Ủy viên thương mại châu Âu Cecilia Malmstrom - Ảnh: REUTERS
Reuters ngày 15-4 dẫn lời bà Malmstrom phát biểu sau khi các nước EU chấp thuận hai đề xuất đàm phán của Ủy ban châu Âu (EC). Trong số 28 quốc gia EU, chỉ có Pháp bỏ phiếu chống, trong khi Bỉ bỏ phiếu trắng.
Ủy ban sẽ bắt đầu hai cuộc đàm phán - một để cắt giảm thuế đối với hàng hóa công nghiệp và hai là giúp các công ty dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn của EU hoặc Mỹ.
Malmstrom cho biết hiện tại bà sẽ liên lạc với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer để xúc tiến các cuộc đàm phán.
"Chúng tôi đã sẵn sàng ngay khi có thể. Nếu chúng tôi đồng ý bắt đầu, tôi nghĩ rằng nó có thể diễn ra khá nhanh" - bà Malmstrom nói trong một cuộc họp báo.
Brussels sẽ cố gắng đạt được một thỏa thuận hạn chế trước khi nhiệm kỳ của Ủy ban kết thúc vào ngày 31-10.
EU và Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của nhau, với thương mại hai bên chiếm 30% thương mại toàn cầu.
Một cuộc khảo sát của EC ước tính một thỏa thuận về thuế quan công nghiệp sẽ làm tăng xuất khẩu của EU sang Mỹ thêm 8% và các sản phẩm của Mỹ vào cho châu Âu thêm 9%.
Xe hơi xuất khẩu tại cảng Emden của Đức - Ảnh: REUTERS
Ủy ban cho biết họ sẵn sàng thảo luận về ô tô, nhưng sẽ không bao gồm các sản phẩm nông nghiệp, một nhu cầu chính của Mỹ. "Nông nghiệp chắc chắn sẽ không phải là một phần của các cuộc đàm phán này. Đây là một lằn ranh đỏ đối với châu Âu", Malmstrom nói.
Hồi tháng 7-2018, EU và Mỹ đã nhất trí ngừng leo thang căng thẳng thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định không áp thuế đối với ô tô nhập khẩu của EU.
Tuy nhiên, căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương lại gia tăng khi Mỹ mới đây áp thuế một số hàng hóa của EU với tổng trị giá lên tới 11 tỷ USD, trong đó có máy bay thương mại cỡ lớn và phụ tùng máy bay. Số tiền này tương đương với mức thiệt hại mà Mỹ cho là nước này phải hứng chịu do các khoản trợ cấp của châu Âu đối với các hãng chế tạo máy bay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận