Nhận định trên được TS Ngô Xuân Nam - phó giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - đưa ra tại Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP ngày 2-8.
Hội nghị do Văn phòng SPS Việt Nam, báo Nông Nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức.
Ớt, đậu bắp... có nguy cơ không vào được EU
Theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ EU, với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023 (31 cảnh báo). Đặc biệt, TP.HCM có tỉ lệ lớn với 23/57 lượt cảnh báo.
Sự gia tăng này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam. Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
"EU không quy định về khối lượng hàng, nên đôi khi chỉ có vài chục ký ớt xuất sang cũng bị kiểm tra và cảnh báo vi phạm. Với nhóm hàng bị cảnh báo ở mức độ cao, nếu không kịp thời chấn chỉnh, cải thiện có thể sẽ bị EU không cho nhập vào. Không thể chủ quan", ông Nam cảnh báo.
Trong khi đó, từ góc độ doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Liên - chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam - cho biết ngành hàng cũng gặp một số khó khăn trong vấn đề kiểm soát chất lượng.
Cụ thể, 3 nhóm chỉ tiêu các nước nhập khẩu đưa ra về dư lượng, vi sinh vật và kim loại nặng, thì hiện nay vấn đề dư lượng và vi sinh vật được cải thiện tốt, nhưng kim loại nặng vẫn còn gặp phải, điển hình là chất cadimi có trong quế.
"Hiện nay chúng tôi lúng túng không biết báo cáo ban ngành, đơn vị nào khi có vấn đề cảnh báo chất lượng hàng xuất khẩu từ các nước. Do đó, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thêm các quy chế, cơ chế phối hợp để thông tin nhằm kịp xử lý, hỗ trợ giúp doanh nghiệp", bà Liên nhấn mạnh.
Hàng rào kỹ thuật ngày càng khó, không thể xuề xòa
Với nhóm hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - xác nhận dù giá trị xuất khẩu đạt kỷ lục, nhưng 6 tháng qua ngành cũng bị những cảnh báo vi phạm từ nước nhập vì hàng rào kỹ thuật các nước dựng lên ngày càng khó. Do đó, xuất khẩu gia tăng nhưng vi phạm cũng còn nhiều.
Tại hội nghị, một số chuyên gia cho rằng tình trạng ghép nhiều mặt hàng để đủ container xuất khẩu, lấy hàng từ nguồn cung nhỏ lẻ khiến các doanh nghiệp Việt Nam đang rất dễ vướng quy định về nguồn gốc, an toàn thực phẩm ở thị trường khó tính như EU, Nhật Bản...
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Lê Thanh Hòa - giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam - đánh giá nhận thức về xuất khẩu của doanh nghiệp đôi lúc còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Quy trình, công nghệ sản xuất, chế biến của doanh nghiệp, người dân nhiều khâu chưa kiểm soát được 100%.
Ông Hòa lấy ví dụ, nguồn nước tưới, đất, bình tưới… tất cả đều có thể là nguy cơ lây nhiễm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng.
"Chúng ta khai không đúng cũng không được vì nhà nhập khẩu chỉ cần một phép thử họ xác định hết các loại thuốc được sử dụng. Do đó, ngành nông nghiệp đang rất chú trọng vấn đề này, bản thân doanh nghiệp phải làm nghiêm hơn, không thể xuề xòa mãi được", ông Hòa nhấn mạnh.
Trong nửa đầu năm 2024, hệ thống RASFF (Hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm và thức ăn) ghi nhận tổng cộng 2.708 cảnh báo, trong đó Việt Nam chiếm 57 cảnh báo, tương đương 2,1%.
Mặc dù tỉ lệ này nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu so với khi Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo từ EU trong cả năm 2023, thì cho thấy sự gia tăng đáng kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận