29/09/2021 09:03 GMT+7

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Các nhà lập pháp Mỹ chỉ còn chưa đầy 72 tiếng để ngăn chính phủ đóng cửa. Ngân sách cho chính phủ liên bang dự kiến hết vào ngày 30-9. Nếu không có ngân sách mới, hàng trăm ngàn nhân viên liên bang sẽ tạm nghỉ việc.

Chính phủ Mỹ trước nguy cơ đóng cửa - Ảnh 1.

Các nghị sĩ Dân chủ không còn nhiều thời gian để ngăn chính phủ đóng cửa - Ảnh: NYT

Đây là tình thế khó khăn cho các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Tổng thống Joe Biden. Theo trang Axios, Đảng Dân chủ có thể sẽ chấp nhận thỏa hiệp để giữ chính phủ của ông Biden không phải đóng cửa ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ.

Phương án B

Tuần trước, một dự luật cấp tiền cho Chính phủ Mỹ hoạt động tới cuối năm nay và đình chỉ áp dụng mức trần nợ công 28,4 ngàn tỉ USD tới cuối năm 2022 đã được đệ trình tại Hạ viện và nhanh chóng được thông qua do Đảng Dân chủ đang chiếm quá bán. Tuy nhiên, khi dự luật này được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vào ngày 27-9 (giờ Mỹ), Đảng Cộng hòa đã bác bỏ.

Lý do chính khiến phe Cộng hòa phản đối là điều khoản nâng trần nợ công và đình chỉ áp dụng mức trần này cho tới tháng 12-2022, sau kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ. Các nghị sĩ thuộc đảng này, dẫn đầu là thượng nghị sĩ Mitch McConnell, đã liên tục phản đối việc nâng trần nợ công. 

"Đảng Cộng hòa sẽ không cho đi lá phiếu nào trong vấn đề nâng giới hạn nợ. Lưỡng đảng không phải cái công tắc đèn để Đảng Dân chủ bật lên khi cần vay tiền và tắt khi muốn tiêu tiền", ông McConnell nói.

Như vậy, sẽ có hai tình huống sắp xảy ra. Một là Chính phủ Mỹ sẽ đóng cửa từ 0h01 ngày 1-10 và việc đình chỉ áp dụng mức trần nợ cũng thất bại; và hai là Chính phủ sẽ tiếp tục hoạt động với ngân sách ngắn hạn, việc đình chỉ áp dụng trần nợ sẽ được hai đảng thảo luận tiếp.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã nói rõ họ không muốn đóng cửa chính phủ. Do đó khả năng cao phe Dân chủ sẽ điều chỉnh dự luật và bỏ đi điều khoản mà phe Cộng hòa phản đối. Thượng nghị sĩ McConnell và các nghị sĩ khác của Đảng Cộng hòa trước đó đã bắn tiếng sẽ ủng hộ dự luật ngân sách nếu phe Dân chủ làm vậy.

Nguy cơ vỡ nợ

Mức trần nợ là tổng số tiền Chính phủ Mỹ được phép vay để đáp ứng các nghĩa vụ pháp lý hiện có, trong đó có an sinh xã hội, phúc lợi y tế và nhiều khoản khác. Về mặt kỹ thuật, Chính phủ Mỹ đã đạt tới giới hạn này vào tháng 7 vừa qua, buộc Bộ trưởng Tài chính Janet L. Yellen phải sử dụng "các biện pháp đặc biệt" để ngăn nguy cơ vỡ nợ.

"Một vụ vỡ nợ của Chính phủ Mỹ về cơ bản sẽ còn tồi tệ hơn sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers vào năm 2008, tàn phá các thị trường toàn cầu và nền kinh tế" - bà Beth Ann Bovino, chuyên gia kinh tế thuộc Tổ chức S&P (Mỹ), nói với Đài CNBC.

Việc Đảng Cộng hòa kiên quyết không muốn đình chỉ áp dụng mức trần nợ công được cho là đòn hiểm nhắm vào phe Dân chủ tại Quốc hội và Nhà Trắng. Nếu không muốn vượt trần, việc chi tiêu phải cắt giảm, bao gồm cả chương trình Build Back Better (Xây dựng lại tốt hơn) đầy tham vọng trị giá 3,5 ngàn tỉ USD của chính quyền Tổng thống Biden. Nhưng nếu muốn giữ chương trình này, các nghị sĩ Dân chủ buộc phải tự nâng trần nợ công và đối mặt với rủi ro trong tương lai.

Tờ The Hill nhận định đây là một bước đi rất thâm sâu, bởi Đảng Cộng hòa tin Đảng Dân chủ sẽ phải nâng giới hạn nợ lên một con số cụ thể. Đây sẽ là cơ sở để Đảng Cộng hòa tấn công các nghị sĩ Dân chủ "yếu thế" và giành thêm ghế trong đợt bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022. 

Ban lãnh đạo Đảng Cộng hòa cũng nhận thức rõ phe Dân chủ đang bị chia rẽ xung quanh dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 ngàn tỉ USD và dự luật tài trợ cho chương trình Build Back Better.

Nhóm nghị sĩ Dân chủ cấp tiến muốn thông qua cả hai dự luật cùng lúc, nhưng các nghị sĩ ôn hòa hơn, bao gồm Chủ tịch Hạ viện Pelosi, cho rằng gói 3,5 ngàn tỉ USD là quá lớn và cần thu hẹp. 

Nhóm này cũng kêu gọi thông qua trước dự luật 1,2 ngàn tỉ USD - vốn đã được Thượng viện thông qua hồi tháng trước - và thảo luận sau về gói 3,5 ngàn tỉ USD. Điều này đã khiến tranh cãi nội bộ Dân chủ càng thêm gay gắt.

Việc Chính phủ Mỹ đóng cửa vì không còn ngân sách không phải chuyện hiếm trong lịch sử. Hàng trăm ngàn nhân viên liên bang có thể sẽ bị ảnh hưởng nếu chính phủ đóng cửa dài ngày. Riêng những người thuộc nhóm ngành thiết yếu sẽ phải tiếp tục làm việc không lương cho đến khi Quốc hội thông qua ngân sách mới.

Lần đóng cửa gần đây nhất và cũng là lâu nhất, từ ngày 22-12-2018 đến ngày 25-1-2019, GDP của Mỹ giảm 3 tỉ USD trong quý 4-2018, theo Văn phòng Ngân sách của Quốc hội Mỹ.

Thượng viện chặn dự luật giải cứu Chính phủ Mỹ khỏi bị đóng cửa Thượng viện chặn dự luật giải cứu Chính phủ Mỹ khỏi bị đóng cửa

TTO - Ngày 27-9, giờ địa phương, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu cho dự luật phân bổ ngân sách giúp Chính phủ Mỹ không bị đóng cửa và nâng mức trần nợ. Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã chặn dự luật này.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên