11/04/2015 11:22 GMT+7

Chi ngân sách cho đơn vị sự nghiệp công lập vô cùng lớn

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TT - Trong tổng số người hưởng lương gần 8 triệu thì số người thuộc khối sự nghiệp công lên tới khoảng 2 triệu, chiếm khoảng 38% tổng quỹ lương.

Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM, đơn vị vừa mới công bố thực hiện cơ chế tự chủ vào ngày 9-4 - Ảnh: như hùng
Trường ĐH Tài chính - marketing TP.HCM, đơn vị vừa mới công bố thực hiện cơ chế tự chủ vào ngày 9-4 - Ảnh: Như Hùng

Ngày 10-4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập (như bệnh viện, trường học...), Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định lại quyết tâm đổi mới, chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện sang hình thức tự chủ. 

Theo Phó thủ tướng, chi ngân sách cho khu vực này vô cùng lớn. Trong tổng số người hưởng lương gần 8 triệu thì số người thuộc khối sự nghiệp công lên tới khoảng 2 triệu, chiếm khoảng 38% tổng quỹ lương.

“Nên tăng lương rất khó” - Phó thủ tướng nói và cho rằng việc đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập đã có kết quả nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Cần tiếp tục đổi mới để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân, vừa giúp các cơ sở sự nghiệp công lập phát triển.

Khẳng định các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính càng cao càng được tự chủ nhiều hơn về tổ chức bộ máy, nhân sự, Phó thủ tướng yêu cầu “đơn vị nào làm được cho làm ngay, chứ không phải chờ lộ trình”.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết còn nhiều thách thức khi các đơn vị xung phong chuyển đổi đều là các đơn vị có lợi thế như Bệnh viện Bạch Mai... Còn trên 700 đơn vị bệnh viện quận huyện, rồi các đơn vị y tế xã... Thách thức lớn nhất là ở các đối tượng khó khăn, là tuyến huyện, xã. Rồi trường tiểu học, trung học cơ sở tự chủ thế nào?

Ông Tuấn cho rằng lần này chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập “không khác gì chuyển đổi doanh nghiệp từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường”. Cho rằng cơ chế hỗ trợ người nghèo, cận nghèo cũng cần thay đổi, theo ông Tuấn, “nên học tập ngành điện, Chính phủ cho bán theo hướng thị trường, nhưng cấp tiền trực tiếp cho người nghèo”.

Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, nếu kéo dài cơ chế hiện nay cho các đơn vị sự nghiệp công lập thì khu vực tư nhân không phát triển được bền vững, lành mạnh, chẳng hạn như các cơ sở y tế công lập có sẵn cơ sở vật chất, nhân lực nên có lợi thế giá. “Nhiều bệnh viện tư nhân đầu tư mới, các trường đại học thành lập mới cho thấy họ gặp khó” - ông Tuấn nói.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định không phải chuyển đổi, cổ phần hóa tất cả đơn vị sự nghiệp công lập, mà sẽ tập trung vào các đơn vị đủ điều kiện. Nhấn mạnh việc chuyển đổi không vội vàng, ồ ạt, nhưng không thể chờ đầy đủ mọi thứ mới làm.

Như không thể cứ chờ xây dựng xong định mức kinh tế kỹ thuật mới làm. Ông cũng công nhận quá trình thực hiện “sẽ khó nhưng phải làm để dân có dịch vụ tốt hơn, tạo nguồn lực phát triển cho các đơn vị”.

Để thúc đẩy việc thực hiện, Bộ Tài chính đã trình Ban chỉ đạo đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập dự thảo quyết định của Thủ tướng, trong đó giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành như Bộ GD-ĐT, Y tế, Thông tin - truyền thông, Giao thông vận tải, Khoa học - công nghệ... trong năm 2015 phải soạn các nghị định quy định về cơ chế tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành mình.

Các bộ, ngành cũng phải soạn các quyết định của Thủ tướng ban hành danh mục cụ thể các đơn vị sự nghiệp công vẫn sử dụng ngân sách...

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên