Anh Đây (giám đốc Công ty TNHH Oanh Vũ) là nhân vật của báo Tuổi Trẻ trong bài viết Thiết bị chống bắt cóc trẻ em của sinh viên.
Mở lớp, làm thầy khi còn... sinh viên
Đang chạy đua với dự án hệ thống loa phóng thanh cảnh báo lũ tự động cho 2 nhà máy thủy điện ở Quảng Nam, Đây vẫn thường xuyên theo dõi những câu chuyện khởi nghiệp trong chương trình Tuổi Trẻ Start-Up Award năm nay.
Trong không gian chung vừa là nơi thực hành, vừa để chế tạo sản phẩm, chàng trai trẻ vẫn giữ thói quen "hành" máy móc vốn là nhân duyên lúc khởi nghiệp.
Thời điểm còn ngồi trên giảng đường, để được "hành" các thiết bị điện tử hằng ngày, chàng sinh viên xin đi làm thêm cho một cửa hàng bán linh kiện điện tử. Quá trình này thường xuyên gặp khách hỏi thiết bị mà cửa hàng không có, khơi lên đam mê sáng chế của cậu sinh viên năm 2 này.
"Có lần vị khách bảo nhà có người già, trong khu vực lại hay cúp điện nên "đặt bài" cho tôi làm ra bộ điều khiển để khi mất điện cả nhà vẫn sáng bằng thiết bị ắc quy.
Rồi một đơn vị bộ đội cũng đến đặt hàng để làm bia tập bắn nhấp nhô nhằm tăng độ khó trong quá trình huấn luyện. Những "công trình" này tôi nhận và bắt đầu thử thách mình từ đó" - Đây kể.
Sinh viên nhẵn túi, lại có chút máu liều nên trong Đây nung nấu khởi nghiệp bằng cách giải quyết những đơn đặt hàng làm thiết bị theo ý cá nhân của khách.
Những đêm trải chiếu nằm luôn ở cửa hàng để mày mò khiến cho cậu cảm giác như "chỉ mỗi mình làm được".
Cứ giải quyết những vấn đề nhỏ như thế rồi dẫn dắt từng bước đến cái to.
Qua hàng chục lần đặt hàng, khi vừa ra trường đã có người tin tưởng đặt hàng chế tạo các loại máy móc thiết bị khác với giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Nhưng tiền đâu để khởi nghiệp khi còn sinh viên? Lúc này nhận thấy tỉ lệ thực hành trong chương trình cơ - điện tử trên trường còn chưa đủ "phê", Đây mở luôn lớp hướng dẫn ngay tại chỗ làm để thực hành ngay. Lớp học được mở rộng vì có nhiều người mê được chế máy móc, rồi Đây tự tin thuê nhà để dạy. Có thời điểm dạy cùng lúc tới 4 lớp với hơn 120 người tham gia học cả hai giáo trình "điện tử căn bản" và "điện tử công suất" do Đây tự thiết kế.
Người học không cần bằng cấp, là những người đam mê thực sự. Suôn sẻ, đến nay hai chương trình đã mở được 52 "khóa" giúp Đây có nguồn tiền khởi nghiệp…
Luôn có "ngách" để đi
Những người trẻ chọn khởi nghiệp khi nguồn vốn và kinh nghiệm không nhiều đương nhiên gặp khó. Nhưng với Đây, nhìn theo hướng tích cực thì khởi nghiệp khi còn sinh viên thì "không có gì để mất", đó là lợi thế thúc đẩy bộ óc phát huy hết sáng tạo để giải quyết những vấn đề xã hội.
Chàng trai trẻ cho rằng trong bối cảnh nhiều người sản xuất tiểu thủ công nghiệp mới ở mức quy mô nhỏ và hướng tới con đường tự động hóa như ở nước ta, có rất nhiều dư địa trong lĩnh vực chờ khám phá.
Đó là cơ hội rất lớn cho những doanh nghiệp non trẻ như công ty của Đây.
Những công trình như bộ máy làm tương ớt từ khâu thu hoạch cho đến khi thành phẩm, cân nhập dữ liệu tự động, máy rang ngũ cốc... được ra đời liên tục, gắn với đời sống sản xuất nông nghiệp.
"Xã hội thì luôn có vấn đề cần giải quyết. Ai đưa ra được giải pháp thì người đó có tiền. Đó là khởi nghiệp. Trước mắt với công ty nhỏ thì nên làm cái xã hội cần chứ không làm cái mình có. Mà cái họ cần, giúp họ giải quyết việc riêng thì khả năng cao là bán được. Đó là khác biệt của mình với những công ty lớn, đó cũng là "ngách" để đi" - Đây nói.
Với các tiếp cận như thế, Đây coi vấn đề của khách hàng là nguồn thông tin để mình tìm tòi, nghiên cứu để cho ra các sản phẩm.
Đi từ nhỏ đến to, hiện nay ngoài việc nhận đơn hàng trực tiếp từ các hộ sản xuất tiểu thủ công, công ty của Đây đang là đối tác cung cấp các dịch vụ về bộ điều khiển và vi mạch cho một số công ty ở miền Trung.
Hiện Lê Văn Đây là chủ tịch JCI Đà Nẵng (JCI - Junior Chamber International), một tổ chức tham gia tích cực các hoạt động cổ vũ những công dân trẻ trong khu vực phát triển bản thân và tham gia phục vụ cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận