Bé Đạt được gia đình chăm sóc tại phòng trọ người quen ở Dĩ An, Bình Dương - Ảnh: H.PHƯƠNG
Bác sĩ Khôi kể câu chuyện mà nhóm y bác sĩ của mình cùng những người tốt bụng vừa giành lại sự sống theo cách vô cùng kỳ diệu cho một cháu bé con nhà nghèo tại Quảng Bình.
Giành giật sự sống
Bé Phạm Thành Đạt mới hơn một tháng tuổi, tại thôn Kinh Trừng, xã Đức Hóa (Tuyên Hóa, Quảng Bình). Chị Nguyễn Thị Ngân, mẹ cháu, kể vào đầu tháng 3, khi bé Đạt mới 25 ngày tuổi, chị phát hiện cháu bị khó thở, da vàng.
Hai vợ chồng chị đưa con về Bệnh viện Đa khoa khu vực bắc Quảng Bình khám. Phát hiện dấu hiệu nghiêm trọng, bé Đạt được đưa ngay vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình).
Hai vợ chồng chị Ngân như chết lặng khi các bác sĩ thông báo bé Đạt bị bệnh tim bẩm sinh, lại thuộc type bệnh rất phức tạp. Một tờ giấy chuyển viện được dúi vào tay chị Ngân. Hai vợ chồng hết nhìn nhau, rồi nhìn đứa con bé bỏng mà lòng rối bời.
"Khi đó trong túi hai vợ chồng chỉ có đúng 500.000 đồng. Nếu chuyển viện thì phải có một số tiền rất lớn mới lo nổi. Đứa con đầu của hai vợ chồng cũng bị teo mật bẩm sinh, mọi tài sản trong nhà đã theo nó ra Hà Nội điều trị năm ngoái..." - chị Ngân kể.
Nuốt nước mắt, hai vợ chồng quyết định ký giấy cam kết xin để con ở lại điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới và gần như buộc phải buông xuôi, với suy nghĩ cho cháu bé thở oxy được ngày nào hay ngày đó.
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Hân, phó trưởng khoa nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, kể lúc đó tình trạng của cháu Đạt nặng đi từng giờ.
Đến ngày 9-3, bác sĩ Lê Minh Khôi được mời ra dạy tại đây, các bác sĩ trong khoa nhi nhờ bác sĩ Khôi siêu âm lại cho bé Đạt để xác định chắc chắn hiện trạng.
Bác sĩ Khôi cũng kết luận tim bé Đạt sống nhờ các luồng thông phụ, mà các luồng thông phụ này lại sắp bị bít kín hết. Nếu không mổ kịp, thời gian sống chỉ tính bằng ngày, nhưng tại bệnh viện này thì không thể thực hiện được ca mổ.
"Nghĩ đến điều này, tôi như chết lặng. Trước một sinh linh bé bỏng như vậy mà mình biết y học có thể chiến thắng tử thần thì không thể nào nhắm mắt làm ngơ vì chuyện tiền nong. Và tôi đã quyết định sẽ đưa bé vào Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM để cứu cháu" - bác sĩ Khôi nhớ lại.
Bác sĩ Khôi (áo sọc ngang) siêu âm cho bé Thành Đạt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới - Ảnh: Bệnh viện cung cấp
"Tin ở tình người"
Bác sĩ Khôi đang tu nghiệp tại Mỹ. Dù câu chuyện của bé Thành Đạt xảy ra từ đầu tháng 3, phải đến cuối tháng 3 bác sĩ Khôi mới "dám" đưa lên kể trên Facebook cá nhân, bởi đến lúc đó bác sĩ mới tin là cháu bé đã được cứu.
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tim mạch, bác sĩ Khôi hiểu để thực hiện ca mổ này phải mất ít nhất cả trăm triệu đồng chi phí, ngoài bảo hiểm. Và bác sĩ Khôi đã quyết định đưa cháu bé vào TP.HCM mổ ngay khi trong tay chưa có đồng nào. Phải sau khi quyết định xong, bác sĩ Khôi mới bắt tay vào tìm nguồn tiền cho ca mổ.
Bác sĩ Khôi nhờ một số người bạn liên hệ với các nhóm từ thiện chuyên hỗ trợ bệnh nhi mổ tim để tìm kinh phí cho cháu bé, rồi liên lạc ngay vào Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM nhờ bác sĩ Cao Đằng Khang chuẩn bị mổ.
"Không chỉ mổ mà là mổ gấp. Phải mổ gấp mới cứu kịp cháu. Cả bác sĩ Khang và các nhóm hội đã gật đầu" - bác sĩ Khôi kể.
"Sau khi quyết định đưa cháu bé đi xong, bác sĩ Khôi phải vào TP.HCM ngay để kịp chuyến bay qua Mỹ học. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó bác sĩ đã sắp xếp trọn vẹn mọi thứ cho cháu bé. Suốt hành trình sang Mỹ, bác sĩ Khôi liên tục cập nhật tình hình của cháu bé mới yên lòng" - bác sĩ Hân kể.
"Không phải tôi cứu bé Đạt đâu, mà tình người đã cứu cháu bé. Nếu khi đó không ai nhận mổ ngay, không ai đồng ý tiếp nhận hồ sơ xin hỗ trợ mổ tim cho cháu ngay thì có lẽ cháu đã không thể vượt qua rồi. Tôi nói "Tin ở tình người" là ý như thế đó" - bác sĩ Khôi nói.
Chỉ nghĩ đến cứu mạng người
ThS.BS Cao Đằng Khang - phó khoa phẫu thuật tim mạch Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, người trực tiếp mổ cho bé Đạt - cho biết trong quá trình mổ cho bé có một số khó khăn, vì bé được mổ trễ, sức khỏe yếu.
Thêm vào đó, đây là ca phẫu thuật nặng có nhiều nguy cơ, đặc biệt bé còn quá nhỏ, phải vượt đoạn đường dài để vào TP.HCM. Vì vậy, để đảm bảo tính mạng cho bé, khi chưa hoàn tất các kết quả sơ bộ về xét nghiệm, X-quang, các bác sĩ đã xin ý kiến và quyết định mổ gấp.
"Trường hợp của bé Đạt phải quyết định rất nhanh. Tôi đồng cảm với bác sĩ Khôi, lúc ấy không thể ước lượng được chi phí cho ca phẫu thuật, vì có thể chi phí của ca phẫu thuật rất lớn.
Tuy nhiên, với mong muốn trên hết lúc ấy là cứu mạng cháu bé, nó quá lớn để vượt qua những nỗi e ngại về tài chính" - bác sĩ Khang chia sẻ.
HỒNG PHƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận