14/06/2017 11:30 GMT+7

Nhà đầu tư dự án PPP sẽ được ứng trước vốn

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Các nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP) tại TP.HCM sẽ được ứng trước vốn, hứa hẹn mang lại khởi sắc hơn cho mô hình này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư  và định hướng giai đoạn 2017-2020, sáng 14-6-2017 -
 Ảnh Tự Trung
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017-2020, sáng 14-6-2017 - Ảnh Tự Trung

Việc thực hiện ứng vốn sẽ thông qua Quỹ phát triển dự án (PDF) mà TP.HCM đang chuẩn bị triển khai. Sau khi được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ hoàn trả các chi phí chuẩn bị đầu tư cho quỹ.

Đây là một trong những chính sách được Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong thông tin tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút đầu tư phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công tư PPP và định hướng giai đoạn 2017-2020, do UBND thành phố tổ chức sáng 14-6, nhằm tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này

Theo ông Phong, hơn 20 năm thành phố thu hút đầu tư, và hơn hai năm thực hiện nghị định mới của Chính phủ về hợp tác đầu tư PPP, mô hình này đã mang lại lợi ích rất lớn trong việc huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt trong giai đoạn mới trước áp lực nợ công, nguồn chi cho đầu tư có hạn, vì vậy, PPP được xem là giải pháp tối ưu để giải quyết bài toán thiếu vốn về đầu tư hạ tầng, và là một trong những động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu.

Thời gian qua, thành phố đã ban hành rất nhiều chủ trương chính sách để kiến tạo chính sách, môi trường đầu tư PPP thuận lợi cho doanh nghiệp.

Trong số đó, điểm nhấn là việc thành lập ban chỉ đạo PPP do một phó chủ tịch UBND thành phố làm trưởng ban, cũng như đang nghiên cứu để thành lập Quỹ bù đắp tài chính nhằm tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn trong lĩnh vực này. 

Ông Phong cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM khẩn trương tham mưu cho UBND thành phố tiêu chí của từng loại dự án tham gia PPP làm cơ sở lựa chọn và chuyển đổi phương thức đầu tư các dự án đầu tư công nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa của nhà đầu tư, cơ quan quản lý và người dân.

Để tăng cường tính công khai tính minh bạch, trong thời gian tới, theo ông Phong, sở này cần phải mở một chuyên mục riêng trên trang web của mình về nhu cầu của thành phố, trong đó thông tin cụ thể về các dự án PPP đang kêu gọi đầu tư, các dự án đầu tư công chuyển sang PPP để các nhà doanh nghiệp có đầy đủ thông tin khi ra quyết định.

“Mặc dù số lượng dự án hình thức đầu tư PPP không lớn, chỉ chiếm khoảng 5% số dự án đầu tư công của thành phố, nhưng nguồn vốn huy động từ các nguồn vốn này rất lớn, gấp năm lần nguồn lực đầu tư công của thành phố giai đoạn 2011-2015. PPP chính là một trong những giải pháp phù hợp với các địa phương có nhu cầu đầu tư lớn như TP.HCM”, ông Phong nhấn mạnh.

Toàn cảnh Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017-2020, sáng 14-6-2017 - Ảnh Tự Trung
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017-2020, sáng 14-6-2017 - Ảnh Tự Trung
Tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư  và định hướng giai đoạn 2017-2020, sáng 14-6-2017 TP.HCM kêu gọi đầu tư công tư 116 dự án giao thông, cải tạo chung cư cũ.... Trong ảnh, kẹt xe trên cầu Kênh Tẻ quận 7 TP.HCM - Ảnh Tự Trung
Tại Hội nghị tổng kết tình hình triển khai thu hút vốn đầu tư phát triển theo hình thức đối tác công tư và định hướng giai đoạn 2017-2020, sáng 14-6-2017 TP.HCM kêu gọi đầu tư công tư 116 dự án giao thông, cải tạo chung cư cũ.... Trong ảnh, kẹt xe trên cầu Kênh Tẻ quận 7 TP.HCM - Ảnh Tự Trung

Theo ông Phạm Phú Quốc, tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), đến nay trên địa bàn TP.HCM có tổng cộng 23 dự án theo hình thức PPP đã ký kết hợp đồng dự án và triển khai thực hiện, với tổng giá trị đầu tư khoảng 71.172 tỉ đồng, chủ yếu thuộc lĩnh vực giao thông và môi trường.

23 dự án này được ký hợp đồng và triển khai theo các hình thức xây dựng chuyển giao (BT), xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT) và xây dựng - vận hành - sở hữu (BOO).

Hiện tại HFIC đang xúc tiến chuẩn bị các thủ tục triển khai thực hiện 32 dự án theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư hơn 74.810 tỉ đồng, trong đó vốn của HFIC tham gia khoảng 12.819 tỉ đồng.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên