Sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cuối tuần qua đánh dấu tròn 7 năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt ở Syria tuyên bố chiến thắng "những kẻ khủng bố".
Giờ đây, ông Assad đã chạy đến Matxcơva khi quyền lực của ông bị nghiền nát bởi cuộc tấn công chớp nhoáng của quân nổi dậy.
Nga có vai trò gì ở Syria?
Liên Xô là đồng minh lâu năm của cha ông Assad, ông Hafez Assad, người đã cai trị đất nước trong gần 30 năm.
Năm 2011, khi cuộc nổi dậy chống lại ông Assad biến thành nội chiến, Nga vẫn tiếp tục là nước ủng hộ chính của Damascus. Khi chính quyền ông Assad gần sụp đổ sau một loạt thất bại trên chiến trường vào năm 2015, Nga cùng Iran can thiệp quân sự vào Syria.
Sự can thiệp đã giúp ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn Syria, biến Điện Kremlin thành một bên dàn xếp quyền lực quan trọng ở Trung Đông và thúc đẩy uy tín của Nga. Sau chuyến thăm chiến thắng tới Syria vào tháng 12-2017, ông Putin đã tuyên bố tái tranh cử vào năm 2018.
Sau khi giúp ông Assad giành lại quyền kiểm soát hầu hết Syria, Nga đã thúc giục ông tham gia đàm phán với các nhóm đối lập ôn hòa. Tuy nhiên, ông Assad kiên quyết phản đối mọi sáng kiến nhằm hòa giải dân tộc.
"Cố gắng giảm thiểu phí tổn ở Syria, Nga ngày càng tập trung vào việc duy trì nguyên trạng không ổn định và kém hiệu quả này, bảo vệ chế độ Assad đang sụp đổ và mất tính hợp pháp", Hãng tin AP dẫn lời ông Ruslan Pukhov, một chuyên gia quân sự tại Matxcơva, nhận định.
Những khó khăn về kinh tế của Syria, trầm trọng hơn do bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt quốc tế, đã làm suy yếu đất nước và quân đội của nước này. Quân đội Syria suy sụp nhanh chóng trước sức tấn công dữ dội của phe nổi dậy, một sự sụp đổ nhanh chóng mà Tehran lẫn Matxcơva không thể ngăn chặn được khi chỉ có một lực lượng nhỏ ở Syria.
Đòn giáng cho Nga
Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Syria, đồng minh duy nhất của Nga ở Trung Đông, là một đòn giáng nặng nề cho Matxcơva.
Các chuyên gia phương Tây cho rằng sự can dự của Nga vào Syria không chỉ là về ông Assad, mà còn đảm bảo chỗ đứng ở Trung Đông, nền tảng trong chiến lược của Matxcơva, với căn cứ không quân Khmeimim và cơ sở hải quân Tartus.
"Syria là một chiến trường quan trọng trong cuộc xung đột ủy nhiệm lớn hơn giữa Nga và Mỹ. Việc mất Assad là một thất bại chiến lược đối với Nga, khiến họ mất các căn cứ quan trọng ở Trung Đông và kéo dài thêm nguồn lực quân sự khi họ tiếp tục chiến đấu ở Ukraine", nhà phân tích tình báo quân sự chiến lược Rebekah Koffler nhận định trên Đài Fox News.
Sự kiện diễn ra vào thời điểm chuyển giao chính quyền ở Mỹ. Nó đã làm giảm uy tín của Điện Kremlin trên trường quốc tế và có thể làm suy yếu quyền lực của ông Putin trong bất kỳ cuộc đàm phán nào về cuộc chiến ở Ukraine.
"Vấn đề chính là bây giờ Nga sẽ cố gắng thích nghi với thực tế mới như thế nào và liệu họ có đủ linh hoạt để đối phó với những chủ nhân mới của Syria hay không, những người dường như đang muốn tránh xung đột với Matxcơva", chuyên gia Tatiana Stanovaya của Trung tâm Carnegie Russia Eurasia nhận định.
Theo bà Stanovaya, cũng có khả năng Nga sẽ có lập trường cứng rắn hơn. "Sự sụp đổ của ông Assad cũng đã làm ông Putin chao đảo, khiến ông ấy ít có xu hướng thể hiện sự linh hoạt với Ukraine hơn. Cuộc chiến ở Ukraine, ở một mức độ nào đó, đã khiến ông ấy mất Syria, điều này củng cố thêm sự không muốn thỏa hiệp của ông ấy", bà cho biết.
Nga phản ứng như thế nào?
Bộ Ngoại giao Nga cho biết đang "theo dõi chặt chẽ các sự kiện kịch tính ở Syria" và kêu gọi các bên "kiềm chế sử dụng bạo lực và giải quyết mọi vấn đề thông qua các biện pháp chính trị".
Nga cũng cho biết họ "đang liên lạc với tất cả các phe phái của phe đối lập Syria". Đối với 2 cơ sở quân sự quan trọng về mặt chiến lược ở Tartus và Khmeimim, Matxcơva nói "các căn cứ quân sự của Nga ở Syria đang trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao".
Trên Đài RT, chiến lược gia Rachel Marsden nói rằng phương Tây đang cổ vũ cho chiến thắng của nhóm phiến quân mà họ coi là khủng bố ở Syria và quá ám ảnh về Nga và Iran đến mức chẳng quan tâm đến ai sẽ nắm quyền.
"Cùng một Assad đã bị họ gần như hoàn toàn phớt lờ trong nhiều năm kể từ khi chiến dịch thay đổi chế độ 'phiến quân Syria' do CIA và Lầu Năm Góc hậu thuẫn trước đây thất bại. Nhưng giờ đây, ông ta đột nhiên còn tệ hơn cả những kẻ thánh chiến.
Tất nhiên là ông ta phải như vậy. Bởi vì nếu không thì làm sao họ có thể biện minh cho việc chấp nhận một người kế nhiệm từng là kẻ thù số một của Mỹ?", bà Marsden cho biết.
Theo chyên gia Vitaly Ryumshin, các nước đã ngoảnh mặt khi nạn đói, lệnh trừng phạt và sự tan rã quân sự tàn phá chính quyền ông Assad.
"Syria dường như được định sẵn sẽ đi theo quỹ đạo hậu Gaddafi của Libya: một nhà nước thất bại bị chia cắt thành các vùng ảnh hưởng, do các lãnh chúa và các đại diện nước ngoài cai trị. Đây sẽ là một thảm họa không chỉ đối với người Syria mà còn đối với toàn bộ Trung Đông", ông Ryumshin nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận