13/10/2012 07:20 GMT+7

Chỉ mong con được đủ ăn, đến trường

ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG
ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG

TT - Sau trận mưa lớn, con đường dẫn vào thôn Phú Phong (xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) ngập ngụa bùn đất. Nhà của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Đức lụp xụp ở cuối đường.

nZCu9fYA.jpgPhóng to
Được mẹ dạy đan lát thủ công nên cô con gái thứ là Nguyễn Thị Thảo (15 tuổi) đã đi làm thuê để phụ giúp cha mẹ - Ảnh: Đoàn Cường

Đây là một trong số 60 gia đình ở Quảng Nam được nhận trợ vốn của chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”.

Nhường phần học cho em

Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng anh Đức và chị Châu Thị Giáp nằm xiêu vẹo bên những ngôi nhà ngói kiên cố của làng xóm. Căn nhà nền đất, được ghép bằng những mảnh gỗ mục ruỗng khiến từ ngoài đường có thể nhìn thông thống vào nhà. Trong căn nhà rách nát ấy chỉ có những hàng giấy khen học sinh giỏi là lành lặn và dán đầy bốn bức tường. Chị Giáp chỉ tay lên tường tự hào: “Vợ chồng tui chưa ai học hết lớp 5 nhưng mấy đứa con đứa nào được đi học cũng đều mang về giấy khen và phần thưởng. Nhà không đủ ăn nhưng tụi nó rất ham học”.

Hai vợ chồng có sáu người con. Tám miệng ăn phụ thuộc vào ba sào ruộng và công việc làm phụ hồ của anh. Để có tiền cho các con ăn học, chị Giáp cũng quần quật làm suốt ngày, cày thuê cuốc mướn, ai thuê gì chị cũng làm, chẳng kém đàn ông.

Các con anh chị cũng chăm chỉ làm thêm phụ giúp cha mẹ. Sau giờ học, bé Hạnh (học lớp 9) còn đan đồ thủ công thuê cho người ta với mức tiền công 20.000 đồng cho ba ngày làm. Còn bé Phúc (học lớp 5) cũng được hàng xóm nhờ trông trẻ con giúp với tiền công có khi là bữa ăn, là quyển vở, cây bút, cũng có khi là năm, mười ngàn về phụ mẹ đi chợ. Vậy mà năm nào cũng là học sinh giỏi. Anh Đức tâm sự: “Thấy tụi nhỏ ham học quá mà nhiều khi tui đành phải bán đi bao lúa giống và đàn chó để có tiền đóng học phí cho con”.

Nhìn lên hàng giấy khen còn mới, chị Giáp nghẹn giọng chia sẻ: “Đó là giấy khen của hai đứa lớn. Tội quá, chúng nó chăm học và học giỏi mấy năm liền nhưng vì nghèo khổ nên bỏ học đi làm thuê để nhường cho mấy đứa em sau”. Cô con gái lớn vào Nam đi làm thuê. Đến đầu năm học này, cô con gái thứ hai là Nguyễn Thị Thảo, học sinh Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, cũng ngậm ngùi xin ba mẹ cho nghỉ học để theo chị kiếm tiền nuôi các em. Cả nhà gạt nước mắt...

“Mùa mưa nuôi vịt, mùa nắng nuôi heo”

Mấy ngày trước, khi nghe cán bộ xã thông báo đợt này gia đình mình được nhận vay vốn hỗ trợ từ chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường”, anh Đức chạy đi vay nóng bà con 1 triệu đồng. Số tiền ấy anh dùng mua mấy tấm tôn để che lại chuồng heo mục nát, một ít còn lại anh mua cho bé Hậu (con gái út học lớp 3) một cái cặp vì từ đầu năm đến giờ Hậu vẫn đi học bằng cặp cũ của chị Thảo. Anh Đức cho biết có hôm mưa to, hai vợ chồng thay nhau đứng canh vì sợ chuồng sập.

Chuẩn bị đến ngày nhận vốn, anh Đức đã tính đủ đường:“Tui tính nhận được tiền hỗ trợ là mua ngay đàn vịt về nuôi. Mùa này nước lớn nên nuôi vịt thì ăn chắc. Tới mùa nắng tôi lại chuyển sang nuôi heo”. Anh Đức bảo có tiền trợ vốn, anh sẽ tham gia nhận đấu thầu thêm vài sào đất nữa để cả nhà có đủ lúa gạo ăn. Nhìn mấy đứa con gái, anh trầm giọng: “Cũng mong dư đồng nào đó mà che chắn lại cái tường chứ để nó trống huơ trống hoác vậy cũng kỳ”.

Lam lũ suốt ngày, chị Giáp cũng lắm thứ bệnh. Nhưng bệnh đến mấy chị cũng chỉ dám xuống trạm y tế xã dùng bảo hiểm người nghèo xin thuốc uống cầm chừng. “Thiệt tình mà nói tui cũng muốn xuống huyện một chuyến để xem bệnh gì nhưng chỉ sợ bị bệnh gì nguy cấp thì cả gia đình mất hết khí thế làm ăn” - nói đến đây đôi mắt chị ngấn lệ nhìn xa xăm. Trong đôi mắt ấy không chỉ lo chuyện “khí thế làm ăn” mà còn gánh nặng tiền nong và đàn con thơ.

Tiếp sức nhà nông Quảng Nam

Sáng 14-10, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), báo Tuổi Trẻ, Công ty GreenFeed Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” cho nông dân hai huyện Đại Lộc, Tiên Phước của tỉnh Quảng Nam.

Chương trình sẽ hỗ trợ vốn vay không lãi suất cho 60 hộ nông dân là những gia đình hoàn cảnh khó khăn, chí thú làm ăn và có con em vượt khó học giỏi với tổng kinh phí 840 triệu đồng (gồm 720 triệu đồng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi trị giá 120 triệu đồng). Mỗi gia đình được xét chọn sẽ nhận được 12 triệu đồng tiền mặt và thức ăn chăn nuôi của GreenFeed, được công ty hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí suốt hai năm.

Đặc biệt, các học sinh, sinh viên là con em của các hộ nông dân sau mỗi năm sẽ được xét tặng học bổng khi đạt thành tích học tập giỏi, xuất sắc; được Công ty GreenFeed trích 20% số vốn vay thưởng cho gia đình.

ĐOÀN CƯỜNG

ĐOÀN CƯỜNG - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên