28/12/2018 09:07 GMT+7

Chích ngừa văcxin ComBE Five: Tại sao nhiều bé nhập viện?

HOÀNG LỘC thực hiện
HOÀNG LỘC thực hiện

TTO - “Tiêm văcxin ComBE Five (5 trong 1) vào buổi sáng, tối gia đình tôi hoảng loạn ôm cháu gái ba tháng tuổi vào bệnh viện cấp cứu khẩn cấp vì sốt cao chịu không nổi” - ông Huỳnh Văn Hiếu (48 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) nói.

Chích ngừa văcxin ComBE Five: Tại sao nhiều bé nhập viện? - Ảnh 1.

Tiêm văcxin cho trẻ tại một trung tâm tiêm chủng - Ảnh: DUYÊN PHAN

Ba ngày nay cháu ngoại của ông Hiếu cùng với một số bé khác phải nhập viện sau khi tiêm văcxin ComBE Five tại trạm y tế P.Rạch Dừa (TP Vũng Tàu) vì sốt cao, bắp chân sưng đỏ.

Vấn đề đặt ra là tính an toàn của văcxin, các triệu chứng phản ứng và cách xử trí ra sao… khi gặp phải trường hợp như trên.

Để giải tỏa những lo lắng rất "thời sự" này, GS.TS ĐẶNG ĐỨC ANH - viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) - nói: "Cũng giống như Quinvaxem, ComBE Five là loại văcxin phối hợp phòng 5 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib. Sử dụng văcxin ComBE Five trẻ sẽ giảm số mũi tiêm, tiết kiệm thời gian cho các bậc cha mẹ và quan trọng là giúp trẻ phòng được các loại bệnh nêu trên".

Sốc phản vệ tỉ lệ rất nhỏ

* Nhiều bậc cha mẹ khá lo ngại về tính an toàn của văcxin ComBE Five, khi đây là loại văcxin lần đầu tiên đưa vào sử dụng?

- Văcxin ComBE Five có thành phần ho gà toàn tế bào, vì vậy tính an toàn và hiệu quả tương tự các văcxin DPT-VGB-Hib và Quinvaxem. Trước khi đưa vào sử dụng chính thức, loại văcxin này được sử dụng thực địa tại 4 huyện của tỉnh Hà Nam từ năm 2016, qua đó chỉ ghi nhận một số phản ứng thông thường như tỉ lệ đau, quầng đỏ từ 5-15%, sốt từ 34-39%.

Mặt khác, từ tháng 10-2018 văcxin này tiếp tục được triển khai tiêm tại 7 tỉnh với tổng số trẻ được tiêm trên 17.000 bé. Kết quả chúng tôi thấy rằng chỉ có 64 trường hợp sốt ngang hoặc trên 390C. Trong đó có 3 trường hợp phản ứng nặng (sốt cao co giật, phản ứng phản vệ), tuy nhiên các trẻ này sau đó đều được xử trí kịp thời, không xảy ra tử vong.

* Các phản ứng thường gặp của trẻ sau khi tiêm văcxin ComBE Five?

- Giống như các loại văcxin khác sau khi tiêm trẻ đều có thể xảy ra các phản ứng. Tuy nhiên theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các phản ứng nặng thường rất hiếm gặp. Cụ thể trẻ có thể gặp một số phản ứng thông thường như sốt nhẹ dưới 38,50C, đau hoặc sưng tấy nhẹ tại chỗ tiêm, có biểu hiện quấy khóc. Tuy nhiên các phản ứng này sẽ tự khỏi trong vòng một ngày.

Ngoài ra, còn có một số phản ứng các cha mẹ cần lưu ý như trẻ khóc dai dẳng trên 3 tiếng đến 48 tiếng sau tiêm văcxin với tỉ lệ nhỏ hơn 1/100 liều sử dụng; co giật có kèm theo sốt (hoặc không sốt) trong vòng 3 ngày sau tiêm văcxin với tỉ lệ nhỏ hơn 1/100 liều sử dụng; giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng xảy ra trong vòng 48 tiếng với tỉ lệ 1-2/1.000 liều và sốc phản vệ có thể xảy ra với tỉ lệ 20/1 triệu liều.

Chích ngừa văcxin ComBE Five: Tại sao nhiều bé nhập viện? - Ảnh 2.

GS.TS Đặng Đức Anh - Ảnh: H.LỘC

Đưa trẻ cấp cứu khi nào?

* Theo ông, những biểu hiện nào sau tiêm chủng được coi là bất thường cần được đưa đến trung tâm y tế?

- Sau khi tiêm chủng, các bậc cha mẹ cần hết sức lưu ý cho trẻ bú nhiều hơn khi trẻ thức, kiểm tra nhiệt độ và tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ sốt cần phải cặp nhiệt độ, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế.

Trường hợp trẻ có dấu hiệu bất thường khi sốt trên 39 độ C, co giật, khóc thét, quấy khóc kéo dài, bú kém hoặc bỏ bú, khó thở, tím tái, li bì, phát ban… và các phản ứng thông thường kéo dài trên một ngày, cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất để kịp thời kiểm tra xử trí.

* Đối với các trường hợp trẻ đã tiêm các loại văcxin DPT-VGB-Hib, Quinvaxem… có được tiêm văcxin ComBE Five và lịch tiêm như thế nào?

- Lịch tiêm chủng 3 mũi văcxin DPT-VGB-Hib áp dụng cho trẻ từ 2 - 3 - 4 tháng tuổi. Nếu trẻ đã tiêm 1 hoặc 2 liều văcxin Quinvaxem thì sẽ tiêm mũi tiếp theo với văcxin ComBE Five mà không cần phải tiêm lại từ đầu. Trong trường hợp nếu văcxin ComBE Five bị tiêm muộn hoặc bỏ lỡ thì các bậc cha mẹ nên cho bé được tiêm sớm vào thời gian sau đó mà không cần phải tiêm bù. Tuy nhiên cần lưu ý khoảng cách giữa các mũi tiêm tối thiểu là 1 tháng.

* Lịch tiêm chủng 3 mũi văcxin ComBE Five áp dụng cho trẻ từ 2 - 3 - 4 tháng tuổi. Tuy nhiên một số bậc cha mẹ có con trên 1 tuổi băn khoăn không biết con mình có được tiêm chủng mở rộng miễn phí không?

- Văcxin ComBE Five trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện tại đủ để tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 1 tuổi. Nếu trẻ chưa được tiêm chủng đúng vào lúc 2 - 3 - 4 tháng tuổi thì cần được tiêm chủng càng sớm càng tốt trước 1 tuổi. Đối với trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ có thể tiêm loại văcxin tương tự trong tiêm chủng dịch vụ.

Làm gì để đảm bảo cho con?

Khi đưa con đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ nhớ mang theo phiếu/sổ tiêm chủng cá nhân. Nên chủ động đề nghị cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho con trước khi tiêm, đồng thời thông báo tình trạng sức khỏe của con mình như đang bị ốm, sốt, có tiền sử dị ứng hoặc phản ứng mạnh với những lần tiêm chủng trước đó (nếu có). Trong trường hợp nếu bị các triệu chứng nêu trên, tuyệt đối không tiêm và nhân viên y tế sẽ hoãn để tiêm vào một dịp thích hợp.

Tỉ lệ phản ứng nhẹ sau tiêm là 5,5%

Theo thông tin từ Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hiện văcxin ComBE Five đã được cung cấp tới 63/63 tỉnh thành.

Qua tiêm chủng bằng văcxin mới, Bộ Y tế cho biết đã theo dõi ba ngày sau tiêm và tất cả các trường hợp có phản ứng đều được ghi nhận. Cụ thể, tỉ lệ có phản ứng thông thường sau tiêm (sốt dưới 39 độ C, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc…) là 5,5%.

Bộ Y tế cũng cho rằng tại 7 tỉnh triển khai ComBE Five quy mô nhỏ, cơ bản cộng đồng chấp nhận, không có trường hợp từ chối tiêm chủng. Từ kết quả này, Bộ Y tế đã cho phép triển khai ComBE Five trên phạm vi toàn quốc.

L.ANH

HOÀNG LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên