Sáng 20-6, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Các tổ chức tín dụng số.
Dù bày tỏ sự đồng ý để các luật sớm có hiệu lực ngày 1-8, nhưng hầu hết các đại biểu băn khoăn khi đến nay nhiều nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn dưới luật chưa được ban hành, dù từ đây đến đó chỉ còn khoảng một tháng.
Đại biểu Phạm Hùng Thái (Tây Ninh) đặt vấn đề: "Nếu có sự chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành, các nghị định, thông tư hướng dẫn đảm bảo đến 1-8 có đầy đủ.
Căn cứ nghị định, thông tư hướng dẫn, địa phương mới tiếp tục thể chế bằng các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND. Như vậy, sẽ khó đảm bảo từ 1-8, luật sẽ vào cuộc sống".
Ông Thái đề nghị Quốc hội xem xét cho phép các địa phương được ban hành các văn bản này theo thủ tục rút gọn để đảm bảo từ 1-8 có thể chế hóa các nội dung liên quan, tránh tình trạng hiệu lực của luật chỉ ở cấp trung ương, còn chưa thể áp dụng ra cuộc sống.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh tinh thần chung các cơ quan của Quốc hội rất ủng hộ, sớm đưa luật vào đời sống. Bởi có nhiều lợi ích, tác động tích cực, tháo gỡ vướng mắc tích cực về đất đai, bất động sản.
Tuy nhiên ông Tùng bày tỏ rất lo và rất băn khoăn, bởi kể từ thời điểm Chính phủ chính thức trình dự án luật (ngày 18-5), tới nay hơn một tháng chưa có văn bản nào mới của Chính phủ, các bộ để triển khai thi hành các luật này.
"Thời gian gấp rút như thế nhưng chưa có văn bản nào ngoài nghị định về lấn biển để thực hiện điều khoản của luật đất đai. Mấy hôm nay Chính phủ khẩn trương tổ chức rất nhiều hội nghị trực tuyến với các địa phương để cho ý kiến về Luật Đất đai, Nhà ở.
Nhưng để đảm bảo tiến độ ban hành như yêu cầu vẫn phải có quyết tâm rất mạnh mẽ, có biện pháp rất cụ thể mới ban hành được", ông Tùng nói và mong Chính phủ quan tâm đảm bảo điều kiện để Quốc hội yên tâm nhấn nút thông qua điều luật này.
Về lý do yêu cầu Chính phủ phải chịu trách nhiệm, ông Tùng cho hay Quốc hội thông qua và chịu trách nhiệm, nhưng Chính phủ có vai trò là cơ quan chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết thi hành luật từ Chính phủ, các bộ, ngành đến địa phương.
Mặt khác nếu hồ sơ Chính phủ trình sớm, các cơ quan Quốc hội sẽ thẩm tra, làm việc với cộng đồng doanh nghiệp để đánh giá toàn diện tác động, đồng thời xin ý kiến các doanh nghiệp bất động sản, địa phương để nắm bắt các phản hồi về tác động của luật.
Tuy nhiên Chính phủ đến ngày 17-6 mới chính thức trình Quốc hội dự án luật, ngày 20-6 thảo luận tổ và dự kiến 28-6 thông qua, do đó không có thời gian để lấy ý kiến.
"Trong bối cảnh này, khi Chính phủ đã trình và cam kết thì Chính phủ phải chịu trách nhiệm. Trong triển khai và thi hành luật theo Hiến pháp là trách nhiệm của Chính phủ", ông Tùng nói.
Việc thay đổi hiệu lực các luật về bất động sản không gây thiệt hại?
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đặt vấn đề khi các luật được thông qua có hiệu lực từ 1-1-2025, một số hợp đồng, thỏa thuận ký kết liên quan đến giao dịch bất động sản, dự án kinh doanh... lấy mốc từ 1-1-2025.
Nếu thay đổi thời điểm có hiệu lực sang ngày 1-8-2024, để Quốc hội đồng ý phải có cơ quan chịu trách nhiệm khẳng định việc thay đổi này không gây thiệt hại, hoặc bất lợi cho khu vực, bộ phận kinh tế nào.
Ông Nghĩa lưu ý: “Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều về việc chậm trễ, nợ văn bản hướng dẫn” và đề nghị giải trình rõ việc các văn bản hướng dẫn dưới luật có thực hiện kịp để đưa luật vào cuộc sống hay không.
Đại biểu Phan Văn Mãi - chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết hiện Thủ tướng đang chỉ đạo rốt ráo việc ban hành các nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn các nội dung trong 3 luật.
Với TP.HCM sẽ phải ban hành 11 văn bản hướng dẫn cho 20 nội dung. UBND TP đang tập trung chỉ đạo, chuẩn bị để triển khai từ 1-8 cho đồng bộ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận