12/02/2019 15:48 GMT+7

'Chiến lược bắp cải' của Trung Quốc trên Biển Đông có gì mới?

BẢO DUY
BẢO DUY

TTO - Giống như bắp cải, các lực lượng bán quân sự và dân sự đang được Trung Quốc tổ chức thành nhiều lớp để phục vụ cho các yêu sách chủ quyền vô lý trên Biển Đông.

Chiến lược bắp cải của Trung Quốc trên Biển Đông có gì mới? - Ảnh 1.

Các tàu thuộc lực lượng dân quân biển của Trung Quốc áp sát đảo Thị Tứ ngày 20-12-2018 - Ảnh: CSIS/AMTI

Hải quân Trung Quốc đang nhường các vùng biển gần, bao gồm cả khu vực Biển Đông, cho lực lượng hải cảnh sau khi lực lượng này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Trong vụ việc gần đây nhất, hơn 100 tàu các loại, bao gồm nhiều tàu hải cảnh cỡ lớn, đã được Trung Quốc điều tới sát đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Mục đích của động thái này nhằm thị uy và đe dọa các tàu Philippines đang tiến hành cải tạo trái phép hòn đảo.

Theo Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, phần lớn các tàu Trung Quốc đều xuất phát từ đá Subi - một thực thể bị Bắc Kinh chiếm đóng và cải tạo trái phép cách Thị Tứ 12 hải lý.

Các phân tích của AMTI cho thấy tàu Trung Quốc bắt đầu xuất hiện ở vùng nước giữa Subi và Thị Tứ từ tháng 7-2018 khi có các dấu hiệu cho thấy Philippines sắp sửa cải tạo đảo Thị Tứ. Số lượng tàu Trung Quốc lúc này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chiến lược bắp cải của Trung Quốc trên Biển Đông có gì mới? - Ảnh 2.

Tàu Trung Quốc di chuyển từ đá Subi đến đảo Thị Tứ ngày 20-12-2018 - Ảnh: CSIS/AMTI

Tuy nhiên đến ngày 3-12-2018, con số này vọt lên mức 24 tàu và đạt đỉnh điểm 95 tàu vào ngày 20-12-2018 trước khi giảm xuống còn 42 tàu vào ngày 26-1-2019. AMTI chỉ ra rằng những tàu gần Thị Tứ nhất là các tàu thuộc lực lượng dân quân biển ngụy trang tàu cá, ở giữa là hải cảnh và ngoài cùng là tàu chiến.

Có hai tàu chiến bị nhận diện thuộc lớp Type 053 và Type 056 cùng với hai tàu nạo vét cỡ lớn. Đây không phải là những tàu chiến hiện đại hay mới nhất của Trung Quốc.

Rõ ràng là sau khi được cải tổ và yêu cầu "sẵn sàng cho tất cả tình huống trên Biển Đông, biển Hoa Đông" trong thông điệp đầu năm mới của Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Hứa Kỳ Lượng, hải cảnh đã cho thấy vai trò và sức mạnh mới của nó.

Chiến lược bắp cải của Trung Quốc trên Biển Đông có gì mới? - Ảnh 3.

Tàu hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh: REUTERS

Theo báo South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong, Bắc Kinh từ lâu đã muốn biến hải cảnh trở thành lực lượng tuyến đầu trong các tranh chấp hàng hải và đưa hải quân về tuyến dự bị. Tuy nhiên, tổ chức hải cảnh theo cách cũ với việc nó thuộc cục hải dương quốc gia khiến việc này là không thể.

"Việc cải tổ sẽ giúp hải quân Trung Quốc giữ sức và vươn ra các vùng biển xa Trung Quốc hơn" - nhà nghiên cứu quân sự Adam Ni nói với báo SCMP.

Đồng quan điểm, chuyên gia Collin Koh ở Singapore nhận định thông điệp năm mới của ông Hứa Kỳ Lượng là tín hiệu cho thấy hải cảnh Trung Quốc sẽ là lựa chọn số 1 của Bắc Kinh cho các sự cố chớp nhoáng trên biển.

"Về lý thuyết, triển khai các tàu thuộc lực lượng bảo vệ bờ biển ra tuyến đầu sẽ được coi là ít khiêu khích nhưng ngày nay, các hành động đó đang bị đặt dấu chấm hỏi rằng liệu chúng có đang che đậy sự hung hăng ở các điểm nóng hay không" - ông Koh nhận xét.

Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì? Quân sự hóa Hải cảnh, Trung Quốc đang muốn gì?

TTO - Việc đặt lực lượng Hải cảnh trực tiếp dưới quyền kiểm soát của Quân ủy Trung ương Trung Quốc cho thấy ý đồ tăng cường vai trò của lực lượng này trong các hoạt động mang tính cưỡng ép trên biển.

BẢO DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0