26/05/2024 08:53 GMT+7

Chính quyền chậm tay, dân mất ngay tiền tỉ

Người dân ở thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước hoàn tất thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất trước khi bảng giá đất mới có hiệu lực (28-8-2020).

Chính quyền chậm tay, dân mất ngay tiền tỉ- Ảnh 1.

Tuy nhiên, chính quyền địa phương chậm trễ khiến họ bị áp giá đất mới, số tiền đóng thuế, phí vì thế mà tăng lên nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Quý (59 tuổi, ngụ thị xã Chơn Thành) được công nhận quyền sở hữu thửa đất số 142 tờ bản đồ số 74 tại khu phố 3, thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành (nay là phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành) theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Phước cấp.

Dù đã lớn tuổi, ông Quý vẫn ngày ngày siêng năng với công việc phụ hồ nặng nhọc, cắc củm từng đồng để có tiền đóng thuế xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất và sau đó xây nhà.

Giải quyết hồ sơ chậm gần 1 tháng do "nguyên nhân khách quan"

Vào đầu tháng 8-2020, chính quyền địa phương thông báo tiếp tục thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất (gọi tắt là chuyển đổi - PV) của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị xã Chơn Thành.

Ngày 14-8-2020, ông Quý nộp hồ sơ xin chuyển đổi 300m2 đất trồng cây lâu năm sang đất ở tại bộ phận một cửa của UBND thị xã Chơn Thành. Sau khi nhận và xem xét hồ sơ, bộ phận một cửa đã chấp nhận và giao giấy hẹn trả kết quả ghi ngày trả thông báo nộp thuế là 9-9-2020.

Sau đó, ông Quý nhiều lần liên hệ bộ phận một cửa nhưng không có kết quả. Đến ngày 12-11-2020 (hơn hai tháng kể từ ngày nộp hồ sơ) ông Quý lại đến bộ phận một cửa thì được hướng dẫn liên hệ Chi cục Thuế thị xã Chơn Thành để nhận thông báo. Tại đây, ông Quý "tá hỏa" với thông báo nộp tiền thuế sử dụng đất và phí trước bạ là 1,38 tỉ đồng.

"Theo tôi tìm hiểu, hồ sơ của tôi đầy đủ, hợp lệ. Chỉ vì UBND huyện Chơn Thành chậm trễ trong việc xử lý hồ sơ so với thời hạn quy định nên khi chuyển hồ sơ sang cơ quan thuế thì đơn giá đất đã tăng lên gấp nhiều lần so với thời điểm nộp hồ sơ. Tôi đào đâu ra tiền mà đóng", ông Quý bức xúc.

Ngày 29-12-2021, ông Quý gửi đơn đến chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành khiếu nại về việc chậm trễ trong giải quyết hồ sơ của ông, đồng thời yêu cầu tính lại đơn giá đất đúng theo bảng giá đất có hiệu lực tại thời điểm ông nộp hồ sơ.

Hơn một năm sau (19-1-2023) chủ tịch UBND thị xã Chơn Thành ban hành quyết định giải quyết khiếu nại. Theo đó, đơn vị này thừa nhận nếu đúng thời gian quy định thì phải ban hành quyết định cho chuyển đổi đối với ông Quý vào ngày 21-8-2020 (sáu ngày làm việc và hai ngày nghỉ).

Việc đến ngày 18-9-2020, UBND huyện Chơn Thành (cũ) mới ban hành quyết định là chậm trễ so với thời hạn theo quy định.

Song, UBND thị xã Chơn Thành cho rằng việc chậm trễ này là do các nguyên nhân khách quan: nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất của người dân tăng đột biến, với bốn chuyên viên của Phòng Tài nguyên và Môi trường không thể giải quyết đúng hạn tất cả hồ sơ...

UBND thị xã Chơn Thành dẫn ý kiến của các sở ngành thuộc tỉnh, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Luật Đất đai để xác định hộ ông Quý thuộc trường hợp xác định nghĩa vụ tài chính tại thời điểm có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích nên không đồng ý tính lại tiền sử dụng đất theo bảng giá đất cũ.

Như vậy, lẽ ra quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất đối với ông Quý phải có trước thời điểm bảng giá đất mới có hiệu lực (quyết định 18/2020 của UBND tỉnh Bình Phước có hiệu lực từ 28-8-2020), nhưng địa phương đã chậm trễ dẫn tới việc ban hành quyết định sau ngày áp dụng bảng giá đất mới.

Giá đất chênh lệch hơn 1 tỉ, lỗi do đâu?

Cho rằng kết quả giải quyết khiếu nại trên không thỏa đáng, ông Quý tiếp tục khiếu nại đến UBND tỉnh Bình Phước. Ngày 19-5-2023, chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại đối với ông Quý. Theo quyết định này, đối với hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất của ông Quý giữa đơn giá cũ và đơn giá mới chênh lệch gần 1,1 tỉ đồng.

Như vậy, nếu áp theo đơn giá cũ, ông Quý phải đóng 313 triệu đồng. Thế nhưng UBND tỉnh Bình Phước đồng quan điểm với cấp dưới rằng việc chậm là do nguyên nhân khách quan và không đồng ý tính lại giá đất.

Ông Nguyễn Văn Bằng (em ruột ông Quý) cũng rơi vào trường hợp tương tự anh mình với thông báo đóng thuế đất lên đến 1,56 tỉ đồng, cao hơn 1,2 tỉ đồng so với giá đất cũ (theo kết quả xác minh của UBND tỉnh - PV).

Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại của hai cấp chính quyền, cuối năm 2023 ông Quý và ông Bằng đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu tuyên hủy quyết định giải quyết khiếu nại của UBND tỉnh Bình Phước, hủy một phần quyết định giải quyết khiếu nại của UBND thị xã Chơn Thành đối với mục không chấp nhận yêu cầu tính lại tiền sử dụng đất theo bảng giá đất cũ, hủy thông báo nộp tiền sử dụng đất của Chi cục Thuế thị xã Chơn Thành, yêu cầu UBND thị xã Chơn Thành xác định lại nghĩa vụ tài chính theo giá đất cũ.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, đại diện TAND tỉnh Bình Phước cho biết vụ án đã được đưa ra xét xử. Tại phiên tòa ngày 13-5 hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa "vì nhiều lý do".

Liên quan vụ việc, lãnh đạo UBND thị xã Chơn Thành cho biết đến nay các hộ gia đình khác đã chấp hành nghĩa vụ tài chính, riêng ông Quý và ông Bằng kiện ra tòa. Hiện nay, UBND thị xã đang chờ phán quyết của tòa. Cũng theo vị lãnh đạo này, trước đây UBND thị xã đã đề nghị áp giá đất cũ nhưng cơ quan thuế không chấp thuận.

Nhiều người dân bức xúc vì thiếu công bằng

Theo tìm hiểu, trường hợp như ông Quý và ông Bằng không phải là hiếm bởi sau khi UBND tỉnh Bình Phước cho phép bổ sung chỉ tiêu đất ở và UBND thị xã Chơn Thành thông báo tiếp nhận hồ sơ chuyển đổi thì từ ngày 10-8 đến 27-8-2020, lượng hồ sơ nộp về tăng đột biến đến 2.358 hồ sơ.

Trong quá trình tham mưu, giải quyết hồ sơ, hầu hết là trễ hạn và được ban hành quyết định cho phép chuyển đổi sau ngày 27-8-2020. Chỉ có 157 hồ sơ được ban hành quyết định cho phép chuyển đổi trước ngày 28-8-2020, dẫn đến nhiều hộ dân bức xúc, phản ảnh đến UBND tỉnh.

Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bình Phước cho thành lập Tổ xác minh nội dung phản ảnh của công dân do Thanh tra tỉnh chủ trì. Theo báo cáo ngày 8-3-2021 của tổ xác minh xác định có những trường hợp người dân nộp hồ sơ cùng một thời điểm nhưng có trường hợp được cho phép chuyển đổi trước (áp đơn giá đất cũ) và có trường hợp cho chuyển đổi sau (áp đơn giá mới) do việc chậm trễ giải quyết hồ sơ làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân.

Cơ quan nhà nước chậm ban hành quyết định thì tính thuế ra sao?

Theo luật sư Nguyễn Hồng Thái - Đoàn luật sư TP.HCM, đối với trường hợp cơ quan nhà nước ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng không đúng thời hạn luật định, Luật Đất đai 2013 hay nghị định 45/2014/NĐ-CP không có bất kỳ nội dung nào hướng dẫn cụ thể về trường hợp này.

Trong khi đó, thông tư 76/2014 của Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp cơ quan nhà nước chậm ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất như sau: "Trường hợp hộ gia đình, cá nhân đã nộp hồ sơ hợp lệ xin chuyển mục đích sử dụng đất nhưng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất thì nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm chậm nhất theo thời hạn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ban hành quyết định chuyển mục đích sử dụng đất".

Do đó, theo luật sư Thái, từ căn cứ trên trường hợp ông Quý, ông Bằng hoàn toàn có cơ sở để áp dụng hướng dẫn tại thông tư 76/2014, tính thuế đất theo bảng giá cũ.

Đền bù đất nông nghiệp giá 25.000 đồng/m2 năm 1999, UBND huyện Nhà Bè bị kiệnĐền bù đất nông nghiệp giá 25.000 đồng/m2 năm 1999, UBND huyện Nhà Bè bị kiện

Năm 1999, bà Nguyễn Thị Sáu bị thu hồi 3000m2 đất tại Nhà Bè, với giá bồi thường 25.000 đồng/m2 đất nông nghiệp. Bà Sáu không đồng ý và khởi kiện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên