27/06/2021 12:50 GMT+7

Chỉ mới tiêm chủng 10% dân số, bao giờ thế giới đạt miễn dịch cộng đồng?

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Đã có khoảng chục nước tiêm vắc xin được cho hơn 50% dân số rục rịch mở cửa biên giới, trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng vấn đề khó hơn lúc này là khi nào các nước đó và toàn thế giới sẽ đạt miễn dịch cộng đồng?

Chỉ mới tiêm chủng 10% dân số, bao giờ thế giới đạt miễn dịch cộng đồng? - Ảnh 1.

Giải trí về đêm được mở lại tại Barcelona, Tây Ban Nha ngày 21-6 sau hơn một năm bị ngừng hoạt động vì COVID-19 - Ảnh: REUTERS

Như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và lãnh đạo nhiều nước từng nhấn mạnh: "Chúng ta chỉ an toàn, khi cả thế giới an toàn". Nhưng lộ trình thế giới đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng trước đại dịch COVID-19 vẫn là câu hỏi lớn chưa lời giải đáp.

Mục tiêu di động

Miễn dịch cộng đồng được hiểu là thời điểm ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin. Để đạt miễn dịch cộng đồng cho toàn cầu, 7,9 tỉ người trên thế giới phải được tiêm vắc xin đầy đủ. Tính đến ngày 21-6-2021, mới chỉ có 10% dân số toàn cầu được tiêm và gần nửa số này sống ở các nước giàu.

Chỉ có 0,9% người dân ở các nước có thu nhập thấp được tiêm vắc xin. Trong bối cảnh đó, các biến thể mới đang đe dọa làm giảm hiệu quả của vắc xin COVID-19.

Bài viết trên báo The conversation cho rằng chỉ có thời gian mới trả lời được khi nào thế giới đạt miễn dịch cộng đồng với bệnh COVID-19, nếu không muốn nói mục tiêu này là ngoài tầm với.

Giả sử mọi người dân đều đồng ý tiêm vắc xin, vẫn còn hai yếu tố chính có ý nghĩa quyết định đến miễn dịch cộng đồng toàn cầu là hiệu quả của vắc xin và tính dễ lây lan của virus.

Sự xuất hiện của các biến thể virus mới có thể làm thay đổi cả hai yếu tố này.

Bà Jodie McVernon - giám đốc mảng dịch tễ tại Viện Peter Doherty về nhiễm trùng và miễn dịch ở Melbourne, Úc - cho biết những dự đoán về miễn dịch cộng đồng hiện nay dựa trên chủng gốc của virus.

Với chủng gốc, một người nhiễm chỉ lây cho khoảng 2-3 người khác. Tuy nhiên, biến thể mới gần đây lây nhiều hơn, làm thay đổi mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

Ông Mike Ryan, trưởng bộ phận các vấn đề y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho rằng mốc 80% dân số trở lên được tiêm vắc xin là cần thiết để giảm đáng kể nguy cơ xuất hiện ổ dịch từ các ca bệnh nhập khẩu tại các nước có tỉ lệ lây nhiễm thấp.

Các nhà nghiên cứu ở Brazil tháng trước ghi nhận những người chưa tiêm ở ngoại ô Sao Paulo được bảo vệ do 3/4 dân số - khoảng 95% người đủ tuổi tiêm vắc xin - có miễn dịch nhờ vắc xin COVID-19 của Sinovac. Theo nghiên cứu, tỉ lệ chết giảm đến 95% và các trường hợp có triệu chứng giảm 80%.

Tuy nhiên, dù tỉ lệ tiêm cao, số liệu của chính quyền cho thấy số ca nhiễm vẫn cao, chứng tỏ vắc xin không ngăn được các trường hợp nhiễm bệnh sau tiêm.

Trong số các loại vắc xin đã được WHO phê duyệt, hiệu quả thử nghiệm lâm sàng cũng rất đa dạng. Cao nhất là vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna, với hiệu quả khoảng 95%, vắc xin của Sinovac đạt khoảng 51%.

Những người đã tiêm vắc xin có thể cũng bị nhiễm virus và có triệu chứng, như người chưa tiêm. Nhưng ở người đã tiêm vắc xin, các triệu chứng sẽ nhẹ hơn.

Tại Mỹ, tỉ lệ lây nhiễm đã giảm khi tỉ lệ tiêm đầy đủ tăng lên. Nhưng có khả năng dịch bệnh sẽ lây lan và bùng phát ở những người chưa tiêm nếu xuất hiện biến thể dễ lây hơn hoặc do nới lỏng các biện pháp kiểm soát. Hiện biến thể Delta đang làm số ca mắc mới gia tăng ở các bang chưa có tỉ lệ tiêm cao của Mỹ.

Sống chung với COVID-19

Tại Chile, với khoảng 40% dân số đã tiêm đủ, chủ yếu bằng vắc xin Sinovac, số ca nhiễm cũng đã tăng lại gần đây.

Theo ông Peter Collignon, giáo sư vi sinh tại Đại học Quốc gia Úc, nhân loại sẽ không xóa bỏ được COVID-19 trong một thời gian rất dài.

Nhưng những gì các nước có thể làm là hạ tỉ lệ lây xuống mức rất thấp. Khi đó, hậu quả sẽ bớt nặng nề hơn nếu nhóm dân số dễ tổn thương nhất (người lớn tuổi) được tiêm vắc xin.

Trong điều kiện các nước dùng các loại vắc xin khác nhau, với tốc độ khác nhau, trong vài năm tới, hiệu quả bảo vệ cũng như mức độ lây nhiễm sẽ vẫn khác biệt trên phạm vi toàn cầu. Ngoài ra, có khả năng COVID-19 sẽ bùng phát theo mùa như bệnh cúm.

Ông Peter Chin-Hong, giáo sư về dược tại Đại học California, cho rằng với tốc độ triển khai tiêm vắc xin chậm và dịch vẫn lây lan, các biến thể trong tương lai hoàn toàn có khả năng đảo ngược những tiến bộ về tiêm chủng đã đạt được.

"Điều tôi lo ngại nhất là sẽ xuất hiện nhiều biến thể đáng ngại hơn, trong khi chúng ta còn lâu mới phá vỡ được chuỗi lây truyền trên toàn cầu", ông Chin-Hong nói.

Thế giới càng được tiêm chủng nhiều, các lệnh hạn chế về dịch bệnh COVID-19 sẽ càng giảm lại. Ngược lại, chừng nào phần lớn thế giới chưa được tiêm chủng, đe dọa của dịch bệnh vẫn còn đó, một số lệnh hạn chế đi lại sẽ vẫn tồn tại do các nước muốn tránh xa những biến thể mới đáng lo ngại.

Giai đoạn mới của đại dịch: Sống chung với COVID-19 Giai đoạn mới của đại dịch: Sống chung với COVID-19

TTO - Sau hơn một năm theo dõi số ca COVID-19, các chuyên gia dịch tễ học đang chuyển trọng tâm sang những biện pháp khác trong bối cảnh đại dịch toàn cầu bước vào giai đoạn mới, trong đó có việc sống chung với COVID-19.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên