vào KCN Tân Tạo (TP.HCM), KCN VSIP2 (Bình Dương), KCN Tân Đô (Long An) - nơi tập trung đông người lao động khắp cả nước đổ về làm việc. Những tấm banner với thông tin tuyển dụng "gấp, lương cao" được treo đầy ở các nơi bắt mắt ngay trước cổng của hầu hết công ty.

Trên con xe cũ sặc mùi khét vì vừa đi đường xa, ông Bùi Đức Trung (quê Bình Thuận) rảo quanh các KCN ở TP.HCM lẫn Long An để tìm việc. Dừng xe trước cổng một công ty trên đường Hồ Học Lãm (KCN Tân Tạo, Q.Bình Tân), ông Trung nhíu mày nhìn bảng thông tin tuyển dụng với nét mặt căng thẳng. Đọc mãi đến khúc yêu cầu từ 18 tuổi trở lên thì ông mới thở phào nhẹ nhõm: "Nhiều công ty không chịu nhận vì tui đã lớn tuổi, còn đây chỉ yêu cầu trên 18, chắc sẽ ổn".

Ngoài tuổi 50, hơn 3 thập niên liền gắn bó với nghề sửa xe thuê ở Xóm Chiếu (Q.4), ông Trung không ngờ đời thợ của mình lại có ngày thất nghiệp dài đến cả 4 tháng trời liền.

"Từ ngày TP nới lỏng đi lại hồi đầu tháng 10 là tui chạy khắp nơi nhưng đến giờ vẫn chưa có việc. Bấm bụng nếu không nơi nào nhận thì mai tui xin đi làm phụ hồ, làm gì cũng làm hết, chứ để vợ con khổ sao đành" - ông Trung buồn giọng.

Pô xe còn chưa nguội hẳn sau hành trình dài từ quê (An Giang) lên Long An sau hơn 3 tháng lánh dịch, đôi vợ chồng trẻ Thanh Tuấn - Thiên Hương đã vội chạy quanh tìm việc. Hành trang cho chuyến trở lại lần này của họ chẳng có gì ngoài vài ba bộ đồ cũ được gói ghém qua loa trong chiếc balô rách quai bám đầy bụi. Những bộ hồ sơ xin việc - thứ được chị Hương chuẩn bị sẵn từ khi ở quê và giữ gìn cẩn thận nhất lúc này.

Điều khiến người mẹ trẻ sinh năm 1994 lấn cấn chính là việc không thể "đùm" theo hai đứa con, đặc biệt là đứa út mới chỉ 9 tháng tuổi, đi cùng. "Dịch chưa hết, mà lần này lên chẳng biết có tìm được việc không nên không dám đùm đèo con theo" - chị Hương phân trần.

Mất vài lần giậm phanh tới tấp, chiếc xe cà tàng của hai vợ chồng mới chịu dừng lại trước một "sàn giao dịch" việc làm ngay trên vỉa hè đối diện cổng Công ty Duy Tân (KCN Tân Đô). Sau khi nộp đầy đủ hồ sơ lý lịch, nhân viên tuyển dụng gặng hỏi về giấy xét nghiệm COVID-19 (loại thời hạn 72 giờ), giấy chứng nhận tiêm phòng 2 mũi vắc xin.

"Tui biết ngay là nếu thiếu giấy test COVID-19, tiêm vắc xin thì công ty cũng xua tay mời đi ngay" - chị Hương tươi cười, khoe giấy xét nghiệm âm tính của hai vợ chồng.

Mong được tăng ca

"Để phòng dịch, công ty phải chia nhỏ ca, như ca của mình thì làm từ 6h chiều tới 2 rưỡi sáng. Không quen giờ giấc nên cực lắm, nhưng còn nước còn tát, không làm thì lấy gì ăn, sợ thất nghiệp lắm rồi" - Tuyết Ngân, cô gái chỉ mới vừa bước sang tuổi 27 nhưng đã có thâm niên 8 năm làm công nhân giày da ở KCN Tân Tạo, mở đầu câu chuyện.

Nhắc về những tháng ngày đã qua, Ngân nói "ám ảnh lắm". Cô thất nghiệp từ hồi đầu tháng 7-2021. Xóm trọ của Ngân có 12 phòng, tất cả đều là đồng nghiệp của nhau trong công ty nên ai cũng thất nghiệp như ai.

Ngân kể ban đầu mọi người chỉ nghĩ nghỉ việc vài ngày nên còn lạc quan. Cho tới tuần thứ 5 của "kỳ thất nghiệp", đặc biệt là sự xuất hiện của F0 đầu tiên trong xóm trọ, rồi F0 thứ hai, thứ ba... và cách ly toàn dãy trọ khiến cảnh tượng rất hoảng loạn.

"Xóm trọ trước đông vui lắm, mà từ ngày chú Năm mất vì nhiễm bệnh thì mọi người ít cười nói hẳn. Nghe đâu vợ chú và hai đứa con cũng khăn gói về quê luôn rồi, tận đâu tuốt Nghệ An" - Ngân tâm sự. Sau khi nhiễm bệnh, Ngân khỏe lại thì cũng về quê, đến tháng 10 này cô mới trở lại TP.HCM.

Sực hỏi về chuyện lương, Ngân nói "nhắc thêm lo". Cô chia sẻ lương cơ bản công nhân mỗi tháng được hơn 5 triệu đồng, nếu được tăng ca nhiều thì thu nhập thực nhận cũng phải gần 10 triệu đồng. "Nhưng sau dịch tới nay thì chưa được tăng ca buổi nào. Công nhân thì chỉ sống nhờ vào tăng ca, có tăng ca rồi ăn uống tằn tiện thì may ra cuối năm dư được một ít" - Ngân trải lòng.

Chở giấc mơ trở lại thành phố: Ngày trở lại - Ảnh 3.

Vợ chồng Thiên Hương và Thanh Tuấn (từ phải sang) đi tìm việc ngay sau khi vừa lên tới Long An - Ảnh: CÔNG TRIỆU

Làm tạm để tìm đúng việc

Trước gian trọ chật chội nằm cuối con hẻm cụt trên đường Huỳnh Văn Nghệ (Q.Tân Bình), chàng trai 24 tuổi Võ Minh Vũ khổ sở nuốt từng miếng bánh chưng khô khan. Sau hơn nửa ngày trời chạy quanh mà vẫn chưa tìm ra nơi nào nhận mình, Vũ nói nhớ lắm cái thời "ngập đầu" trong công việc.

Trước dịch, Vũ vừa là giáo viên thể dục vừa làm huấn luyện viên bộ môn võ tại Trung tâm Thể dục thể thao Q.Tân Bình, nên lúc nào cũng bận. Thế nhưng sau đợt nghỉ lễ 30-4 đúng 3 ngày, Vũ thất nghiệp và tới nay vẫn chưa kiếm được việc làm mới.

"Bố mẹ có bảo hay thôi về quê, nhưng giờ về chắc gì đã có việc mà làm. Quê thì ở Quảng Ngãi nhưng mình được sinh ra ở đây, lớn lên và ăn học ở đây, giờ không ở đây thì ở đâu" - Vũ quả quyết.

Có thế mạnh về võ cùng thân hình săn chắc, cao ráo, Vũ gửi hồ sơ xin vào làm ở các phòng tập thể hình. Ban đầu Vũ cũng muốn thử sức với nghề huấn luyện viên thể hình, thế nhưng sau một hồi được giới thiệu sơ về công việc thì cậu lại xin rút hồ sơ thôi không làm nữa.

Vũ nói rằng bản thân được đào tạo để làm nghề giáo, thế nhưng khi theo nghề huấn luyện viên thể hình thì áp lực về doanh số, phải nói "lung tung" về các thực phẩm chức năng khiến... khiến anh không thoải mái.

Hiện tại, Vũ mới vừa được nhận vào làm tại một đội bảo vệ chuyên áp giải xe tiền cho một ngân hàng tại TP.HCM. Vì rất yêu thích nghề giáo nên Vũ nói rằng bằng cách "lấy ngắn nuôi dài", anh tạm làm bảo vệ cho tới khi tìm được công việc phù hợp với mình hơn.

Người tìm việc, việc tìm người

Lúc chúng tôi gặp, sau hơn nửa tháng trời "dầm mưa dãi nắng" đặt bàn tuyển lao động, anh Phan Đăng Khoa, phòng nhân sự Công ty Duy Tân, mới chỉ tuyển được gần 1/3 nhân sự, thiếu hơn 200 công nhân nữa mới đủ chỉ tiêu.

Không riêng gì công ty này, nhiều công ty khắp TP.HCM, Đồng Nai, Long An cũng đang "khát" lao động. Có nhiều lý do được các công ty đưa ra, tuy nhiên nhiều nhất vẫn là lý do công nhân sợ dịch bệnh nên vẫn chưa thể quay lại TP làm việc nhiều như trước.

Đồng Nai: Hơn 17.500 công nhân trở lại công ty Đồng Nai: Hơn 17.500 công nhân trở lại công ty

TTO - Ngày 5-10, hàng ngàn công nhân thuộc các doanh nghiệp có đông công nhân lao động trên địa bàn Đồng Nai vui mừng khi được trở lại công ty làm việc, sau gần 3 tháng tạm dừng sản xuất do ảnh hưởng của dịch.

CÔNG TRIỆU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên