11/09/2013 15:57 GMT+7

Chiến trường Syria - trận địa kinh hoàng

THANH TUẤN - TR.N. - P.H.P.
THANH TUẤN - TR.N. - P.H.P.

TTO - Những nhà báo đến chiến trường Syria phải nín thở vượt biên “như những kẻ buôn lậu”, đôi khi viết một bài chỉ hưởng nhuận bút “bèo” 70 USD và chết tức tưởi từ bom rơi đạn lạc.

IO8BEdwY.jpgPhóng to

"Syria như “một bãi hỗn loạn” vì chẳng ai hiểu gì về Syria – chỉ có máu, máu và máu” - nữ nhà báo tự do Francesca Borri. Ảnh: CJR

Kỳ 1: Chẳng có gì nguy hiểm hơn làm phóng viên chiến trường

Syria chiếm đầu “bảng phong thần” đối với các nhà báo trong cả hai năm 2012 và 2013. AFP ghi nhận 52 nhà báo thiệt mạng tại Syria năm 2012, còn 9 tháng đầu năm 2013 con số này đã là 15.

“Hãy tác nghiệp đến hơi thở cuối cùng!”

Ủy ban Bảo vệ các nhà báo (CPJ) ghi nhận nhà báo đầu tiên thiệt mạng từ cuộc nội chiến Syria là Ferzat Jarban, chết tại Al-Qasir ngày 19 hoặc 20-11-2011. Nhà báo gần nhất thiệt mạng là Fidaa al-Baali (tờ Orient News), mất ngày 5-7-2013 tại Damascus.

Hai phóng viên chiến trường nước ngoài nổi tiếng nhất chết trong cuộc nội chiến Syria là Marie Colvin và Anthony Shadid đều đã phải “lẻn vào Syria” với sự giúp đỡ của phe nổi dậy.

UW3ubScz.jpgPhóng to

Các phóng viên Canada, Nhật chạy tháo thân để tránh đạn khi tác nghiệp ở Aleppo, Syria tháng 12-2012. Ảnh: Reuters.

Bà Colvin, 56 tuổi, là một nữ phóng viên chiến trường kỳ cựu người Mỹ làm cho báo Sunday Times của Anh từng bị mất một mắt trong cuộc nội chiến ở Sri Lanka năm 2001. Trong hơn 2 thập niên làm phóng viên chiến trường, bà đã có mặt tại nhiều điểm nóng thời sự trên thế giới từ Chechnya đến Sierra Leone, từ Zimbabwe đến Tunisia, Ai Cập và Libya.

Tháng 2-2012, Colvin cưỡi xe gắn máy xâm nhập Syria. Bà ở tại thành phố Homs, căn cứ địa của quân nổi dậy. Tối 21-2, một bản tin tường thuật của bà thông qua điện thoại vệ tinh được phát trên hàng loạt cơ quan truyền thông BBC, Channel 4, CNN và ITN News tường thuật về những cuộc tấn công mà bà gọi là “nhẫn tâm” của binh lính Syria khi bắn tỉa và nã pháo vào các ngôi nhà dân thường tại Homs. Đau đớn thay, đó là bản tin cuối cùng của bà.

Ngày hôm sau, 22-2-2012, Colvin và phóng viên nhiếp ảnh Pháp Rémi Ochlik chết trong một vụ pháo kích của quân chính phủ. Chính quyền Damascus thông báo Colvin chết vì trúng một quả bom nhồi đầy đinh do những tên khủng bố đặt.

Còn nhà báo Pháp Jean-Pierre Perrin và những nguồn tin khác cho biết tòa nhà đó đã trở thành mục tiêu của quân đội Syria, bị nhận diện bằng những tín hiệu điện thoại vệ tinh. Các nhà báo nước ngoài có kế hoạch thoát thân trước vài giờ nhưng không kịp.

Trường hợp của Anthony Shadid, người Mỹ 43 tuổi, từng hai lần đoạt giải thưởng Pulitzer, lại là một dạng sinh nghề tử nghiệp khác.

Phóng viên thường trú tại Baghdad và Beirut của tờ báo Mỹ New York Times này từng bị bắn vào vai ở Bờ Tây năm 2002, bị quân đội Libya bắt giữ năm 2011 và thiệt mạng tại Syria ngày 16-2-2012 do lên cơn hen suyễn cấp. Dù biết tình trạng sức khỏe ngặt nghèo nhưng Shadid vẫn “xả thân” đến Syria.

Yara Abbas, nữ phóng viên chiến trường xinh đẹp của kênh truyền hình Al-Ikhbariya, đang dẫn bản tin chiến sự tại thành phố Al-Qusayr ngày 27-5-2013 thì một tay bắn tỉa bắn xuyên thân thể cô dù Abbas có đội mũ bảo hiểm và áo chống đạn. Cảnh quay lúc Abbas ngã quỵ cho thấy miệng cô vẫn như cố nói tiếp với chiếc micro cầm chặt trên tay.

f76zf5e8.jpgPhóng to

Yara Abbas, nữ phóng viên tác nghiệp giữa chiến trường và đã thiệt mạng tháng 5-2013. Ảnh: syriareport

Cái chết của một nhà báo trẻ đầy nhiệt huyết và gan dạ như Abbas ở tuổi 26 gây tiếc thương lớn và đồng nghiệp ghi nhớ lời cô: “Các bạn ơi, hãy tác nghiệp đến hơi thở cuối cùng!”.

Syria: “Chỉ có máu, máu và máu”

Francesca Borri, nữ phóng viên chiến trường người Ý, từng bị bắn vào đầu gối khi tác nghiệp ở Syria cho biết cô đến Syria vì “có gì đó bóp nghẹt lương tâm tôi”.

Borri ở căn cứ của phe nổi dậy, nơi cô “chống chọi với cái địa ngục có tên Aleppo trong cảnh bụi bặm, đói và sợ hãi”. Đó là cơ hội làm việc duy nhất của cô: có mặt ở Syria, nơi không ai muốn đến và gửi bài cho các biên tập viên ở Ý - những người “chỉ cần máu và súng đạn” trong bài viết từ chiến trận gửi về.

0oCmPDHs.jpgPhóng to

Chân dung một số nhà báo thiệt mạng từ chiến sự Syria (2012-2013). Ảnh: CPJ

Tác nghiệp ở Syria vô cùng khắc nghiệt: trước khi đi phải đóng tiền bảo hiểm nhân mạng khoảng 1.000 USD/tháng, phải ngủ ở căn cứ phe nổi dậy, dưới làn đạn pháo và trên cái chiếu trải ở sàn với giá thuê 50 USD/đêm, thuê một chiếc xe tốn 250 USD/ngày, rất khó kiếm được một người hỗ trợ ở địa phương hay phiên dịch, nỗi lo sợ hằng đêm bị cưỡng hiếp hay phân biệt giới tính, và đặc biệt là “nếu bạn bị thương nặng thì thà chết quách đi còn hơn vì bạn sẽ không đủ tiền trả cho việc cứu chữa!”, Borri kể.

Vậy mà Borri tiết lộ cô chỉ được trả 70 USD cho mỗi bài báo gửi về từ chiến trận.

Để viết được những bài báo đó, Borri đứng giữa một “cuộc chiến bẩn thỉu theo kiểu chiến hào giữa phe nổi dậy và quân đội trung thành với Assad. Chiến tuyến quá gần nhau, họ vừa chửi vừa bắn lẫn nhau. Lần đầu tiên ra chiến tuyến, bạn không tin nổi vào mắt mình vì tưởng những lưỡi lê chỉ còn nằm trong sách lịch sử. Chiến tranh ngày nay là chiến tranh với máy bay không người lái, còn ở Syria họ tranh giành từng mét đất, từng con phố và mọi thứ đều sợ hãi kinh hoàng”.

“Syria không còn là Syria nữa. Đây là cái nhà thương điên. Nhưng chúng tôi là phóng viên chiến trường mạo hiểm sinh mạng của mình để mang tiếng nói cho những người không thể lên tiếng. Chúng tôi chứng kiến những cảnh hầu hết mọi người không thấy bao giờ. Nhưng điều tệ hại là thay vì đoàn kết, chúng tôi chính là kẻ thù tồi tệ nhất của nhau. Nếu bạn ra giá 100 USD/bài thì sẽ có người sẵn sàng viết “phá giá” chỉ 70 USD thôi. Cô đồng nghiệp Beatriz cố tình lừa và chỉ hướng sai cho tôi để cô ta là người duy nhất đưa tin về một cuộc biểu tình, còn tôi thì lọt vào ổ phục kích của một nhóm bắn tỉa”, Borri viết về chuyện hậu trường tác nghiệp khá cay đắng.

Nữ phóng viên người Ý đúc kết trên trang mạng Columbia Journalism Review: “Chúng tôi bị kẹp giữa một chế độ chỉ cấp visa cho nhà báo nếu bạn chống phe nổi dậy và một nhóm nổi dậy chỉ cho phép bạn thấy những gì họ muốn. Thực tế chúng tôi là những kẻ thất bại. Hai năm rồi, thế giới lúc nào cũng nói về Syria như “một bãi hỗn loạn” vì chẳng ai hiểu gì về Syria – chỉ có máu, máu và máu”.

* Kỳ 3: Phóng viên Việt Nam đối diện thực tế máu và lửa

THANH TUẤN - TR.N. - P.H.P.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên