24/08/2019 09:34 GMT+7

Cháy rừng Amazon: Nguyên thủ, diễn viên, ca sĩ cũng ‘share’ nhầm ảnh

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Tham gia góp tiếng nói cảnh báo tình trạng cháy rừng kỷ lục xảy ra tại Amazon, nhiều người nổi tiếng đã vô tình lan truyền những bức ảnh hoặc đã rất cũ hoặc cả những ảnh chụp ở những nơi khác.

Cháy rừng Amazon: Nguyên thủ, diễn viên, ca sĩ cũng ‘share’ nhầm ảnh - Ảnh 1.

Bức ảnh của phóng viên ảnh người Mỹ Loren McIntyre (đã mất năm 2003) là một trong những bức được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội những ngày qua khi nói về cháy rừng Amazon - Ảnh: Loren McIntyre/AFP

Trong số họ, có cả những tên tuổi lớn như ca sĩ Madonna, ngôi sao bóng đá Cristian Ronaldo, tài tử điện ảnh Leonardo DiCaprio và thậm chí là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Nguyên thủ cũng ‘share’ nhầm ảnh

"Nhà chúng ta đang cháy. Theo đúng nghĩa đen. Rừng Amazon, lá phổi của hành tinh, nơi sản sinh 20% lượng oxy đang cháy", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã viết trên Twitter. Ông Macron cũng đăng một bức hình chụp cảnh rừng đang cháy cùng với đó là mã chủ đề (hashtag) #ActForTheAmazon.

"Đó là một cuộc khủng hoảng quốc tế. Các thành viên của nhóm G7, chúng ta sẽ thảo luận trong hai ngày tới về vấn đề nguy cấp này", ông Macron cho biết thêm, nhắc tới cuộc họp của nhóm G7 sẽ diễn ra cuối tuần này tại Biarritz (Pháp).

Tuy nhiên bức ảnh tổng thống Pháp dùng minh họa lại không thể hiện tình huống cháy rừng Amazon trong năm nay. Kết quả tra cứu của AFP cho biết đó là bức ảnh do phóng viên ảnh người Mỹ Loren McIntyre chụp. Ông Loren McIntyre nổi tiếng với những bức ảnh chụp cho trang National Geographic.

Mặc dù công cụ tìm kiếm ảnh không cho biết chính xác thời điểm bức ảnh này được chụp. Nhưng ông Loren McIntyre đã chết năm 2003. Điều này có nghĩa ít nhất bức ảnh này đã có "tuổi đời" 16 năm.

Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera, cũng đã tweet một hình ảnh không chính xác khi phát đi thông điệp cảnh báo về các đám cháy rừng Amazon. Ông Sebastian Pinera đã dùng một bức ảnh của nhà báo Nacho Doce của hãng tin Reuters chụp từ năm 2013.

Cháy rừng Amazon: Nguyên thủ, diễn viên, ca sĩ cũng ‘share’ nhầm ảnh - Ảnh 2.

Bức hình của nhà báo Nacho Doce của Hãng tin Reuters chụp từ năm 2013 - Ảnh: AFP

Diễn viên, ca sĩ cũng nhầm

Nam diễn viên kiêm nhà hoạt động môi trường Leonardo DiCaprio đã chia sẻ hai bức ảnh liên quan cháy rừng Amazon và đã được chứng minh là ảnh không chính xác. Bức thứ nhất là bức giống với bức Tổng thống Pháp Macron đã chia sẻ. Bức thứ 2 là bức được chụp tại thành phố Puerto Maldonado của Peru năm 2016.

Nam diễn viên này và rapper Jaden Smith, con trai của ngôi sao Will Smith, đã cùng đăng một bức hình rất kịch tính trên Instagram. Trong đó là cảnh một đám cháy rừng lan rộng, những cột khói lớn bốc lên từ đó.

Tuy nhiên bức ảnh này, dù đã nhận được hơn 1,5 triệu like, lại có từ năm 1989.

Cháy rừng Amazon: Nguyên thủ, diễn viên, ca sĩ cũng ‘share’ nhầm ảnh - Ảnh 3.

Bức ảnh này, dù đã nhận được hơn 1,5 triệu like, lại có từ năm 1989 - Ảnh: AFP

Nữ diễn viên kiêm ca sĩ người Argentina, cô Martina Stoessel, cũng đã vô tình chia sẻ một bức ảnh cũ trên Twitter với lời chú thích kèm: "Thật buồn khi thấy điều này…". Bức ảnh cô đăng là do tay máy Mario Toma của Getty Images chụp năm 2014.

Cùng với các diễn viên, ngôi sao nhạc pop của Puerto Rico, anh Ricky Martin và ca sĩ người Mỹ gốc Cuba, cô Camila Cabello, cũng đã chia sẻ lại bức ảnh do phóng viên ảnh McIntyre chụp đã được những người nổi tiếng khác như ông Emmanuel Macron, diễn viên DiCaprio và Alves đăng lên trước đó.

Nữ ca sĩ người Mỹ Madonna cũng đăng bức hình chụp năm 1989 giống như bức hình rapper Smith và tay vợt Djokovic đã đăng trên Instagram. Kèm theo đó là thông điệp: "Tổng thống Bolsonaro, xin hãy thay đổi các chính sách của ông và giúp không chỉ nước ông mà còn cả nhân loại. Không có sự phát triển kinh tế nào quan trọng hơn việc bảo vệ mảnh đất này". "Chúng ta cần thức tỉnh!!", Madonna viết.

Cháy rừng Amazon: Nguyên thủ, diễn viên, ca sĩ cũng ‘share’ nhầm ảnh - Ảnh 4.

Đây là bức ảnh chụp tại Puerto Maldonado của Peru, không phải ở Brazil - Ảnh: AFP

Các ngôi sao thể thao cũng nhầm

Tay đua F1 Lewis Hamilton và thủ quân đội tuyển bóng đá Brazil, anh Dani Alves, đã đăng một trong những hình ảnh không chính xác nhưng lại được chia sẻ rộng rãi nhất. Bức ảnh do phóng viên ảnh McIntyre chụp trước năm 2003.

Trong khi đó, ngôi sao quần vợt Novak Djokovic cũng đã chia sẻ bức ảnh chụp năm 1989 của Smith.

Ngôi sao bóng đá người Bồ Đào Nha, anh Cristiano Ronaldo, đã tham gia phong trào lên tiếng vì rừng Amazon khi phát cảnh báo với 180 triệu người theo dõi tài khoản Instagram của anh.

Ronaldo viết: "Rừng nhiệt đới Amazon sản sinh hơn 20% lượng oxy trên thế giới và đã cháy suốt 3 tuần qua".

Tuy nhiên bức ảnh ngôi sao này đăng lên để minh chứng cho thông điệp của anh lại do tay máy Lauro Alves, thuộc Hãng tin RBS của Brazil, chụp ngày 29-3-2013 tại vùng Rio Grande do Sul, không thuộc bang Amazonias.

Cũng do lầm lẫn, tiền đạo CLB Barca, Luis Suarez, cũng đã đăng một tấm hình cũ từ năm 2015 do nhà báo Nacho Doce chụp để phát thông điệp về cháy rừng Amazon.

Ảnh lính cứu hỏa ở Hà Nội của Tuổi Trẻ thành lính chữa cháy rừng Hà Tĩnh? Ảnh lính cứu hỏa ở Hà Nội của Tuổi Trẻ thành lính chữa cháy rừng Hà Tĩnh?

TTO - Bức ảnh ấn tượng của phóng viên báo Tuổi Trẻ chụp anh lính cứu hỏa trong một vụ cháy ở quận Hoàng Mai, Hà Nội từ năm 2014 đã bị "biến" thành ảnh chụp lính chữa cháy rừng Hà Tĩnh, không chỉ trên Facebook mà còn trên nhiều trang tin.

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên