10/08/2024 08:53 GMT+7

Chàng trai Việt làm kiến trúc sư đô thị ở Pháp: 'Tôi đang tích lũy để trở về'

Câu hỏi đến bất chợt, Đức khẳng định tức thì: "Tôi sẽ trở về sau khi tích lũy được kinh nghiệm, phương pháp làm việc tại Pháp, tìm hướng ứng dụng vào thiết kế đô thị Việt Nam qua mỗi dự án cụ thể'.

Những chuyến đi, trải nghiệm tại các thành phố ở châu Âu giúp Bùi Duy Đức tích lũy kinh nghiệm sống, hành trang tuổi trẻ, phục vụ cho công việc của mình - Ảnh: NVCC

Những chuyến đi, trải nghiệm tại các thành phố ở châu Âu giúp Bùi Duy Đức tích lũy kinh nghiệm sống, hành trang tuổi trẻ, phục vụ cho công việc của mình - Ảnh: NVCC

Thời phổ thông, Bùi Duy Đức từng là gương mặt nổi bật trong bút nhóm Hà Nội, nơi tập hợp nhiều cây bút trẻ của thủ đô. Nhưng khi thi đại học, Đức lại chọn kiến trúc.

Con đường học hành của Bùi Duy Đức nối tiếp bằng chương trình cao học Pháp ngữ hợp tác giữa hai trường đại học kiến trúc của Hà Nội và Toulouse (Pháp). Anh đã lên đường đến Pháp bằng học bổng tiến sĩ của Chính phủ Pháp năm 2012.

Đi, học để thấy mình trưởng thành

Trước đó, anh bạn 8X Bùi Duy Đức này đã được Hội đồng các trường đại học Pháp ngữ AUF cấp học bổng sáu tháng trải nghiệm thực tập tại Công ty kiến trúc AARP ở Toulouse. Còn lần quay trở lại hai năm sau đó, Đức làm việc tại phòng nghiên cứu kiến trúc (Đại học Kiến trúc Toulouse) kết hợp làm nghiên cứu sinh. Và anh hoàn thành tiến sĩ vào năm 2017.

Đến thời điểm hiện tại, Đức đã sống nơi xứ người 12 năm. "Dĩ nhiên bạn phải có ngoại ngữ khi muốn tự lập. Bạn không cần xuất sắc nhưng phải tự tin, mạnh dạn giao tiếp với người bản xứ. Nói sai cũng được, cho đến khi họ hiểu thì thôi. Chính họ sẽ giúp bạn diễn đạt rõ ý để lần sau mình đúng hơn" - Đức chia sẻ.

Nhưng chặng đường học hành cũng lắm gian nan. Sau hai năm nghiên cứu vẫn không thấy hướng đi nào khả dĩ bởi đề tài rộng quá, Đức bắt đầu nản lòng.

Thời điểm ấy cũng chưa có nhiều nghiên cứu về không gian và cảnh quan kiến trúc ở lĩnh vực nông nghiệp đô thị nên rất ít tài liệu tham khảo. Đức kể hầu như mọi thứ đều phải tự bơi. Chính những cuộc trao đổi cùng giáo sư gợi mở cho anh nhiều điều mới, dần giúp anh rõ hơn hướng nghiên cứu kỳ vọng.

Những năm tháng sống tại Pháp giúp anh nhận ra trong mọi cuộc tranh luận, người Pháp luôn đặt tính nhân văn lên hàng đầu. Điều này thể hiện rõ qua ứng xử, giao tiếp hằng ngày, rõ nhất qua việc họ luôn ưu tiên tuyệt đối trong ứng xử với những người bị khiếm khuyết vì cho rằng ai cũng có thể bị "khiếm khuyết tạm thời".

"Trong các thiết kế nhà cửa, đô thị, các công trình công cộng, bãi đỗ xe đều phải tính toán thuận tiện sử dụng cho người khuyết tật. Nếu nhà hàng không có nhà vệ sinh hay bồn rửa tay đủ tiêu chuẩn cho người khuyết tật, nơi đó có thể bị yêu cầu đóng cửa" - Duy Đức cho biết.

Giờ đây giới trẻ Pháp có xu hướng và được khuyến khích ra nước ngoài để tìm kiếm cơ hội mở mang và việc làm, nhất là đến những nước đang phát triển như Việt Nam.
BÙI DUY ĐỨC

Đừng bao giờ bỏ cuộc

Điểm lại chặng đường mình vừa bước qua, Đức tự nhận đã có những lúc buộc phải quyết định từ bỏ những điều mình muốn và thích. Anh nói thực đã từng thích lĩnh vực báo chí, truyền hình nhưng rồi phải chấp nhận gác lại để làm tốt nhất có thể mục tiêu đã lựa chọn.

Từng đứng trước những khúc ngoặt đời mình, Đức nói kể cả khi toàn tâm toàn ý với một thứ gì đó vẫn phải nhớ không có nghĩa nó chỉ toàn màu hồng mà khó khăn nhiều lắm. Quan trọng là mỗi người chọn cách nào và hướng tới tương lai ra sao.

"Nếu bạn đã xác định cho mình một ước mơ tha thiết và muốn thực hiện, nhất thiết phải luôn tự nhắc chính mình rằng không bao giờ được bỏ cuộc dẫu có trắc trở đến mấy" - Đức bộc bạch.

Mẹ chính là người tiếp sức, nguồn động lực lớn nhất cho anh mỗi khi gặp trúc trắc. Đức kể mẹ là một phụ nữ kiên cường, bản lĩnh và luôn lạc quan. Anh nhớ lúc mình còn bé và tham gia khá nhiều thứ nhưng mẹ ít có thời gian nên luôn tin tưởng các quyết định của con trai.

"Chính mẹ luôn tỏ ra mạnh mẽ để tôi cảm thấy yên tâm khi đi học, làm việc xa gia đình, xa quê hương" - Duy Đức bộc bạch.

Hiện là kiến trúc sư đô thị tại Công ty Quy hoạch và phát triển đô thị vùng, thành phố Toulouse, Duy Đức cho biết mình đang chuẩn bị cho hành trình tham gia hội thảo "Đô thị về đêm" sẽ diễn ra tại Morocco vào tháng 9 tới. Với anh, niềm vui hiện tại chính là có cơ hội tiếp xúc với nhiều chuyên gia thiết kế và nghiên cứu về đô thị tại Pháp, đồng thời dành thời gian tham quan, khám phá những thành phố tại châu Âu.

Anh có quay về nước không? Câu hỏi có vẻ bất chợt nhưng Đức khẳng định tức thì: "Tôi sẽ trở về sau khi tích lũy được kinh nghiệm, phương pháp làm việc tại Pháp cùng vốn sống qua các chuyến du lịch, cũng là để tìm hướng ứng dụng vào thiết kế đô thị Việt Nam qua mỗi dự án cụ thể".

12 năm một thân một mình học tập, làm việc tại đất nước vốn được mệnh danh là "kinh đô ánh sáng", anh bạn 8X Hà thành ấy thu nhặt cho mình thật nhiều trải nghiệm thú vị. Đức bảo dù làm gì, ở đâu cũng luôn cần vui vẻ, lạc quan, cố gắng tìm thấy những điều mới mẻ để học hỏi và đóng góp. Với anh, cuộc sống phải đẹp!

Học hỏi điểm tích cực của người trẻ

"Ở Pháp, thường người ta lười làm các việc chân tay" - Đức chia sẻ quan sát của bản thân và nói tiếp: "Họ thích họp hành, tranh luận về xã hội, triết lý, phát triển, nghệ thuật và ỷ lại vào những mũi nhọn kinh tế như du lịch, công nghiệp máy bay, rượu vang".

Cũng chính bằng quan sát và cảm nghiệm qua tiếp xúc làm việc, Đức nói người trẻ phương Tây rất có ý thức tiết kiệm, bảo vệ môi trường sống, giữ gìn sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Dù sống khá khép kín và ngại làm ảnh hưởng đến người khác nhưng bạn trẻ phương Tây luôn trình bày quan điểm cá nhân rất thẳng thắn và không ngại va chạm.

"Điều này khá tích cực mà các bạn trẻ trong nước có thể học hỏi. Không phủ nhận người trẻ Việt Nam hiện nay rất mạnh dạn, sáng tạo, thích tìm tòi khám phá công nghệ mới nhưng cách các bạn trẻ đang "xài" hàng hóa, năng lượng, tài sản và cả sức khỏe của mình có lẽ cần thay đổi" - Đức bày tỏ.

Chàng trai mê phục chế sách, mở lớp miễn phíChàng trai mê phục chế sách, mở lớp miễn phí

Vốn học ngành điện tử công nghiệp, Trịnh Hán Quang (25 tuổi, quận Tân Bình, TP.HCM) bén duyên với công việc phục chế sách và dạy phục chế miễn phí.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên