Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Tờ trình về Phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch.
Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết các nhà khoa học đều có ý kiến thống nhất cần phải tiến hành phân vùng lại trong giai đoạn 2021-2030 do phương án hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế.
Vì vậy, Bộ này đề xuất phân vùng giai đoạn 2021-2030 thành 7 vùng mới gồm: vùng Đông Bắc gồm 7 tỉnh; vùng Tây Bắc gồm 7 tỉnh.
Vùng Đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh - thành phố.
Vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh; vùng Nam Trung Bộ (duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên) gồm 11 tỉnh - thành phố.
Vùng Đông Nam bộ gồm 9 tỉnh - thành phố và vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm 13 tỉnh - thành phố.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, phương án phân vùng này có tính đến các yếu tố thị trường, trong việc phân vùng, đặt tính liên kết vùng cao hơn tính tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, xã hội, dân cư, khắc phục được hạn chế vùng có khoảng cách quá dài.
Đồng thời, phương án này tạo ra không gian phát triển mới, thúc đẩy liên kết nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập hiệu quả.
Việc phân vùng như trên với quy mô vừa phải, khoảng cách giữa các địa phương trong vùng không quá lớn, thuận lợi cho hợp tác, quản lý phát triển.
Tuy nhiên, trong tờ trình này Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết là có một số ý kiến đồng ý với phương án phân thành 7 vùng, nhưng lại kiến nghị xem xét đưa tỉnh Thừa Thiên Huế vào vùng Bắc Trung bộ; đưa Lâm Đồng vào vùng Đông Nam bộ và Thanh Hóa nên đưa vào vùng Tây Bắc, Long An và Tiền Giang đưa vào vùng Đông Nam bộ.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cân nhắc phương án không đưa Tây Nguyên vào vùng Nam Trung bộ hay Lâm Đồng vào Đông Nam bộ.
Đáng chú ý, ngoài hai đô thị lớn là Hà Nội và TP.HCM thì các ý kiến cũng đề nghị hình thành vùng Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam trở thành vùng động lực phát triển du lịch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận