Yêu thích sách từ nhỏ, trong lần tình cờ 'lân la' ở quán cà phê sách cũ, lật từng trang và cảm nhận được nét đẹp của sách, chàng trai Trịnh Hán Quang (25 tuổi, quận Tân Bình) quyết định tìm hiểu cách phục chế sách.
Người trẻ làm nghề phục chế để lưu giữ kỷ niệm
Với sự quyết tâm và học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, Hán Quang "dám" nhận phục chế quyển sách đầu tiên vào năm 2022. Đến nay, chàng trai 9X đã phục chế hơn 1.000 quyển sách lớn nhỏ.
Trịnh Hán Quang chia sẻ: "Có một bác lớn tuổi mang quyển Robinson ngoài hoang đảo đến nhờ tôi phục chế lại. Biết đây là vật kỷ niệm của người cha đã mất để lại cho bác nên tôi quyết tâm phục chế bằng được.
Khi bác nhận lại quyển sách, nhìn thấy cảnh một người lớn tuổi nhảy cẫng lên vì vui sướng, tôi có thêm động lực tiếp tục với công việc lưu giữ kỷ niệm này".
Hán Quang cho biết để có thể phục chế một quyển sách hoàn chỉnh, qua các công đoạn như: gỡ sách, phục hồi sách và ráp bìa.
"Sách cũ lâu năm sẽ có hiện tượng giấy dính vào nhau, khi gỡ phải cẩn thận, tránh làm mất mát thêm. Còn công đoạn khó nhất là ráp bìa, nếu không cẩn thận phải gỡ ra và làm lại.
Những trang sách bị mất gốc, tôi vẫn có thể phục chế được, miễn là không bị mất chữ" - Quang nói.
Chàng trai trẻ tâm đắc phục chế sách không hẳn là công việc, mà góp phần bảo tồn những giá trị tinh thần.
"Nói đến sách cũ, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh người trung niên hay ông lão ngồi đọc kiến thức của tiền nhân để lại. Việc phục chế không chỉ thể hiện niềm đam mê hoài cổ về những thứ đã qua, mà còn xây dựng tinh thần văn hóa phục hồi, góp phần vào việc chữa lành cho những kiến thức.
Nhiều lúc tôi hăng say sửa sách quên cả việc ăn uống. Một ngày nếu không được làm sách, tôi cảm giác khó chịu, bức bối" - Quang bộc bạch.
Về giá nhận phục chế sách, Quang cho biết tùy vào độ hư hại của sách, sẽ lấy phí từ 100.000 - 1 triệu đồng.
Mở lớp dạy phục chế sách miễn phí
Với mong muốn có thêm nhiều người trẻ có thể duy trì và giữ lửa cho nghề, chàng trai 9X quyết định mở lớp dạy phục chế miễn phí tại quận Tân Bình, TP.HCM.
Hán Quang cho biết công việc này cũng hiếm thợ làm, nên người có mong muốn học cũng không nhiều.
"Các bạn phải yêu thích đặc biệt với sách mới có mong muốn học nghề phục chế này. Tôi mong muốn dạy miễn phí cho các bạn có cùng đam mê tiếp cận đến sách cũ, sách xưa và lan tỏa văn hóa đọc.
Thông thường sau khoảng 1 tháng các bạn có thể làm quen, biết vá và khâu sách. Yêu cầu đặc biệt đối với người học phục chế phải có tính cách trầm ổn, cẩn thận, tỉ mỉ và có đam mê. Chính đam mê mới có thể giúp bạn trẻ đi được lâu dài với nghề" - Quang nói.
Trần Tuệ Ninh (sinh viên Trường đại học Văn Hiến) cho biết được người quen giới thiệu đến lớp học miễn phí.
"Tôi nhận thấy nghề phục chế rất cao quý, cần được gìn giữ và bảo tồn. Đây là nét văn hóa của Việt Nam mà ít người biết đến. Trong lần tận mắt nhìn thấy quá trình phục chế, tôi cảm thấy tự hào khi có người trẻ tuổi làm công việc này.
Tôi học được 2 tháng. Điều đầu tiên tôi được dạy là phải có tình yêu với sách, biết ơn những kiến thức quý báu của truyền nhân để lại. Khi đó, phục chế mới có thể đặt tâm vào công việc được" - Ninh nói.
"Phục chế cần phải có kỹ năng nhất định như khéo tay, tỉ mỉ. Công việc này giúp tôi rèn luyện tính kiên nhẫn và sự tập trung cao độ, không chỉ để thao tác trong việc làm sách mà còn trong những công việc khác" - Ninh chia sẻ thêm.
Hoài Bảo (quận Tân Bình) chia sẻ: "Tôi thấy công việc phục chế sách rất ý nghĩa, có thể lưu giữ lại được lịch sử. Tôi học được thao tác bồi, vá và khâu sách.
Làm công việc này phải có sự yêu quý đặc biệt với sách và mong muốn rèn luyện khả năng tập trung".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận