14/01/2024 12:32 GMT+7

Cho con tuổi thơ tươi đẹp

Tuổi thơ của con chỉ có mấy năm trong cuộc đời và không thể quay lại. Ba mẹ cần làm gì để lấp đầy tuổi thơ cho con với những ký ức đẹp...

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Minh họa ĐẶNG HỒNG QUÂN

Chị N.P.T. (38 tuổi, ngụ quận 3, TP.HCM) kể chị có một tuổi thơ êm đềm với rất nhiều kỷ niệm. Khi trưởng thành, có nhiều lúc gặp khó khăn, buồn nản, chỉ cần nhớ về tuổi thơ là tâm trạng của chị được xoa dịu đi rất nhiều.

Như được vỗ về khi nhớ đến tuổi thơ

Ngày còn nhỏ, xung quanh nơi chị T. ở là những cánh đồng bát ngát. Từ nhà nhìn ra xa, chị tưởng như thấy được chân trời.

Tuổi thơ của chị T. còn là những lần cùng bọn trẻ trong xóm rong ruổi trên những cánh đồng lúa, được hít hà mùi thơm của lúa đang trổ bông. Tuổi thơ là những buổi chiều cúp điện, cả nhà ngồi ăn cơm ngoài trời trong những ngọn gió thổi qua. Tuổi thơ còn là những lần được thủ thỉ bên mẹ và được mẹ ôm vào lòng khen ngợi khi làm việc gì đó tốt.

Hiểu được tuổi thơ rất quan trọng đối với mỗi người nên chị T. nâng niu những tháng ngày đầu đời của con. Chị tranh thủ gần con để tình cảm mẹ con gắn bó. Những ngày nghỉ cả nhà cùng nấu ăn, dọn dẹp, đi bộ trong công viên, đến thăm ông bà, họ hàng, vui chơi cùng các con...

Nhưng một thực trạng hiện nay là con chị T. và nhiều đứa trẻ thành thị khác phải học nhiều, và không thể có một không gian rộng lớn để chơi đùa như thời cha mẹ. Vậy chị T. phải làm thế nào để con có một tuổi thơ đúng nghĩa?

Chị T. chia sẻ con gái chị năm nay học lớp 5 nhưng chị luôn nói với con "cứ học trong khả năng của con, nếu con đã cố gắng mà con bị điểm kém mẹ cũng không la hay buồn gì".

Trong thời gian này chị muốn con phát triển thể chất tốt, muốn con tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều để con biết quan sát, học hỏi, tìm hiểu những hiện tượng về thiên nhiên, hiểu được người khác, biết được tâm lý người khác, biết cách cư xử...

Và để có được nhiều thời gian trải nghiệm hơn, hai mẹ con cùng bàn bạc và thống nhất trên lớp con thật tập trung nghe bài giảng để hiểu, nắm bài. Tận dụng những thời gian còn dư trên lớp làm bài tập nếu có. Buổi tối về nhà con phụ mẹ nấu ăn, ăn tối, trò chuyện cùng gia đình.

Gia đình chị cũng tận dụng những dịp lễ, Tết đưa con đi tìm hiểu xung quanh TP như đi tuyến buýt sông, đến các viện bảo tàng... hoặc đi chơi xa.

Con chị T. không đi học thêm từ lớp 1 đến nay. Chị T. bảo chị biết nhiều trẻ tự học hoặc các con học nhóm cùng nhau mà rất tốt chứ không nhất thiết phải đi học thêm. Chị không trực tiếp kèm con nhưng trong hành trình làm mẹ chị đọc nhiều cuốn sách dạy con, vào nhiều nhóm tự học để học hỏi.

Dù không quá coi trọng điểm số trên lớp nhưng khi con biết cách tự học, biết phương pháp học, ba mẹ không gây áp lực, con được chủ động học và làm theo cách con muốn, con vui vẻ, thích học thì điểm số cũng không có gì đáng phàn nàn, thậm chí còn tốt.

Nên bàn bạc cùng con

Chị H.T.N. (36 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cũng mong Bộ Giáo dục và Đào tạo thay đổi để chương trình học được giảm tải, học thực chất hơn và các con có nhiều thời gian để vui chơi hơn. Bên cạnh mong đợi này, chị N. cho rằng bản thân mình, gia đình mình phải thay đổi trước tiên.

Đầu tiên, gia đình phải xác định mục đích muốn con mình sau này trở thành một người như thế nào. Sau đó, xem khả năng của con mình, con có thể phát triển khả năng gì là tốt nhất? Từ đó bồi dưỡng khả năng cho con, chứ không nên cái gì cũng bắt con phải học giỏi hết, làm tốt hết.

Nhiều ba mẹ muốn con học thêm và tự đăng ký cho con học các môn chứ chưa từng hỏi con "Con có thấy cần phải học thêm hay không?".

Chị N. cho rằng việc các cha mẹ cần làm không phải là cứ ngồi kèm trẻ mỗi ngày đến tận khuya, chở các con hết lớp học thêm này đến lớp học thêm khác, mà là tạo được động lực học tập cho trẻ. Khi trẻ chưa muốn mà các bậc cha mẹ đã làm hết, lên kế hoạch hết sẽ rất khó tạo được động lực cho đứa trẻ muốn học.

Còn khi một đứa trẻ đã muốn học con sẽ chủ động, tiếp thu nhanh trong học tập. Và muốn con mình ham học hỏi, tự học, chăm tập thể dục thì các bậc cha mẹ cũng phải làm gương trước về những điều các bậc cha mẹ mong muốn ở con mình.

Các bậc cha mẹ đều mong con có một tuổi thơ đúng nghĩa. Nhưng làm thế nào để trẻ có một tuổi thơ đúng nghĩa khi phải học nhiều như hiện nay có lẽ đang phụ thuộc nhiều ở sự cân nhắc, chọn lựa của cha mẹ - trong lúc chờ những quyết sách dài hơi hơn.

Bài viết trên Tổ ấm "Học từ sáng tới tối, cuối tuần cũng học, còn đâu tuổi thơ con?" gần đây đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Hầu hết ý kiến đều cho rằng trẻ em phải học nhiều như vậy là không tốt, là "tội cho tụi nhỏ".

Một phụ huynh cho rằng: "Tuổi thơ của con do cha mẹ quyết định, cho con học đủ với khả năng của con". Còn một phụ huynh khác gợi ý: "Ngày nghỉ, các bậc cha mẹ cứ cho con chơi thể thao hay hoạt động trải nghiệm gì đó". Một phụ huynh còn bình luận: "Nếu đặt mình vào đó mới cảm nhận hết được những gì các con trải qua nó ngột ngạt, khó thở cỡ nào".

Học từ sáng tới tối, cuối tuần cũng học, còn đâu tuổi thơ của con?Học từ sáng tới tối, cuối tuần cũng học, còn đâu tuổi thơ của con?

Mở mắt ra là đi học, tối mịt về đến nhà cũng lại học tiếp, nhiều trẻ em ở thành phố đang bị đánh mất tuổi thơ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên