Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình Quốc hội dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) - Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 11-11, lần đầu tiên Chính phủ chính thức trình dự thảo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Cũng trong ngày, các đại biểu sẽ thảo luận tại tổ về dự luật này.
Thay mặt Chính phủ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP thì cần có khung pháp lý ổn định cho hợp đồng PPP, tránh tình trạng "vay mượn" quy định khác.
Theo đó, dự thảo luật được thiết kế theo hướng lược bỏ các lĩnh vực không được triển khai theo PPP trên thực tế hoặc có triển khai theo PPP nhưng không hiệu quả, hoặc không hấp dẫn khu vực tư nhân hay đã triển khai ổn định theo các phương thức đầu tư khác.
Có hội đồng thẩm định, doanh nghiệp được phát hành trái phiếu
Khác với dự án đầu tư công, dự án PPP thường phức tạp, nhiều rủi ro và phải cam kết dài hạn với nhà đầu tư. Do đó, dự thảo đề xuất cơ chế Hội đồng thẩm định các dự án PPP và tùy tính chất, quy mô đầu tư sẽ có các cấp hội đồng thẩm định, phê duyệt.
Ông Dũng cũng cho biết dự án PPP sẽ có các loại hợp đồng cơ bản theo 3 nhóm: thu phí từ người sử dụng - BOT, BTO, BOO, O&M; nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL; đổi nguồn lực công lấy công trình - BT.
Đối với các dự án đầu tư công được bố trí vốn trong dự án PPP, Chính phủ kiến nghị sẽ hình thành Quỹ phát triển dự án PPP và hình thành dòng ngân sách riêng.
Các doanh nghiệp triển khai dự án PPP sẽ được phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn thứ cấp nhưng không được phát hành cổ phiếu đại chúng.
Để bảo đảm tính khả thi của dự án, dự thảo của Chính phủ cũng xây dựng các cơ chế như đảm bảo cân đối ngoại tệ với hạn mức là 30% doanh thu của dự án bằng tiền Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
Ngoài ra là cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư như điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng với cam kết giữa hai bên không quá 50%.
Nên đấu thầu công khai, hạn chế chỉ định thầu
Báo cáo thẩm tra dự án Luật PPP do ông Vũ Hồng Thanh - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội - trình bày đồng tình với sự cần thiết ban hành luật, song cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng và xác định một cách có chọn lọc về các lĩnh vực đầu tư, công khai, minh bạch, quy định cụ thể quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với các lĩnh vực.
Việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án PPP là cần thiết, nhưng báo cáo thẩm tra cho rằng phải bảo đảm nguyên tắc hiệu quả, chất lượng, gắn với chuyên môn, tiết kiệm cả về thời gian và chi phí cho các bên, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh việc thẩm định chỉ mang tính hình thức, thủ tục.
Đặc biệt, đối với việc lựa chọn nhà đầu tư, cơ quan thẩm tra cho rằng phải được thực hiện thông qua đấu thầu cạnh tranh, công khai, minh bạch, hạn chế tối đa việc chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế. Do đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về điều kiện áp dụng theo hướng thu hẹp các trường hợp chỉ định thầu hoặc đấu thầu hạn chế tại dự thảo luật.
Đồng thời, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nội dung khác có liên quan. Vốn nhà nước tham gia dự án PPP nên ưu tiên sử dụng phục vụ công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư.
Đối với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, báo cáo thẩm tra đề nghị nghiên cứu, quy định cụ thể hơn về cơ chế chia sẻ rủi ro, cơ chế áp dụng đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đồng thời, phải xác định được nguồn để xử lý các rủi ro liên quan đến cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận