13/04/2017 01:15 GMT+7

Chính sách một đường, thực thi một nẻo

ÁNH HỒNG
ÁNH HỒNG

TTO - Các ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn khi thực hiện chỉ đạo tăng cường cho vay với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, do sợ trách nhiệm nếu phát sinh nợ xấu.

Các ngân hàng cho rằng cần có chính sách riêng để ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay tín chấp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh: T.V.N.
Các ngân hàng cho rằng cần có chính sách riêng để ngân hàng có thể đẩy mạnh cho vay tín chấp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ - Ảnh: T.V.N.

Ông Nguyễn Phước Thanh - phó thống đốc Ngân hàng (NH) Nhà nước - thừa nhận như trên tại hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM ngày 12-4. Theo ông Thanh, các tổ chức tín dụng khi cho vay phải thu hồi được nợ, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), DN siêu nhỏ không có tài sản đảm bảo hoặc có nhưng giấy tờ không hoàn thiện.

Ngoài ra, các DNNVV thường vướng về chứng minh tài chính, đầu ra sản phẩm khó khăn nên cho vay rất rủi ro... “Một bên cần vay, một bên không dám cho vay vì sợ mất tiền. Do vậy, dù có chủ trương phát triển DNNVV nhưng NH không cho vay được” - ông Thanh nói.

Không phải mọi khoản cho vay đều đòi tài sản thế chấp nhưng nếu thị trường theo chiều hướng xấu hơn sau khi cho vay, nguy cơ phát sinh nợ xấu là rất lớn, NH sẽ phải gánh trách nhiệm. “Do vậy, cần giảm hình sự hóa các quan hệ kinh tế” - ông Thanh kiến nghị.

Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB, kiến nghị những khoản vay phát sinh nợ xấu từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng nên để NH đưa ra trọng tài kinh tế giải quyết. Với trường hợp phải đưa ra tòa án, nên cho NH được phép tự lựa chọn tòa án để xử lý vụ việc.

Theo ông Nguyễn Phước Thanh, NH Nhà nước cũng đang tiến hành soạn thảo trình lên Chính phủ để hội trình lên Quốc hội sửa đổi cơ chế pháp lý nhằm xử lý nợ xấu rốt ráo hơn, bởi các vướng mắc pháp lý hầu hết liên quan đến quy định tại các luật.

Chấm dứt NH Nhà nước mua NH giá 0 đồng

Ngày 12-4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã chính thức đưa thông tin này với thông báo quan điểm trên đã được thống nhất tại phiên họp Chính phủ khi thảo luận về dự thảo Luật cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Các ý kiến đã thống nhất từ nay các NH yếu kém sẽ được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà không dùng hình thức NH Nhà nước mua lại với giá 0 đồng.

Theo dự thảo quy định mới về phát hiện và xử lý tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, sẽ có các phương án xử lý bao gồm: phương án phục hồi; phương án xử lý pháp nhân (sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản...) và phương án chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Tại phương án cuối này, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, cổ đông của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt phải chuyển giao toàn bộ phần vốn góp, cổ phần cho tổ chức tín dụng được chỉ định hoặc NH Nhà nước.

Anh Đức

ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên