22/01/2025 11:00 GMT+7

Châu Á và Trump 2.0

Một nhà ngoại giao Đông Bắc Á sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Việt Nam đã từng dự đoán đúng với Tuổi Trẻ việc ông Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng.

Châu Á & Trump 2.0 - Ảnh 1.

Người đi bộ chờ đèn tín hiệu bên cạnh bảng quảng cáo điện tử hiển thị chỉ số chứng khoán Thượng Hải, tại Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 21-1 - Ảnh: Reuters

Giờ đây khi được hỏi liệu chính phủ ông có lo lắng khi ông Trump đã chính thức nhậm chức, người này nhẹ nhàng đáp rằng họ không lo sự khó đoán định vì đã có ít nhất 4 năm kinh nghiệm với nhiệm kỳ đầu tiên của ông ấy.

Nhân dịp ông Donald Trump chính thức nhậm chức tổng thống thứ 47 của Mỹ, Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng.

Ở một khía cạnh khác, không ít nước xem việc ông Trump trở lại Nhà Trắng là một cơ hội để thúc đẩy quan hệ, Thủ tướng Mông Cổ Luvsannamsrain Oyun-Erdene là một ví dụ.

Chỉ vài giờ sau lễ nhậm chức của tân tổng thống Mỹ, ông Oyun-Erdene đã phát đi thông điệp với truyền thông quốc tế rằng Ulaanbaatar coi chính quyền Trump 2.0 là "cơ hội tuyệt vời" để thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực, từ năng lượng đến du lịch.

"Cá nhân Tổng thống Trump biết rất nhiều về Mông Cổ. Các thành viên trong gia đình ông ấy đã có một số chuyến đi cá nhân đến Mông Cổ", ông Oyun-Erdene nói với AFP và tin rằng sẽ có rất nhiều cơ hội hợp tác được mở ra thời gian tới.

Nhà lãnh đạo Mông Cổ cũng khẳng định sẽ hoan nghênh chuyến thăm của ông Trump, cho rằng điều này có thể diễn ra nếu nhà lãnh đạo Mỹ thăm Trung Quốc. "Chỉ mất 2 giờ bay giữa Mông Cổ và Trung Quốc. Chúng tôi sẽ tìm kiếm cơ hội để thu xếp chuyến thăm của Tổng thống Trump", Thủ tướng Oyun-Erdene tiết lộ thêm.

Đánh giá chung về tâm trạng của các chính phủ châu Á, tạp chí Foreign Affairs nhận xét chính quyền Trump 2.0: "Không khơi dậy những cảm xúc mạnh mẽ như nhiều nước phương Tây".

Tờ này giải thích điều đó là bởi khu vực này từ lâu đã duy trì quan hệ với Washington trên cơ sở lợi ích chung hơn là các giá trị chung. Cách tiếp cận như vậy là hoàn toàn phù hợp với chính sách đối ngoại thực dụng của ông Trump, xoay quanh việc cân bằng lợi ích chung thay vì duy trì trật tự quốc tế tự do hay hệ giá trị chung mơ hồ khác.

Trong khi những người chỉ trích chính sách đối ngoại của Mỹ nhìn nước này như một quốc gia bá quyền thích nổ súng thì số đông ở châu Á đều nhìn thấy xu hướng Mỹ là một cường quốc thận trọng, miễn cưỡng triển khai sức mạnh quân sự và sẽ tính toán cẩn thận lợi ích của chính mình trước khi hành động.

Nhân dịp ông Marco Rubio được phê chuẩn làm ngoại trưởng Mỹ, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi thư chúc mừng và mời ông sang Việt Nam, nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ Việt - Mỹ.

Nhận định từ Foreign Affairs phản ánh quan điểm phức tạp của các quốc gia châu Á về vai trò của Mỹ trong khu vực. Mỹ được xem là lực lượng thiết yếu để duy trì ổn định, nhưng không hẳn là đối tác đáng tin cậy tuyệt đối. Thay vào đó Washington được nhìn nhận như một lực lượng răn đe từ xa.

Nếu Mỹ quyết định can dự sâu vào các vấn đề khu vực, các nước châu Á lo ngại sẽ bị kéo vào những cuộc đấu tranh địa chính trị lớn hơn. Ngược lại, nếu Mỹ chọn cách đứng ngoài, nỗi sợ bị bỏ rơi và không có sự hỗ trợ khi cần lại trở thành mối bận tâm lớn của khu vực.

Sự răn đe hạt nhân lẫn nhau khiến cho khả năng xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ là rất thấp nhưng cũng có rất ít khả năng làm giảm được sự cạnh tranh ngày càng gia tăng của Washington với Bắc Kinh.

Trong bối cảnh căng thẳng tiềm tàng như vậy, các chính phủ châu Á sẽ cố gắng hợp tác chặt chẽ hơn với nhau để phòng ngừa những sự bất ổn từ cạnh tranh Mỹ - Trung và vấn đề thuế quan mà ông Trump rất ưa thích.

Theo Foreign Affairs, vấn đề còn lại lúc này là quốc gia nào, ngoài Trung Quốc, có thể dẫn dắt các nước châu Á.

Châu Á & Trump 2.0 - Ảnh 2.

Nguồn: Guardian, NYT - Dữ liệu: Trần Phương

Châu Á & Trump 2.0 - Ảnh 3.Ông Trump răn đe ông Putin bằng đe dọa trừng phạt Nga

Tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết Washington đang trao đổi với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và sẽ sớm thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên