Sai lầm khi chọn ngành thi
Trung tuần tháng 3-2013, nhận được điện thoại của một người bạn của cháu, anh chị tôi phải thuê hẳn một chuyến xe từ quê ra Hà Nội để đón con về vì cháu bỗng nhiên đổ bệnh hơn một tuần. Vốn nhỏ con và lười ăn nên chỉ sau mấy ngày nằm ở nhà trọ, cháu tôi gầy rạc hẳn đi, phải truyền dịch... vì cháu chẳng ăn uống được gì.
Sau khi đưa cháu về quê để nghỉ ngơi, chăm sóc, cháu có vẻ ổn hơn nhưng cũng chẳng ăn uống gì, khuôn mặt thất thần, ánh mắt thì nhìn xa xăm! Nguyên nhân của việc “bỗng nhiên” đổ bệnh đó không phải xuất phát từ bệnh lý mà do hội chứng “sợ” học ở cháu. Quyết định nghỉ học được cháu đưa ra trong bối cảnh ở quê bố mẹ đang chuẩn bị cho kỳ đi thực tập của cháu. Tuy sốc nhưng anh chị tôi cũng chưa nói gì vì một mặt phải chờ cháu ổn định trở lại, mặt khác chính cháu cũng đang sốc nên cần phải vực dậy tinh thần cho cháu.
Phải khẳng định rằng thời học phổ thông cháu tôi là đứa có học lực tốt. Năm nào “tệ” nhất cũng là học sinh tiên tiến, còn cơ bản là giỏi. Cũng như những học sinh khác, khi chuẩn bị tốt nghiệp THPT, cháu cũng nộp hồ sơ dự thi ĐH, CĐ. Một số trường ĐH, CĐ mà cháu dự thi đều thuộc dạng “top” và cháu chọn những trường này có phần tác động rất lớn từ trào lưu “phải học ĐH”, “phải thi vào trường danh giá”... của chính các bạn bè đồng trang lứa cũng như từ chính gia đình cháu. Tất nhiên khi chọn trường thi, cháu có tham vấn tôi về việc chọn khối, chọn ngành để dự thi. Tôi hỏi lại cháu xem cháu học tốt môn gì nhất, thích ngành gì. Rồi tôi khuyên cháu rằng vấn đề quan trọng nhất là hiện tại cháu đam mê lĩnh vực gì, có sở trường như thế nào để nếu có trúng tuyển thì sau này có thể phát huy được năng lực và sở trường của mình. Và năm thi ĐH, CĐ đầu tiên ấy, cháu đã đậu vào cả hai trường ĐH thuộc hàng “top” mà cháu dự thi. Cuối cùng, cháu quyết định theo học ĐH Kiến trúc Hà Nội. Mặc dù không nói ra nhưng tôi biết việc cháu chọn ĐH Kiến trúc Hà Nội vì trường này “danh tiếng” hơn trường kia - trường mà cháu cũng thi đậu.
Thời gian đầu học tập mọi việc vẫn suôn sẻ nhưng càng về sau, nhất là khi bước vào giai đoạn học chuyên ngành, phải đi thực địa, thực tập, đi công trình... nhiều nên cháu thấy “ngộp”. Là con gái, sức khỏe có phần hạn chế nên cháu bắt đầu bỏ bê việc học, nợ lại mấy môn chuyên ngành... nên mỗi khi nghĩ đến vấn đề “trả nợ” các môn học là cháu thấy rùng mình, mất ăn, mất ngủ... Chính vì vậy cháu quyết định nghỉ học.
Làm lại từ đầu?
Trước đây, tôi cũng từng chứng kiến đứa bạn thân của tôi bỏ học khi đã theo học được hơn nửa chặng đường ở Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội. Nguyên nhân là sau một thời gian theo học, bạn tôi cảm thấy không còn đam mê, cảm thấy mất “lửa” và cũng chẳng còn yêu cái nghề mà chính mình đã chọn. Ngày bạn tôi quyết định nghỉ học, bố mẹ của bạn đã mất ăn mất ngủ mấy tháng liền. Thậm chí bố mẹ của bạn đã có lúc “từ” con đến nỗi bạn tôi phải vào Nam sinh sống. Ngoài việc mất mát về mặt tinh thần, mất gần ba năm “đèn sách” ở chốn giảng đường, nhà trọ và cơm bụi, thì quyết định nghỉ học của bạn đã kéo theo cả tấn “lúa non” và một cặp “đầu cơ nghiệp” - một tài sản lớn của những gia đình nông thôn ngày ấy. Sau này, tuy bạn tôi không thành công lắm nhưng cũng tạm hài lòng với việc kinh doanh của mình và mỗi khi nhắc lại chuyện cũ, bạn ấy vẫn cho rằng “đó là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời”!
Trở lại với chuyện đứa cháu của tôi, thương cháu một thì thương anh chị tôi đến mười, bởi với đồng lương hạn hẹp của mình, anh chị vẫn thuê riêng cho cháu một phòng ở gần trường để cháu thuận tiện trong việc học hành, đi lại vì cháu bị say xe nên không đi được xe buýt. Công sức, tiền bạc và cả niềm hi vọng, kỳ vọng ở đứa con bỗng dưng đổ sông đổ biển.
Là người trong cuộc, chứng kiến người thân của mình rơi vào hoàn cảnh “bỗng nhiên” bỏ học ai cũng sốc, thất vọng, tiếc công sức và tiền của. Và những câu chuyện trên cho thấy việc lựa chọn nghề nghiệp hiện nay ở một bộ phận giới trẻ còn ít nhiều mang cảm tính. Trong khi tâm lý chung của các bậc phụ huynh là chỉ muốn con mình học ĐH và họ sẽ hãnh diện hơn khi con em mình đậu vào trường “top”, ngành “hot”, còn các em thí sinh thì chưa nhận thức đầy đủ về ngành nghề, thậm chí có em còn không biết mình có sở trường gì, đam mê cái gì nữa...
Hãy tìm hướng đi phù hợp! (Chia sẻ của TS LÊ THỊ THANH MAI - ĐH Quốc gia TP.HCM, thành viên ban tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp) Đối với bạn sinh viên kiến trúc nói trên, tôi nghĩ việc bỏ học đột ngột có thể còn nhiều nguyên nhân khác. Vì vậy ngoài việc giúp cháu ổn định tinh thần, gia đình có thể đến trường xin cho cháu tạm dừng học tập (cho đúng quy định). Tạm thời không nhắc đến việc học, cho cháu đi nghỉ dưỡng cùng với người thân, kết hợp để tìm xem đâu là nguyên nhân thật sự của việc cháu bỏ học. Nếu thật sự vì ngành học không phù hợp với thể trạng của cháu, gia đình cũng giúp cháu tìm một hướng đi phù hợp, có thể ngành học khác trong hoặc ngoài Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, và cũng có khi là hướng đi khác mà không nhất thiết phải vào lại ĐH. Điều quan trọng là khơi dậy, tạo động lực để cháu tự tin trong chọn lựa con đường của mình, khơi gợi đam mê trong lựa chọn tương lai của cháu. Trong giai đoạn này, liệu pháp tâm lý rất quan trọng. Mọi gượng ép sẽ không giải quyết được gì mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro mới. Tôi nghĩ hậu quả chọn ngành, chọn trường theo phong trào hay theo gò ép của phụ huynh đã tiềm ẩn cao nguy cơ thất bại. Vậy phụ huynh học sinh chỉ nên dừng lại ở vai trò nhà tư vấn, định hướng cho các cháu, không nên quyết định thay các cháu. Thay vào đó phụ huynh cùng với trường THPT nên cho các cháu tiếp cận sớm hơn với các loại nghề nghiệp, có thể phim, truyện, tham quan... và cung cấp thông tin để các cháu biết nên học ở đâu và tìm hiểu về chương trình học. Cách làm này có thể hạn chế việc chọn sai ngành chứ không triệt tiêu được vì đây là phương trình nhiều ẩn số... Trong gia đình, nên để các em tự quyết định, tự lập kế hoạch, tự làm những việc cơ bản cho cá nhân mình, vì cũng có những em được chăm sóc quá kỹ nên khi vào ĐH, các em không tự đứng vững được bằng chính bản thân mình... Với học sinh, việc chọn ngành hay chọn nghề sau trung học phổ thông phải dựa vào sở thích và phải phù hợp với bản thân mình (các nhà chuyên môn thường gọi là phù hợp sở thích nghề nghiệp). Điều đáng lo ngại là hiện nay vẫn có nhiều em chỉ chọn theo trào lưu, theo sở thích, theo số đông và chọn theo lựa chọn của phụ huynh... tất cả đều chưa tính đến “sở thích nghề nghiệp”... ...Chúng ta hẳn chưa quên Steve Jobs, đã quyết định bỏ học ĐH chỉ sau sáu tháng, để ngừng học những lớp mà ông không thích và “học ké” những môn mà ông thấy thú vị. Vì vậy, nếu không may mắn vào ĐH, các em học sinh đừng nghĩ là cánh cửa vào đời đã đóng, hãy suy nghĩ tích cực hơn bằng con đường phù hợp với mình. |
Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Giá như tôi biết điều này trước khi học đại học Kỳ 2: Chán nản trên ghế giảng đường Kỳ 3: Những viên đá đặt sẵn Kỳ 4: “Chạy trốn” thất bại Kỳ 5: Nếu bạn thi rớt thì sao? Kỳ 6: Chuyện cô giáo tôi - Captain Bear Kỳ 7: Giấc mơ... tàu hủ của tôi Kỳ 8: Cái giá của thành công
_____________
Đón đọc số tới: Trên con đường mang dáng hình Tổ quốc Đó là con đường dọc biên giới, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, ôm trọn dải đất hình chữ S. Hai nhóm phóng viên của Tuổi Trẻ đã có mặt trên con đường biên giới Tây Nam và phía Bắc, góp thêm những câu chuyện nhiều cảm xúc cho chương trình “Tháng 3 biên giới”. |
Phóng to |
Các bạn thí sinh Hà Nội tham gia trắc nghiệm về năng lực và sở thích nghề nghiệp tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp 2013 - Ảnh: Việt Dũng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận