14/06/2021 06:49 GMT+7

Chạy đua mở nhà máy sản xuất vắc xin

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Theo báo Financial Times, tuần vừa qua Hãng dược BioNTech của Đức và Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen cùng công bố kế hoạch xây nhà máy sản xuất vắc xin ở châu Phi.

Chạy đua mở nhà máy sản xuất vắc xin - Ảnh 1.

BioNTech đang lên kế hoạch xây nhà máy sản xuất vắc xin ở châu Phi - Ảnh: Reuters

Trong bối cảnh chia sẻ bản quyền vắc xin COVID-19 đang gặp nhiều trở ngại, Liên minh châu Âu (EU) với sự hậu thuẫn của Anh, Thụy Sĩ và Hàn Quốc đưa ra phương án mở rộng sản xuất, bao gồm xây nhà máy mới để đáp ứng nhu cầu cấp bách và dài hạn của thế giới.

Theo báo Financial Times, tuần vừa qua Hãng dược BioNTech của Đức và Chủ tịch Ủy ban châu Âu - bà Ursula von der Leyen cùng công bố kế hoạch xây nhà máy sản xuất vắc xin ở châu Phi.

Lục địa đen chỉ mới tiêm được 39 triệu liều vắc xin COVID-19 (hơn 2% trên tổng toàn cầu) và cũng nhập khẩu đến 99% vắc xin COVID-19.

Châu Phi nhận tin vui

Dự án của BioNTech ở châu Phi là một kế hoạch dài hơi nhưng đầy hứa hẹn, lý do là công nghệ mRNA của BioNTech có tiềm năng chữa không chỉ COVID-19 mà còn nhiều bệnh nan y như ung thư, HIV, sốt rét... Nếu châu Phi có trong tay năng lực sản xuất vắc xin mRNA sẽ là một bước đột phá lớn.

Ông Ugur Sahin- nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành BioNTech - cho biết các công đoạn đầu của quá trình sản xuất vắc xin mRNA đòi hỏi kỹ thuật rất cao, ước tính phải mất 4 năm để xây dựng xong năng lực này ở châu Phi.

Trong ngắn hạn, BioNTech có kế hoạch đào tạo một đối tác ở châu Phi làm công đoạn "đóng chai và hoàn thiện" sản phẩm trong 12 tháng, cho phép châu lục này nhập khẩu vắc xin số lượng lớn hiệu quả hơn. Trong tương lai, các trung tâm sản xuất như vậy sẽ mọc lên rải rác khắp thế giới.

Trước đó, ngày 17-5, BioNTech thông báo đặt nhà máy Đông Nam Á tại Singapore, mục tiêu cung cấp hàng trăm triệu liều vắc xin mRNA cho khu vực mỗi năm. Nhà máy khởi công trong năm nay và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Còn tại Hàn Quốc, Hãng dược Moderna (Mỹ) đã công bố kế hoạch mở một nhà máy ngay trong năm nay. Hàn Quốc còn là trung tâm sản xuất vắc xin AstraZeneca, Novavax và Sputnik V.

Hiện tại một số quốc gia cũng đang trong quá trình đàm phán với các hãng dược để đặt nhà máy, chẳng hạn Úc đã bắt đầu thương thảo với Moderna từ tháng trước. Mới đây, Đài Loan cho biết không chốt được thỏa thuận với AstraZeneca và đã chuyển sang tiếp xúc với một số công ty Mỹ (không nêu tên), theo Reuters.

Làm chủ công nghệ mRNA

Với những quốc gia chậm chân chốt hợp đồng mua vắc xin, việc xây nhà máy từ bây giờ có thể không đẩy nhanh tốc độ thoát khỏi đại dịch COVID-19, nhưng về lâu dài việc làm chủ công nghệ mRNA hoặc tối thiểu là công nghệ hoàn thiện, đóng gói sản phẩm cũng mang lại lợi ích lớn về y tế và kinh tế. Tất nhiên không dễ để bước lên "chuyến tàu tốc hành" cùng các nước dẫn đầu.

Trả lời báo South China Morning Post, giáo sư Ooi Eng Eong từ Đại học Quốc gia Singapore giải thích lý do nước này được BioNTech lựa chọn: "Singapore là nước nhỏ, có thể đảm bảo nhu cầu nội địa dễ dàng, do đó có vị thế tốt trở thành trung tâm xuất khẩu vắc xin khu vực. Thứ hai, chính phủ đầu tư lớn vào nghiên cứu cơ bản, tạo điều kiện để phát triển thế hệ vắc xin tiếp theo".

Tương tự, không phải ngẫu nhiên Hàn Quốc được nhiều nước lựa chọn. Mạng lưới kiểm toán BDO đánh giá Hàn Quốc xếp thứ hai sau Mỹ về năng lực sản xuất sinh học. Năm nay, quốc gia này đã bỏ ra 683 triệu USD để phát triển vắc xin COVID-19 và đào tạo nhân lực ngành dược phẩm, công nghiệp sinh học.

"Một khi được bật đèn xanh và chuyển giao công nghệ mRNA vốn rất khó phát triển về mặt kỹ thuật, Hàn Quốc có thể trở thành ông lớn trên thị trường. Đây cũng là cơ hội để chuẩn bị đối phó đại dịch trong tương lai" - giáo sư Lee Hoanjong từ Bệnh viện Nhi đồng Đại học Quốc gia Seoul nhận định.

Tại Việt Nam, Cục Khoa học - công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế mới đây cho biết một doanh nghiệp Việt đã đàm phán với nhà sản xuất Mỹ, nhận chuyển giao sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 theo công nghệ mRNA (tiêm 1 liều duy nhất 5mg). 

Theo đó, nhà máy do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư theo tiêu chuẩn công nghệ của nhà sản xuất, có công suất 100 - 200 triệu liều vắc xin/năm, dự kiến đi vào sản xuất từ quý 4-2021 hoặc quý 1-2022. 

Theo tạp chí Vox, việc thế giới có được vắc xin COVID-19 nhờ nền tảng mRNA trong năm nay đã là một phép mầu, nhưng do độ phức tạp của công nghệ (và cả mong muốn giữ bí bật của hãng dược) nên "nút nghẽn cổ chai" trong sản xuất dự báo sẽ còn kéo dài trong những năm tới.

Tuy nhiên tiềm năng công nghệ là không thể phủ nhận. Chuyên gia Thomas Preiss từ Đại học Quốc gia Úc nhận định: "Đầu tư vào mRNA là chiến lược tốt hơn so với đầu tư vào công nghệ vắc xin thông thường. Vắc xin chắc chắn rất quan trọng nhưng tiềm năng kinh tế của mRNA còn lớn hơn".

G7 hứa tăng đóng góp vắc xin

Dự thảo tổng kết cuộc họp thượng đỉnh G7 ở Anh, bế mạc ngày 13-6, tái khẳng định sẽ giúp thế giới có vắc xin COVID-19.

Theo Reuters, dự thảo có đoạn: "Chúng tôi sẽ làm việc với khối tư nhân, nhóm các nền kinh tế lớn G20 và các quốc gia khác để tăng khoản đóng góp trong các tháng tới đây".

Về vấn đề vắc xin, G7 cho biết vắc xin được tặng cho các nước nghèo bằng nguồn sản xuất ở 7 nước thành viên gồm Mỹ, Anh, Nhật, Canada, Ý, Pháp và Đức.

Ít nhất 700 triệu liều đã và sẽ được xuất khẩu trong năm nay (trong tổng 1 tỉ liều cam kết). G7 cũng khuyến khích cấp phép sản xuất vắc xin COVID-19 tự nguyện và sản xuất vắc xin phi lợi nhuận cho toàn cầu.

Cho đến nay, đóng góp của G7 chiếm 95% nguồn cung vắc xin cho cơ chế phân phối vắc xin công bằng COVAX được Tổ chức Y tế thế giới hậu thuẫn.

HỒNG VÂN

4 công ty Việt Nam đang 4 công ty Việt Nam đang 'đua' sản xuất vắcxin COVID-19

TTO - Tại cuộc họp được Bộ Y tế và Tổ chức PATH tổ chức hôm nay 22-7, bốn nhà sản xuất vắc xin của Việt Nam đều công bố tham vọng sản xuất được vắcxin ngừa COVID-19.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên