Cách đây gần chục năm, khi còn là nhân viên kinh doanh cho một công ty quảng cáo, tôi phải đi gặp khách hàng ở tận Bình Chánh (TP.HCM), gần Long An.
Vì hẹn với khách hàng đầu giờ chiều có mặt nên tôi phải tranh thủ đi sớm hơn 2 tiếng, phần vì chưa biết đường đi, phần vì đường xa sợ kẹt xe cộ. Đến Bình Chánh thì cũng tới giờ cơm trưa.
Con đường đi xuống miền Tây lúc đó đầy nắng và khói bụi. Dòng xe cộ cứ luôn tấp nập dường như không lúc nào là ngớt người. Thấy bụng đã đói, tôi định tìm một quán cơm nào đó ven đường để ăn.
Đi hoài, 1km rồi 2km vẫn chưa tìm được "quán ăn ưng ý". Đa số các quán ăn ven đường nhìn vào đều đầy bụi và trông không được sạch sẽ cho lắm. Cuối cùng, tôi cũng "bấm bụng" chạy xe vào một quán khá lụp xụp.
Lúc này là giờ cơm trưa nên quán rất đông người, đa số là dân lao động tay chân. Tôi nhìn khắp quán thì thấy chỉ còn một bàn mới có một người ngồi.
Tôi tới xin phép:
- Chú ơi, có ai ngồi đây chưa ạ?
- Chưa, con cứ ngồi đi.
Tôi ngồi đối diện với chú và kêu một dĩa cơm đậu hũ nhồi thịt. Giữa cái quán đầy những người dân lao động lấm lem bụi đất, một cô gái ngồi văn phòng như tôi, với cách ăn mặc chỉn chu dường như rất khác biệt so với những người còn lại.
Chú nghe giọng tôi thì hỏi:
- Con ở Bình Định hả?.
- Dạ, đúng rồi chú.
- Thế con ở đâu, chú ở chợ Đập Đá nè.
- Vậy à, con ở ngoài Bả Canh.
- Chú làm gì trong này?.
- Chú chạy xe, lâu lâu mới về ngoải một lần.
"Giữa cái nắng gắt của Sài Gòn, người ta hay bực bội vì dòng xe cộ dày đặc đầy bụi và khói xe, tôi cảm nhận được đâu đó niềm vui dù đó chỉ là dĩa cơm trưa 12 ngàn đồng.
Huyền Nga
Và câu chuyện giữa hai chú cháu trong cái bàn ăn đầy mùi mồ hôi, khói thuốc và bụi đường cứ vậy tiếp tục cho đến lúc tôi đã ăn gần xong phần cơm của mình.
Lúc chú gọi tính tiền chú kêu:
- Bà chủ tính tiền cho tui, tính luôn dĩa cơm cô bé này nghen!
- Ấy chết, chú ơi, con có tiền mà, chú cứ để con tự trả.
- Không được, lâu lâu mới được gặp đồng hương, chú chạy xe không có nhiều nhưng cũng có thể mời con một bữa.
Biết không thể chối từ nên tôi đành cảm ơn chú và chúc chú chạy xe an toàn.
Khi rời quán, tôi nhìn những khuôn mặt nhễ nhại đầy mồ hôi của những người lao động khác ăn trong quán, tự nhiên thấy họ dễ thương đến lạ, thấy yêu tiếng nói và yêu người dân xứ nẫu.
Lòng tôi thầm cảm ơn chú lái xe và nghĩ mình cũng nên thường xuyên "gieo" niềm vui như thế.
Thời gian con tôi nhập viện ở bệnh viện Nhi Đồng, tôi thường chia sẻ phần cháo sữa từ thiện nhận được cho để cho hai mẹ con người cùng giường.
Lúc đưa con đi bơi, thấy 2 cô nhóc thiếu 5.000 đồng mua vé vào cổng, tôi không ngần ngại "để cô trả cho"… Tôi thấy mỗi lần cho đi như vậy, dù không nhiều nhưng tôi nhận lại được niềm vui.
Tôi vẫn luôn nhớ về bữa cơm trưa 12.000 đồng ở quán cơm tại Bình Chánh. Không biết chú lái xe đó có đọc được bài viết này của tôi không?
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: nhungkyucdep@tuoitre.com.vn hoặc dandt@tuoitre.com.vn. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận