14/12/2017 14:04 GMT+7

Check-in mạo hiểm trên cột thu phát sóng ở Đà Nẵng

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Leo trụ thu phát sóng, leo đỉnh cầu giữa đêm, qua đêm ở những công trình cao tầng đang xây dựng để check-in… đã và đang trở thành trào lưu với nhiều bạn trẻ và du khách đến Đà Nẵng.

Check-in mạo hiểm trên cột thu phát sóng ở Đà Nẵng - Ảnh 1.

Bạn trẻ check-in cột phát sóng trên đỉnh Hải Vân - Ảnh: Facebook T.H.

Ban đầu là những người thích mạo hiểm, muốn chọn một điểm cao để chụp ảnh đẹp, muốn thể hiện độ gan lì của bản thân… Không lâu sau, những trào lưu đầy rủi ro này nhanh chóng lan rộng.

Check-in mạo hiểm

Ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, các cột thu phát sóng trên đỉnh đèo Hải Vân (thuộc địa phận TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên - Huế) trở thành điểm đến thường xuyên của các nhóm bạn trẻ với mục đích check-in dịp cuối tuần.

N.T.H. (24 tuổi) đã nhiều lần tổ chức cho nhóm bạn của mình leo lên các trạm thu phát sóng trên đỉnh Hải Vân để chụp hình và thử cảm giác mạnh. H. kể hai năm trước, tình cờ anh cùng người bạn phát hiện ở đỉnh Hải Vân có cột thu phát sóng không có người quản lý, H. cùng bạn nảy ra ý tưởng trèo lên cột  BTS để ngắm cảnh và chụp hình.

Sau khi những bức hình của H. được khoe trên mạng xã hội, nhiều bạn trẻ khác thể hiện sự nể phục và hào hứng trải nghiệm. H. đã chỉ cho các bạn đến đó và cũng cùng leo vài lần nữa.

H. chia sẻ: "Mình không nghĩ gì nhiều về rủi ro, cũng không có đồ bảo hộ. Chỉ biết lên trên đó sẽ chụp hình đẹp và độc. Đó là điểm check-in mới lạ do bọn mình tự khám phá, chỉ những người thực sự gan lì mới dám thử".

T. H. (20 tuổi) vừa có chuyến trải nghiệm leo cột BTS. Anh cho biết: "Thấy nhiều bạn đăng hình ảnh check-in cột phát sóng, mình thích lắm nên đã rủ bạn bè leo. Mình chỉ mong muốn có những tấm ảnh đẹp, và được cảm giác thoải mái ở trên cao". 

T. H. nói mình không nghĩ nhiều đến tác hại, hậu quả của việc leo các cột BTS. Sau khi những tấm hình của H. được đăng tải đã nhận nhiều lời chê trách và cảnh báo, T. H. mới rùng mình và tự hứa sẽ không bao giờ leo nữa.

Ông Nguyễn Kế (kỹ thuật viên một trạm thông tin trên đỉnh Hải Vân) cho biết vài năm trở lại đây, tình trạng các bạn trẻ, đa phần là sinh viên, leo cột thu phát sóng càng lúc càng đông. Đặc biệt những ngày cuối tuần, nhiều tốp leo bất chấp trời mưa gió. 

Theo ông Kế, trạm BTS mà các bạn trẻ thường leo để chụp hình có hai cột phát sóng của VNPT và Viettel, đều được điều khiển tự động, không có người gác trạm. Dù ông đã nhiều lần nhắc nhở, các bạn vẫn không nghe.

"Các trạm đều được xây dựng lâu năm nên việc các thanh sắt bị rêu, gỉ sét là đều khó tránh. Mấy đứa leo lại không có đồ bảo hộ. Lỡ có sấm sét bất ngờ, cột thu phát sóng thu lôi, điện thoại máy quay đều dễ thu sét, nên rủi ro là rất lớn" - ông Kế nói.

Theo ông Kế thì không chỉ các bạn trẻ sống ở Đà Nẵng, nhiều đoàn du lịch bụi từ các tỉnh thành khác đổ về, có cả những đoàn khách Tây cũng leo trèo trên cột thu phát sóng để chụp hình.

Hiện ở TP Đà Nẵng nhiều thanh niên vẫn lựa chọn các địa điểm mạo hiểm độc đáo để chụp hình, quay phim rồi đăng lên mạng xã hội. Gần đây có một nam thanh niên nickname Dennis Pham đã đăng bức hình chụp từ đỉnh trụ tháp cầu Thuận Phước (Đà Nẵng).

Dennis Pham cho biết anh đã lên kế hoạch trước đó 1 tháng, để leo dây cáp ở hai bên thành cầu lên đỉnh trụ tháp dây võng của cầu lúc 12h đêm. Mục đích của anh là để check-in.

Nhiều bạn trẻ còn thường xuyên tổ chức dựng lều qua đêm ở các tòa nhà cao tầng đang xây dựng, bị bỏ hoang với lý do mang lại cảm giác mới lạ và có điểm check-in độc đáo. Các trào lưu mạo hiểm này thường được các bạn trẻ truyền tai nhau rất nhanh chóng.

Check-in mạo hiểm trên cột thu phát sóng ở Đà Nẵng - Ảnh 2.

Các bạn trẻ check-in cột phát sóng trên đỉnh Hải Vân - Ảnh cắt từ clip

Mạo hiểm hay thiếu hiểu biết

Những bức hình được các bạn cho là độc, lạ sau khi được đăng tải lên mạng xã hội, lập tức nhận được nhiều ý kiến. Nhiều bạn trẻ tỏ ra hào hứng, hỏi cách thức để thực hiện. Một số người đánh giá hành động đó là bồng bột, nguy hiểm và thiếu hiểu biết.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm Anh - trưởng khoa tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư Phạm - ĐH Đà Nẵng, những hành động này xuất phát từ nhu cầu được khám phá, được giải tỏa và trải nghiệm những điều mới lạ của các bạn trẻ.

Trải nghiệm, mong muốn lưu lại khoảnh khắc trải nghiệm là một nhu cầu hoàn toàn bình thường. Nhiều bạn trẻ có nhu cầu thể hiện mình là người gan lì, dũng cảm và quên đi sự nguy hiểm của hành động. "Cá nhân tôi vẫn khuyến khích sinh viên trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên và giải tỏa, nhưng phải nhìn nhận mức độ nguy hiểm của việc các bạn làm" - bà cho biết.

"Tôi không đánh giá mức độ của hành động, nhưng theo tôi vấn đề ở đây là sự thiếu hiểu biết của các bạn trẻ. Có thể do các bạn chưa được biết đến sự ảnh hưởng của các tần sóng phát ra từ các trạm TBS đến sức khỏe, hay rủi ro có thể gặp phải khi hành động mạo hiểm như vậy" - bà Trâm Anh nói.

Về vấn đề nhiều bạn trẻ hiện nay, đặc biệt ở độ tuổi sinh viên đang có xu hướng tìm cảm giác mới lạ, chọn đến những nơi nguy hiểm để thể hiện bản thân, tiến sĩ Trâm Anh nhấn mạnh: "Nhà trường, gia đình và xã hội cần có nhiều hành động để giúp các bạn tránh được những việc làm nguy hiểm. 

Nhà trường, Đoàn thanh niên nên tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, có tính mục đích và đảm bảo an toàn cho các bạn sinh viên. 

Gia đình phải giám sát, tư vấn cho các em hiểu việc khám phá phải song hành với bảo đảm an toàn cho bản thân. Các cơ quan chức năng cần giám sát, quản lý hỗ trợ các địa điểm tham quan du lịch, khoanh vùng nguy hiểm để tránh những tai nạn đáng tiếc".

Tiến sĩ Trâm Anh cho rằng bản thân mỗi bạn trẻ phải có kế hoạch, hiểu biết rõ về nơi mình trải nghiệm. Các bạn cần lên kế hoạch cụ thể, chuẩn bị các vật dụng bảo hộ, y tế… để đảm bảo an toàn cho bản thân.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên