Kỳ 1: Bạc lẻ đi tàu
Phóng to |
Ngổn ngang đủ thứ hàng hóa như một buổi chợ trên toa cuối tàu Vinh - Đồng Hới - Ảnh: Thái Lộc |
Nhưng đã hơn 30 năm nay đoàn tàu chậm chạp cũ kỹ và lạc hậu ấy đã chở biết bao cuộc mưu sinh, trở thành niềm mong ngóng của người dân miền sơn cước Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Chợ trên tàu
Hai tiếng “tàu chợ” vốn dĩ chưa bao giờ xuất hiện trong văn bản chính thức nào của ngành đường sắt. Nhưng có bước lên tàu Vinh - Đồng Hới mới hiểu vì sao không chỉ hành khách mà cả những người làm trong ngành đường sắt cũng dùng từ này để chỉ những chuyến tàu địa phương.
Bước xuống toa cuối cùng tàu VĐ 32 cứ tưởng đang lạc vào một phiên chợ quê. Ở góc toa ba chú heo con nghếch mõm trong rọ, bên cạnh là hai bu gà sống, phía trên chạn hành lý là một dãy thúng mủng mới đan, cuối toa là hai thúng cá biển tươi rói vừa đưa lên từ cửa biển Nhật Lệ. Cả toa như một buổi chợ làng khi từ người đi buôn đến nhân viên nhà tàu đều quen mặt nhau, nói cười rôm rả. Chị Lê Thị Hoa, chủ hàng của hai sọt cá biển, cho biết: “Tàu chạy đến ga mô thì chuyển cá xuống đến nớ. Hai tạ cá, đến Tân Ấp là bạn hàng nhận hết, lại bắt tàu VĐ 31 chạy về”... Ở một góc khác của toa, bà Ninh Thị Son lại lỉnh kỉnh những bao miến dong, bánh kẹo và tả pín lù những thứ hàng khô đóng gói. Cũng như chị Hoa, bà Son nói nhờ tàu chợ mà bà và các bạn buôn chuyến có thể lấy công làm lời nhờ những món hàng này. Theo bà Son, đường từ Đồng Hới lên các huyện miền núi Tuyên Hóa, Minh Hóa của Quảng Bình quá xa. “Nhờ có tàu chợ chứ đi ôtô xa bằng hai đường tàu chợ, bán đắt bà con không đủ tiền mua mà bán rẻ thì không đủ tiền xe chú ạ” - bà Son thật thà.
8g sáng tàu qua ga Lệ Sơn, mấy bu gà và rọ heo cùng phân nửa cá biển được chuyển xuống. Chỉ trong vài phút toa tàu lại chật đầy hàng, nhưng những mặt hàng khô ban nãy đã được thay bằng những thúng trứng vịt, giỏ rau tươi rói của nông dân chuyển lên. Tần ô, diếp cá, xà lách, hành ngò, cần nước... được xổ ra giữa sàn tàu, mùi rau tươi xộc lên ngát cả mũi. Cả toa tàu lúc này lại chẳng khác gì hàng rau giữa chợ quê, khi những phụ nữ chủ hàng rau giờ mới dùng lá chuối buộc lại từng bó rau nhà trồng được. Chị Hồ Thị Loan, chủ một sọt rau xà lách và cải cúc, vừa bó rau vừa nói: “Một chuyến buôn rau chỉ lời 20.000 đồng thôi chú ạ”. Cũng như chị Loan, hơn chục chủ hàng buôn rau lên từ ga Lệ Sơn, Minh Lệ đều không phải người đi buôn mà tự tay mang những luống rau nhà trồng được để lên vùng núi xa hơn ở Ngọc Lâm, Tân Ấp, Kim Lũ bán lại.
Trưởng tàu VĐ 32 Nguyễn Thanh Bình nói những người bán buôn trên tàu này ông đều quen mặt đã chục năm. Chỉ có số ít là người buôn bán chuyên nghiệp, còn lại đều là nông dân, đi tàu để mang thứ mình có đi bán và mua về thứ mình cần. “Người dân dọc tuyến đường sắt Quảng Bình, Hà Tĩnh đều nghèo, chỉ cần được 15.000-20.000 đồng là họ đi rồi. Không phải vì họ tham công tiếc việc mà bởi rất nhiều làng dọc tuyến đường sắt nằm ở thế biệt lập phía sau là núi, trước mặt là sông sâu, trông cậy cả vào chuyến tàu chợ này”.
Phóng to |
Hành khách trên sân ga Lệ Sơn hối hả vác hàng hóa lên tàu Vinh - Đồng Hới - Ảnh: Viễn Sự |
Dừng tàu thì người dân phá sản
Gần 200km đi qua vùng trung du, miền núi Quảng Bình, Hà Tĩnh trên tàu Vinh - Đồng Hới, câu chuyện về nỗi mong ngóng những chuyến tàu của người dân mà chúng tôi chứng kiến cứ dài ra theo hành trình. Ở mỗi ga tàu, khi bước xuống và biết chúng tôi là phóng viên đi tìm hiểu câu chuyện tàu chợ, câu hỏi duy nhất của những người dân đang mong ngóng trên sân ga luôn là: “Tàu chợ có ngừng chạy không chú, tàu ngừng là dân bà tui đói”.
Quá trưa, tàu VĐ 32 về đến ga Hòa Duyệt - ga tàu xa xôi nhất của Hà Tĩnh, chúng tôi là những hành khách hiếm hoi xuống tàu và cũng không có hành khách nào từ sân ga Hòa Duyệt bước lên tàu, nhưng dưới sân ga lại có rất đông người đứng đợi, ồn ã, kêu réo không khác một buổi chợ phiên. Trưởng tàu Nguyễn Thanh Bình nói ga nào người dân cũng mong tàu về, nhưng riêng Hòa Duyệt nỗi mong chờ ấy càng lớn hơn khi đời sống của người dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tàu chợ. Để minh chứng điều này, trước đó khi tàu còn cách ga Hòa Duyệt hơn 10km, anh Bình đã kéo chúng tôi ra sát cửa sổ đoàn tàu để nhìn những xóm làng nhấp nhô nơi vùng thượng lưu sông Ngàn Sâu này đều ở thế: phía sau là núi dựng, trước mặt là sông sâu. Ngoài tuyến đường sắt, không thấy có một con đường ôtô nào chạy qua.
Là một ga xép hẻo lánh, rất ít khách, nhưng tàu Vinh - Đồng Hới có đến chín phút để dừng ở Hòa Duyệt. Không phải để tránh tàu mà nguyên do theo lời anh Châu Nam Trung - trưởng ga Hòa Duyệt, là để bà con có thời gian chuyển đủ những bó củi mà cả xóm nhặt được lên tàu. Ông Lê Hoài Cung - bí thư chi bộ thôn Liên Hòa, xã Đức Liên (Vũ Quang, Hà Tĩnh) - nói: “Dân quanh ga Hòa Duyệt ni đến đám giỗ cũng phải đợi tàu, nơi gần nhất để mua được hàng hóa là thị trấn Vũ Quang xa 15km và đi đến hai lần đò”. Nhắc đến nỗi thấp thỏm về việc những đoàn tàu chợ sẽ ngừng chạy, ông Cung thở dài nói dân vùng thượng du sông Ngàn Sâu này mỗi năm chỉ thu hoạch được một vụ lúa, khoai vào giữa mùa hè, còn lại quanh năm đều vào rừng nhặt củi, ra đồng bắt cua gửi theo những chuyến tàu mong đủ gạo qua ngày. “Nếu giừ (bây giờ) cắt tàu thì có khác chi làm ăn nhưng bị phá sản, phải làm lại từ đầu” - ông Cung lo lắng.
Ngưng chạy tàu một tuần, chủ tịch huyện gọi điện trách Ông Nguyễn Hữu Tuyên - trưởng Ban kinh doanh vận tải Tổng công ty Đường sắt VN - nhớ mãi cuộc điện thoại trách móc của chủ tịch huyện Bố Trạch (Quảng Bình) vào năm 2010 khi tàu Vinh - Đồng Hới phải ngừng chạy một tuần vì lũ lụt. Ông Tuyên kể lần đó do lũ lụt kéo dài, đường sắt đi qua Quảng Bình bị sạt lở, sau khi khôi phục, ngành đường sắt đã ưu tiên cho các tàu Bắc Nam thông tuyến trước. Vì thế suốt một tuần, tàu Vinh - Đồng Hới ngừng chạy, người dân các xã ven đường sắt ở Quảng Bình, Hà Tĩnh vì thế cũng không thể mua bán được nhiều hàng hóa, nhu yếu phẩm mà tàu chuyên chở. Quá bức xúc, chủ tịch huyện Bố Trạch đã gọi điện ra Tổng công ty Đường sắt trách cứ và đề nghị cho tàu Vinh - Đồng Hới chạy trở lại để không ảnh hưởng đến đời sống người dân. “Cuộc điện thoại đó cứ làm chúng tôi nhớ mãi. Trong hoàn cảnh ấy có thể việc trách móc cũng hơi oan. Nhưng chúng tôi quý cái tình của người dân và ông chủ tịch huyện vì có thế mới biết chuyến tàu chậm chạp này lại hữu ích với người dân thế nào” - ông Tuyên nói. |
______________
Kỳ tới: Xóm đợi tàu
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận