29/06/2021 17:20 GMT+7

Chính phủ thúc các bộ ngành sớm đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân

N.AN
N.AN

TTO - Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành trong đề xuất chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, yêu cầu lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ thúc các bộ ngành sớm đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân - Ảnh 1.

Nhiều hộ kinh doanh, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 - Ảnh: N.HIỂN

Chính phủ vừa ban hành nghị quyết số 63 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, nhấn mạnh mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu, kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, hoàn thành tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất.

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phát triển xuất nhập khẩu, hướng đến cán cân thương mại hài hòa, bền vững. Đạt tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 ở mức 95-100% kế hoạch được giao, giữ vững ổn định chính trị xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh…

Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu và giao nhiệm vụ cụ thể cho nhiều bộ ngành để sớm trình các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Lao động - thương binh và xã hội khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bộ Tài chính nghiên cứu, tiếp tục đề xuất các giải pháp, chính sách về thuế, phí, lệ phí; Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu đề xuất chính sách tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp; khuyến khích tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xây dựng chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; khẩn trương trình Chính phủ ban hành chính sách giảm số tiền ký quỹ của các doanh nghiệp lữ hành.

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành liên quan điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm an toàn hệ thống, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, triển khai biện pháp xử lý nợ xấu, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên.

Theo dõi sát diễn biến tình hình, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường. Kiểm soát và có biện pháp kịp thời để đảm bảo nguồn cung và giá cả của nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước, đặc biệt là hoạt động xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư.

Đẩy mạnh cải cách, cắt giảm ngay thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với hoạt động đầu tư công, Chính phủ yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu, rà soát phân bổ kế hoạch vốn cho phù hợp, có trọng tâm trọng điểm, không dàn trải, manh mún.

Để thực hiện, Chính phủ yêu cầu tập trung vào việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thúc đẩy thi công, rà soát điều chỉnh kế hoạch vốn giữa dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt.

Đồng thời, thành lập tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn trong từng bộ ngành và địa phương để kiểm tra, đôn đốc thường xuyên. Trường hợp không hoàn thành tiến độ kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân tùy vào mức độ, kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực, thực hiện đấu thầu qua mạng…

Hình thành công nghiệp sản xuất vắc xin

Với 9 nhiệm vụ trọng tâm, nghị quyết Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch với tinh thần "chống dịch như chống giặc", phương châm "5K + vắc xin", kết hợp giữa phòng ngừa và tấn công, xem đây là chiến lược lâu dài, quyết định.

Cùng với việc sử dụng hiệu quả Quỹ vắc xin, tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm, đặc biệt là đối tượng tiêm ở những ngành, lĩnh vực là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, ngành thương mại, dịch vụ.

Gắn nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng cho phát triển kinh tế - xã hội, khuyến khích các doanh nghiệp, địa phương tiếp cận bình đẳng các nguồn vắc xin, tuân thủ thực hiện quản lý nhà nước, nhất là kiểm soát chất lượng và cấp phép của Bộ Y tế, dứt khoát không để cạnh tranh không lành mạnh giữa khu vực Nhà nước và tư nhân.

Nghị quyết cũng nêu vấn đề nghiên cứu, đề xuất thành lập trung tâm để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn quốc tế; xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù để thu hút tổ chức, doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu, tiếp nhận công nghệ sản xuất, tiến tới hình thành công nghiệp sản xuất vắc xin.

Nhanh một ngày, cứu hàng ngàn doanh nghiệp Nhanh một ngày, cứu hàng ngàn doanh nghiệp

TTO - Đợt bùng phát dịch lần 4 ở nước ta từ cuối tháng 4 cho đến nay dù chưa có con số thống kê chính thức nhưng ghi nhận thực tế cho thấy mức độ thiệt hai chỉ riêng ở khía cạnh kinh tế đã rất nghiêm trọng so với ba đợt dịch trước.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên