22/12/2022 15:01 GMT+7

Chánh án TAND TP Hà Nội nói về bốn đặc điểm nổi bật khi xét xử vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội Nguyễn Hữu Chính cho biết vụ án AIC đang xét xử có 36 bị cáo, trong đó tám bị cáo bỏ trốn (gồm cả bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn) từ giai đoạn trước khi khởi tố vụ án.

Chánh án TAND TP Hà Nội nói về bốn đặc điểm nổi bật khi xét xử vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Chính - Ảnh: NGUYỄN HỢP

Sáng 22-12, tại Hội nghị triển khai công tác ngành tòa án năm 2023, chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nêu ra một số điểm liên quan công tác xét xử của tòa án hai cấp (cấp quận, huyện, thị xã và cấp thành phố) tại Hà Nội trong năm 2022.

Theo đó, trong năm 2022, tòa án hai cấp TP Hà Nội đã thụ lý 38.842 vụ việc và giải quyết được 34.807 vụ việc, đạt tỉ lệ 90%.

So với năm 2021, số vụ thụ lý tăng 4.019 vụ, tăng 11,54%, số giải quyết tăng 7.294 vụ, tăng 26,41%, trong đó có nhiều vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Ông Chính cũng cho hay nếu theo số liệu, Tòa án nhân dân TP Hà Nội là một trong những tòa án thụ lý án tương đối nhiều, chỉ sau TP.HCM.

Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng cho biết Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã giải quyết rất nhiều vụ án lớn như vụ Trương Quốc Cường - cựu thứ trưởng Bộ Y tế, vụ án Trần Văn Nam - cựu bí thư Tỉnh ủy Bình Dương và đồng phạm vi phạm, vụ án Cao Minh Quang - cựu thứ trưởng Bộ Y tế...

Cũng theo ông Chính, ngày 21-12, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án AIC liên quan bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Điểm nổi bật thứ nhất trong vụ án, theo ông Chính, là có 36 bị cáo, trong đó có tám bị cáo bỏ trốn (gồm cả bà Nhàn). Cạnh đó có 65 luật sư bào chữa cho bị cáo.

Đặc điểm nổi bật thứ hai theo ông Chính là thời gian thụ lý vụ án rất ngắn. Cụ thể, Tòa án nhân dân TP Hà Nội bắt đầu thụ lý từ ngày 24-11 thì ngày  21-12 đã đưa ra xét xử.

Điểm thứ ba là sự vắng mặt của tám bị cáo trong giai đoạn trước khi khởi tố vụ án. 

Điểm nổi bật thứ tư sau khi khai mạc phiên tòa, hội đồng xét xử đã tiếp tục kêu gọi các bị cáo bỏ trốn ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Về các công tác năm 2023, ông Chính nói dự báo Tòa án nhân dân TP Hà Nội sẽ tiếp tục xét xử một số vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo, trong đó ví dụ vụ FLC, Tân Hoàng Minh, vụ chuyến bay giải cứu, Việt Á.

Ông nêu rõ tinh thần khi nhận được chỉ đạo sẽ sẵn sàng tiếp nhận và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nêu ý kiến tại đây, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho hay trong năm 2022, áp lực công việc với ba ngành công an, kiểm sát, tòa án rất lớn. Trong đó tình hình tội phạm tăng trung bình 10%/năm.

Đặc biệt án dân sự, hành chính tăng nhanh hơn. "Đây là thách thức bởi số lượng tăng và bức xúc của xã hội", ông Trí nói.

Cạnh đó theo ông Trí, các yêu cầu của pháp luật, chỉ tiêu của Quốc hội giao ngày càng cao. Kèm theo đó, hệ thống pháp luật chưa đủ, chưa đồng bộ, chưa thống nhất.

Để không oan sai, không lọt tội phạm, theo ông Trí không chỉ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng ngành mà cần có sự tăng cường phối hợp với nhau.

Sự phối hợp này đòi hỏi phải trao đổi, thống nhất, nhưng cũng thẳng thắn để đảm bảo sự hợp lý, đặc biệt đặt công việc chung lên trên, bảo vệ cái đúng...

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Từ nay đến 2023 sẽ đưa ra xét xử các vụ án rất lớn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình: Từ nay đến 2023 sẽ đưa ra xét xử các vụ án rất lớn

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết trong năm 2022, các tòa án đã tham gia giải quyết nhiều vụ án tham nhũng và có các bản án đúng người, đúng tội, tâm phục, khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng nhân đạo, nhân văn, thu hồi được nhiều tài sản.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên