05/05/2013 09:26 GMT+7

Chinh phục khách hàng như "cưa cẩm" cô gái

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - Tôi làm trong lĩnh vực liên quan đến quảng cáo, nghiên cứu thị trường được 17 năm và sinh sống tại VN đã 19 năm, nên hiểu phần nào câu chuyện hàng sản xuất trong nước của các bạn ngày càng bị hàng ngoại lấn át mà Tuổi Trẻ đã phản ánh.

7UbYCJNG.jpgPhóng to
Người tiêu dùng chọn mua hàng Việt tại Hội chợ hàng VN chất lượng cao 2013 - Ảnh: Dũng Tuấn
JKq61Egh.jpg
Ralf Matthaes - Ảnh: Lê Nam
Có một thực tế là người tiêu dùng VN rất lạc quan về cuộc sống, họ luôn có niềm tin cuộc sống, kinh tế sẽ tốt hơn cho dù kinh tế thế giới, khu vực có khó khăn. Tuy nhiên mọi người vẫn còn ít nhiều hoài nghi về chất lượng các hàng hóa thương hiệu Việt, đặc biệt là những thương hiệu sản phẩm có giá trị cao như ôtô, xe máy hay tivi...

Tôi đã rất nhiều lần mua, sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp VN. Tôi rất thoải mái khi mua những sản phẩm thông dụng như nước uống, nước ngọt, thực phẩm, bột giặt của các doanh nghiệp VN, nhưng sẽ suy đi tính lại khi mua sản phẩm công nghệ cao như máy tính xách tay hay sử dụng dịch vụ tư vấn của doanh nghiệp VN... Giá sản phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong các quyết định mua sắm của người dân VN. Do vậy các thương hiệu lớn, đặc biệt là các thương hiệu nổi tiếng thế giới, được hiểu như là một sự đảm bảo về chất lượng hàng hóa đối với người dân VN. Trong khi đó, các thương hiệu trong nước có xu hướng chọn kinh doanh các sản phẩm có giá thấp, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ bình dân khác.

Nhưng trên thị trường vẫn có rất nhiều nhãn hiệu hàng hóa VN như Vinamilk, Kinh Đô, Masan... có chất lượng, mẫu mã, giá cả cạnh tranh rất tốt, chiếm lĩnh cả thị trường, thậm chí còn đánh bại các thương hiệu nước ngoài khác cùng chủng loại. Thực tế có nhiều doanh nghiệp VN chi cho việc quảng bá, marketing những sản phẩm/dịch vụ của mình không thua kém gì các thương hiệu nước ngoài cùng loại. Trong năm 2012, 4/10 công ty sản xuất nhóm hàng tiêu dùng nhanh (thực phẩm, đồ uống...) chi nhiều tiền cho quảng cáo, nhất là doanh nghiệp VN.

Qua nhiều khảo sát, chúng tôi nhận thấy nhiều người Việt vẫn tin dùng các sản phẩm thực phẩm, nước giải khát, dịch vụ chăm sóc nhà cửa... do doanh nghiệp VN cung cấp. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa người tiêu dùng VN và một nhãn hiệu do doanh nghiệp VN sản xuất phần lớn giống như mối quan hệ giữa những người tình với nhau trong giai đoạn hẹn hò hơn là mối quan hệ hôn nhân. Trong mối quan hệ hôn nhân có sự cam kết, lòng chung thủy mãi mãi, những ràng buộc pháp lý, sự cống hiến lâu dài, còn quan hệ trong giai đoạn hẹn hò không có gì ràng buộc mãi mãi.

Người tiêu dùng cam kết sẽ trung thành sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp VN mãi mãi nếu nhãn hiệu hàng hóa đó cam kết cung cấp cho họ chất lượng tốt, ổn định, luôn tươi mới, thi thoảng thay đổi nhưng phải phù hợp thị hiếu của họ, thông qua các chương trình quảng bá, tri ân khách hàng... Người tiêu dùng VN sẽ tin tưởng vào hàng hóa VN, sử dụng và chung thủy với hàng VN khi mà doanh nghiệp VN hóa giải và thực hiện được những điều sau: cam kết sự ổn định lâu dài về cả chất lượng, tạo ra sự ham muốn, khát vọng được sử dụng món hàng/dịch vụ của doanh nghiệp, luôn sẵn sàng cung cấp khi khách hàng cần, giá cả phải chăng, đưa ra những cam kết, giao tiếp và hiểu rõ những nhu cầu của người tiêu dùng...

Nói chung các doanh nghiệp VN hãy cư xử với khách hàng như cư xử với một cô gái mà bạn yêu thích, muốn “cưa cẩm”, chinh phục nàng. Cô nàng (người tiêu dùng) sẽ quan sát các cử chỉ của chàng trai (doanh nghiệp VN) khi họ hẹn hò với nhau và nếu chàng trai có các phẩm chất mà cô gái cần, mối quan hệ này sẽ chuyển thành hôn nhân...

RALF MATTHAES(giám đốc điều hành khu vực Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, Công ty nghiên cứu thị trường Taylor Nelson)

Tự đào mồ chôn chính mình

Vấn đề không nằm ở chỗ doanh nghiệp VN không có tiền chi cho quảng cáo, khuếch trương sản phẩm của mình mà là nhiều doanh nghiệp VN khi có tiền không tái đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh họ đang có thế mạnh mà lại dồn vào kinh doanh bất động sản, các lĩnh vực kinh doanh mới mà họ chưa thuận tay, mua những ngôi nhà, căn hộ đắt tiền, xe hơi sang trọng... Khi kinh tế khó khăn, họ không còn nhiều vốn quay về để phát triển các sản phẩm truyền thống thế mạnh của mình, không còn tiền để quảng bá, giới thiệu sản phẩm cho thị trường tiêu dùng.

Bên cạnh đó, lãi suất cao đã làm họ phải đứng bên rìa đường đua nhìn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp VN khác tập trung tái đầu tư phát triển, từng ngày từng ngày giành lấy thị phần và khách hàng trung thành vốn có của mình. Họ đã tự đào mồ chôn chính mình bằng cách kinh doanh như vậy.

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên