Hình ảnh 11 học sinh ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Lào Cai) tranh nhau hai gói mì tôm pha loãng ở khu bán trú của trường khiến nhiều người bức xúc. Trong khi thực đơn được công khai thì mỗi em trong số 174 học sinh được ăn sáng với một gói mì tôm và một quả trứng.
Hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn
Theo quy định hiện hành, học sinh tiểu học, THCS đang học ở các trường phổ thông dân tộc bán trú các xã, thôn đặc biệt khó khăn ở miền núi, hoặc bản thân, cha mẹ, người giám hộ có hộ khẩu thường trú ở vùng III đặc biệt khó khăn thì được hưởng 40% mức lương cơ sở trong không quá 9 tháng/năm; được hỗ trợ 15kg gạo/tháng không quá 9 tháng/năm.
Nghị định trên cũng quy định trường phổ thông dân tộc bán trú tổ chức nấu ăn cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn bằng 135% mức lương cơ sở/tháng với 30 học sinh. Số dư 15 học sinh trở lên được tính một lần định mức nhưng mỗi trường hưởng không quá năm lần định mức/tháng và không quá 9 tháng/năm.
Tháng 7-2023, trong dự thảo quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách, tiếp tục quy định hỗ trợ tiền ăn bữa chính, bữa phụ như sau: mỗi trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ mỗi tháng 360.000 đồng không quá 9 tháng/năm học.
Hỗ trợ tiền ăn học sinh bán trú và học viên bán trú cấp tiểu học, THCS mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 900.000 đồng không quá 9 tháng/năm học. Mỗi học sinh, học viên được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo không quá 9 tháng/năm học và một số khoản hỗ trợ khác.
Muôn hình vạn trạng chuyện cắt xén bữa ăn bán trú
Câu chuyện khẩu phần ăn không đủ dinh dưỡng không chỉ xuất hiện ở các trường vùng khó mà ở ngay các khu đô thị lớn. Ở khu vực này, kinh phí tổ chức bán trú nằm trong khung quy định của UBND các tỉnh, thành phố. Còn bữa ăn bán trú là do thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Các trường nắm nhu cầu của cha mẹ học sinh và có phương án tổ chức (tự nấu hay mời đơn vị bên ngoài).
Ngay trong năm học này, tại một trường THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) cũng có tình trạng bữa ăn thiếu dinh dưỡng. Hình ảnh những suất ăn 35.000 - 40.000 đồng/suất do phụ huynh đóng tiền nhưng chất lượng không được 15.000 đồng/suất được lan tràn trên mạng xã hội. Ngay lập tức nhiều học sinh, phụ huynh nơi khác cũng đưa lên những hình ảnh bữa ăn thiếu chất. Thậm chí có suất ăn ở trường chất lượng cao được phụ huynh chi trả 50.000 - 70.000 đồng/suất nhưng trẻ vẫn đói.
Điều này cho thấy việc "ăn bớt" khẩu phần bán trú của học sinh xảy ra muôn hình vạn trạng. Và điều đáng nói là trẻ em, học sinh phải gánh chịu hành vi của người lớn. Ở một vấn đề khác, tình trạng các suất ăn bị mốc, ôi thiu, suất ăn có bọ, ruồi chết và tình trạng học sinh bị ngộ độc, thậm chí ngộ độc hàng loạt cũng xảy ra. Hiện trạng này cũng xuất phát từ quy trình lỏng lẻo trong việc kiểm soát nguồn thực phẩm, suất ăn, bảo quản và cung ứng cho học sinh.
Sở dĩ tình trạng bất ổn của bữa ăn bán trú ngày càng nhiều là do mức chế tài không nghiêm, việc xử lý truy tìm nguyên nhân để khắc phục không rốt ráo tới nơi tới chốn. Nhiều sự vụ bị giơ cao đánh khẽ theo hướng "rút kinh nghiệm". Hiếm khi một hiệu trưởng bị tạm đình chỉ công tác vì bữa ăn bán trú như trường hợp ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1.
Cần cơ chế kiểm tra chéo
Nhưng để tình trạng bữa ăn bán trú hạn chế những sự vụ như trên, rất cần một cơ chế kiểm tra chéo. Có thể là thành lập các đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất bữa ăn bán trú trong đó có sự tham gia của chính quyền, cơ quan chức năng, của công đoàn, Đoàn thanh niên và phụ huynh trong nhà trường. Vai trò của phụ huynh cần được phát huy mạnh hơn ở khâu giám sát và hỗ trợ giải quyết khi có sự vụ phát sinh.
Diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường"
Câu chuyện bữa ăn bán trú ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 một lần nữa đặt ra vấn đề về giám sát bữa ăn học đường. Không chỉ với học sinh vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ mà bữa ăn bán trú của học sinh do cha mẹ đóng góp cũng có nhiều vấn đề gặp phải.
Làm thế nào để giám sát bữa ăn học đường, để trẻ có bữa ăn tương xứng với tiền được hỗ trợ và cha mẹ đóng góp? Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn "Giám sát bữa ăn học đường" mong nhận được ý kiến, câu chuyện từ bạn đọc để gợi mở giải pháp cho vấn đề nan giải này. Bài viết gửi về giaoduc@tuoitre.com.vn.
Sau vụ việc, học sinh đã được ăn theo định mức quy định
Ngày 18-12, ông Nguyễn Thế Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, cho biết đoàn thanh tra của UBND huyện Bắc Hà đã làm việc với Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1 để làm rõ những vấn đề báo chí đã phản ánh về các bữa ăn của học sinh bán trú.
Theo ông Dũng, ban giám hiệu nhà trường đã có báo cáo sở và các cơ quan liên quan. "Tuy nhiên do có một số nội dung chưa được làm rõ nên chúng tôi đã yêu cầu nhà trường báo cáo lại cho đầy đủ" - ông Dũng nói.
Báo cáo gửi UBND tỉnh Lào Cai của UBND huyện Bắc Hà nêu: "Hình ảnh trong phóng sự phản ánh là hình ảnh có thật tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Hoàng Thu Phố 1. Tuy nhiên, để có đầy đủ các căn cứ, dữ liệu thực hiện các nội dung xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan cần phải kiểm tra, xác minh, làm rõ thêm nội dung theo phản ánh".
Sau phản ánh về những bất thường trong các bữa ăn bán trú, ngày 18-12, các học sinh Trường Hoàng Thu Phố 1 đã được ăn đúng theo định mức công khai. Thực đơn trong ngày 18-12 của 173 học sinh bán trú được công khai trên bảng tin nhà trường. Bữa sáng (7.000 đồng/em) có cơm cùng thịt heo, bắp cải. Bữa trưa (14.000 đồng/em) có cơm cùng thịt heo, giò heo, bắp cải, đỗ béo…
Qua khảo sát, khẩu phần ghi trên bảng nhà trường đã đúng với thực tế bữa ăn của học sinh bán trú ngày 18-12.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận