25/09/2021 21:54 GMT+7

Chỉ vài tiếng sau khi Bộ Y tế ra dự thảo hướng dẫn, 8 hiệp hội gởi kiến nghị lên Chính phủ

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Chỉ vài tiếng sau khi Bộ Y tế đưa ra dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19", 8 hiệp hội ngành hàng đã có kiến nghị gởi Chính phủ, cho rằng nhiều quy định chưa phù hợp với chủ trương "sống chung với dịch", làm ảnh hưởng kinh tế.

Chỉ vài tiếng sau khi Bộ Y tế ra dự thảo hướng dẫn, 8 hiệp hội gởi kiến nghị lên Chính phủ - Ảnh 1.

Chỉ vài tiếng sau khi đưa ra dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19", Bộ Y tế đã nhận được kiến nghị chính thức của không ít hiệp hội ngành hàng góp ý để dự thảo được hoàn thiện khi đưa vào áp dụng thực tế - Ảnh: T.T

Tám hiệp hội ngành hàng gồm: Thực phẩm minh bạch, Lương thực - thực phẩm TP.HCM, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Dệt may Việt Nam, Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Nhựa Việt Nam và Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã đồng loạt kiến nghị đến Chính phủ cùng năm bộ ngành liên quan với các đóng góp rất chi tiết khi cho rằng dự thảo còn đeo đuổi tư duy "Zero COVID", chưa phù hợp với mức độ phủ vắc xin và năng lực y tế của các địa phương trong cả nước.

Theo các hiệp hội, dự thảo của Bộ Y tế đưa ra khá rõ ràng với năm chỉ tiêu để đánh giá. Tuy nhiên, dự thảo chỉ có một hướng dẫn chung, chưa tính đến sự khác biệt về tình hình dịch giữa các vùng trong cả nước nên thiếu tính linh hoạt như Thủ tướng đã chỉ đạo. Từ đó đưa đến "nhiều quy định vẫn mang mục tiêu "Zero COVID", chứ chưa hoàn toàn "sống chung với COVID-19", nên "chưa phù hợp".

Cụ thể, việc thắt chặt quá mức các vùng dịch, xét nghiệm nhiều kể cả khi đã tiêm đủ vắc xin, dẫn đến có thể lãng phí không cần thiết. Nếu áp dụng ngay bây giờ tiêu chí dịch cấp độ 1 (bình thường mới) cho các vùng đang kiểm soát tốt dịch bệnh khi chưa tiêm đủ vắc xin sẽ có nguy cơ vỡ trận, do đó cần điều chỉnh chi tiết.

Mặt khác, việc chưa đảm bảo giảm được tử vong, do thiếu chỉ tiêu tỉ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU cho các ca cần điều trị tích cực (thở oxy hoặc các biện pháp cao hơn). Do đó, nếu chiếu theo quy định trong dự thảo (>80% số người >50 tuổi được tiêm đủ liều vắc xin) thì TP.HCM phải ở cấp độ 4 còn rất lâu (vài tháng nữa - PV), và "sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong khi sẽ lãng phí vắc xin vì những người tiêm đủ vẫn không được đi làm".

Do đó, các hiệp hội đồng thuận kiến nghị phải có một chiến lược riêng trong giai đoạn chuyển tiếp ngắn độ 3 - 5 tháng cho khu vực đang kiểm soát tốt dịch bệnh theo đúng phương châm "phòng chống dịch theo điểm, không phong tỏa diện rộng", trước khi mở cửa hoàn toàn để sống chung với dịch khi đã tiêm đủ vắc xin. Cũng như cho phép những người tiêm đủ vắc xin được đi làm, và căn cứ vào tỉ lệ lấp đầy giường bệnh và giường ICU để đưa ra các biện pháp kiểm soát dịch phù hợp.

Các hiệp hội đều nhấn mạnh quan điểm khi đã tiêm đủ vắc xin thì việc hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh, hạn chế các hoạt động kinh tế, giao thông công cộng "là không cần thiết".

Thậm chí, dù đã có chủ trương bỏ quyết định 2686/QĐ-BCĐQG được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá là "rất đúng", nhưng nếu vẫn còn giữ quyết định 2787/QĐ-BYT theo chủ trương "Zero COVID" mà chưa theo chủ trương mới "Sống chung với COVID-19" thì chắc chắn sẽ còn nhiều bất cập, cần sửa đổi.

Trong đó, sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc để F0 điều trị tại nhà, thẻ xanh COVID-19, cũng như bỏ hẳn việc đưa đi cách ly khi chuyển sang trạng thái bình thường mới cũng cấp thiết không kém.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên