15/01/2007 07:08 GMT+7

"Chính quyền mở"

 NGUYỄN TRƯỜNG UY
 NGUYỄN TRƯỜNG UY

TT - Kênh đối thoại trực tuyến của các lãnh đạo cấp cao thời gian qua dù đã hiệu quả, thẳng thắn, “mở”... song cũng chỉ mới là những chủ trương, chính sách vĩ mô.

Hơn 200 câu hỏi của bạn đọc báo Sài Gòn Giải Phóng đã đặt ra với Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trong cuộc giao lưu trực tuyến hôm qua 14-1 về một trong những vấn đề đang được người dân TP.HCM quan tâm nhất: quản lý đô thị.

Hơn hai giờ rưỡi đối thoại cũng chưa đủ để Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải cùng giám đốc các sở chức năng trả lời hết các vấn đề đặt ra từ người dân, phải để lại giải đáp về sau. Điều này cho thấy nhu cầu đối thoại của người dân với các lãnh đạo, các ban ngành là rất lớn, kênh đối thoại cần được mở ra nhiều hơn và thường xuyên hơn.

Người “phát pháo” cho việc đối thoại giữa chính quyền và người dân được chú ý thời gian qua là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Mai Ái Trực trả lời các câu hỏi của người dân trên trang web của bộ.

Trong năm 2006, ông Mai Ái Trực đã có ba lần giao lưu trực tuyến giải đáp thắc mắc của dân. Ông cùng các thứ trưởng và quan chức dưới quyền trả lời các câu hỏi của dân, những câu nào chưa trả lời kịp trong buổi giao lưu thì trả lời dần sau đó. Ông còn yêu cầu các sở tại địa phương cũng mở kênh đối thoại với dân để giải quyết những khúc mắc của người dân địa phương.

Từ “mô hình” của ông Mai Ái Trực, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ nghiên cứu kinh nghiệm của Bộ Tài nguyên - môi trường để triển khai, tiếp xúc với dân.

Trên tinh thần lắng nghe người dân, nhiều cuộc đối thoại trực tuyến khác của các lãnh đạo cấp cao cũng đã được tổ chức trong năm 2006: nguyên phó thủ tướng Vũ Khoan (đặc phái viên của Thủ tướng), Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đối thoại trên báo điện tử Đảng Cộng sản VN, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển giao lưu trên VietNamNet… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đang chuẩn bị cho cuộc giao lưu trực tuyến đầu tiên của mình trên website Chính phủ.

Việc các lãnh đạo cấp cao đăng đàn trả lời dân là một biểu hiện thiết thực của nền hành chính dân chủ, chính quyền muốn lắng nghe dân nhiều hơn nhằm tạo ra một sự đồng thuận trong thực thi các chính sách. Tuy nhiên, kênh đối thoại trực tuyến của các lãnh đạo cấp cao thời gian qua dù đã hiệu quả, thẳng thắn, “mở”... song cũng chỉ mới là những chủ trương, chính sách vĩ mô.

Còn những khúc mắc cụ thể, thiết thân với đời sống của người dân thì đáng tiếc là nhiều địa phương và các ngành hiện vẫn còn “đóng” trước các bức xúc của họ. Chính vì nhiều địa phương chưa giải quyết được nhiều vấn đề của dân nên mới xảy ra tình trạng người dân hết chạy từ cơ quan công quyền này sang cơ quan kia, thiếu thông tin, những vấn đề bức xúc tồn đọng nhiều năm không biết hỏi ai và không ai giải quyết.

“Phải gần dân, phải lắng nghe được nhanh, kịp thời những ý kiến, những tâm tư, nguyện vọng xác đáng của người dân để việc quản lý, điều hành kịp thời” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu như vậy.

 NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên