16/06/2012 04:50 GMT+7

Chịu đau mới thoát nghịch lý tiền lương

NGUYỄN VĂN HÙNG
NGUYỄN VĂN HÙNG

TT - Mặc dù từ 1-5 Nhà nước đã tăng lương cho công chức viên chức (CCVC) nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế. Cải cách tiền lương sẽ chỉ thành công nếu điểm trúng “huyệt”.

Về nghịch lý tiền lương CCVC ở nước ta có thể khái quát trong bốn thực tế nổi cộm sau:

1- Tuy mức lương danh nghĩa thấp bậc nhất khu vực nhưng nếu đem “cân” với năng suất lao động và hiệu quả công vụ thì chưa hẳn đã thấp (thông tin gần đây cho biết năng suất lao động của VN chỉ bằng 1/5 mức trung bình ASEAN và 1/10 của Singapore).

2- Mặt bằng tiền lương của CCVC thấp nhưng thu nhập thực tế (thể hiện qua tài sản, mức sống, chi tiêu) chưa hẳn đã thấp, thậm chí một bộ phận không nhỏ còn nhanh giàu (nhờ bổng lộc, nạn “xin - cho”, chạy việc, chạy chức - quyền, vấn nạn “phong bì”, “làm luật”...).

3- Lương danh nghĩa liên tục tăng (từ năm 2003 đến nay đã tăng 7 lần) nhưng luôn lạc hậu so với tốc độ tăng giá và nhu cầu cuộc sống của bản thân người hưởng lương.

4- Chủ trương, chính sách chung về cải cách tiền lương là nhất quán theo hướng tăng lương thực tế, hạn chế bất hợp lý, bảo đảm đời sống và có tích lũy đáp ứng nhu cầu về nhà ở, học hành... cho CCVC và gia đình họ nhưng xét về nguồn lực (ngân sách) thì thiếu cơ sở bảo đảm bền vững. Đợt tăng lương 1-5 vừa qua, dù mức lương tối thiểu chỉ tăng 220.000 đồng nhưng ngân sách năm 2012 đã phải tăng chi tới 48.000 tỉ đồng, một tỉ lệ khá lớn trong tổng chi ngân sách cả năm.

Vấn đề khó tháo gỡ nhất, thậm chí có thể nói là “bi kịch” của lĩnh vực tiền lương CCVC hiện nay nằm ở chỗ bộ máy CCVC mà ngân sách nhà nước (tức tiền đóng thuế của dân) phải “nuôi” quá lớn, khoảng 6 triệu người, tương đương 7% dân số.

Trong khi đó, phân tích của nhiều chuyên gia cho rằng thực tế chỉ cần một nửa số CCVC ấy vẫn bảo đảm cho hệ thống chính trị khả năng vận hành bình thường, thậm chí còn tốt hơn.

Điều đó có nghĩa nguồn nhân lực trong bộ máy CCVC đang bị dôi dư, lãng phí rất lớn, như đánh giá được cho là còn khiêm tốn của ông chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp là 30% CCVC chỉ ngồi chơi lãnh lương. Như vậy, cho dù ai cũng thừa nhận lương khu vực nhà nước ở Việt Nam quá thấp song thật ra chỉ thấp với những người làm được việc, chứ không phải với tất cả CCVC. Mức lương được xem là “bèo” ấy lại vẫn là cao đối với hàng triệu CCVC vốn chỉ “đánh trống ghi tên” đang “ngồi chơi xơi nước” trong bộ máy quản lý cồng kềnh của đất nước.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh lạm phát tăng cao, đời sống xã hội khó khăn chung, Nhà nước luôn đứng trước sức ép phải tăng lương liên tục và đồng đều về tỉ lệ cho đội ngũ CCVC, cả người cống hiến hiệu quả và những người hằng ngày có mặt ở cơ quan chủ yếu là “trà lá”, tán gẫu. Cũng vì thế, nghịch lý tiền lương sau gần ba thập niên đổi mới vẫn còn đó, thậm chí có phần nặng nề hơn.

Đã có quá nhiều đề án và hội thảo bàn về chuyện hóa giải nghịch lý tiền lương CCVC - cải cách tiền lương, vấn đề cần thiết là “kê đơn bốc thuốc” sao cho đúng và đủ liều. Theo các chuyên gia và nhiều CCVC trong cuộc, bài thuốc khả dĩ chữa được căn bệnh tiền lương hiện nay chỉ có thể là kiên quyết giảm biên chế nhân lực trong bộ máy. Trong đó, cần thiết phải rà soát lại đội ngũ CCVC, kể cả việc xem lại phạm trù CCVC theo thông lệ quốc tế. Từ đó, các cơ cấu nhân lực thực chất phi CCVC phải từng bước tự tạo nguồn “nuôi” đội ngũ thay vì tất cả đều do ngân sách nhà nước. Điều đó đương nhiên là cực khó, nhưng nếu không “chịu đau” thì sẽ vẫn không thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của nghịch lý - bi kịch tiền lương.

NGUYỄN VĂN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên