21/05/2018 09:28 GMT+7

Thiết bị chống bắt cóc trẻ em của sinh viên

TRƯỜNG TRUNG
TRƯỜNG TRUNG

TTO - Làm thế nào bảo vệ con nhỏ từ xa trước những tình huống bị bắt cóc, đi lạc, tai nạn ngoài ý muốn? Làm thế nào phụ huynh biết được tình hình con nhỏ khi ở xa vòng tay cha mẹ?

Thiết bị chống bắt cóc trẻ em của sinh viên - Ảnh 1.

Lê Văn Đây với sản phẩm của mình - Ảnh: TR.TRUNG

Những câu hỏi này khiến Lê Văn Đây (sinh viên năm 4 khoa cơ khí, ĐH Bách khoa Đà Nẵng) bóp trán suy nghĩ. Sau nhiều lần mày mò, Đây trả lời bằng một sản phẩm tích hợp trên đôi giày có thể giải quyết được những tình huống trên.

Ám ảnh nạn bắt cóc trẻ em

"Tôi bị ám ảnh bởi vụ việc bé Nhật Linh ở Nhật bị bắt cóc rồi sát hại. Ban đầu tôi nghĩ tại sao không trang bị những thiết bị định vị gắn lên cặp sách hoặc đồng hồ cho bé để cha mẹ không phải mất công tìm kiếm. Nhưng khi suy đi tính lại, tôi vẫn thấy đôi giày là vật dụng theo suốt với trẻ con hơn cả" - Đây chia sẻ.

Đưa ra một vật nhỏ hơn lòng bàn tay được bọc kín, Đây giới thiệu đó là phần thông minh của đôi giày. Thiết bị này được Đây thiết kế cứng, nhỏ gọn để có thể gắn dưới đế giày.

Bên trong có chip xử lý, bộ định vị GPS, kết nối sim điện thoại. Khi được kích hoạt, thiết bị liên tục ghi nhận tọa độ và phát cảnh báo với thời gian cài đặt 45 phút/lần về điện thoại đăng ký.

Nhưng nếu cha mẹ không an tâm về con nhỏ, muốn biết con mình ngay lúc này đang ở đâu thì phải làm sao?

Đây cho biết ngoài khoảng thời gian 45 phút báo tin cố định trên, nếu bố mẹ muốn biết thông tin của con chỉ việc gửi tin nhắn tới, thiết bị sẽ báo cáo chính xác. Trong trường hợp mất sóng, thiết bị sẽ lưu lại tọa độ GPS cuối cùng nhận được.

Đây phân tích: "Khi chọn lựa vật dụng thích hợp mà các bé hay dùng, tôi thấy gắn cho giày là rất hợp lý. Ngoài việc có kích cỡ thích hợp để "ngụy trang", mình cũng bố trí thêm một vị trí bên hông thiết bị.

Nếu bé gặp bất trắc cứ dùng chân bên kia đá vào chỗ này ba cái liên tục, thiết bị sẽ ghi nhận như đó là tín hiệu cấp cứu khẩn cấp báo cho cha mẹ".

Không những vậy, trong trường hợp cha mẹ muốn giám sát con cái, thiết bị của Đây còn giải được "bài toán" này. Thiết bị cho phép số đăng ký có thể gọi tới, lúc đó đôi giày sẽ tự động bắt máy và ghi âm cuộc gọi...

Bằng cách này, cha mẹ có thể chủ động quản lý con cái hoặc tăng cường giám sát những diễn biến xung quanh con nhỏ. Hiện nay với phiên bản thiết kế mới nhất, thiết bị của Đây có tính năng cho phép hoạt động liên tục trong 15 giờ với thời gian sạc đầy tầm 2 tiếng.

Khả năng ứng dụng thực tiễn cao

Chị Phạm Thị Phương - một phụ huynh có con nhỏ - cho rằng nếu sản phẩm trở thành thương phẩm trên thị trường, chị sẽ trang bị ngay cho con mình. Có 2 con nhỏ trong độ tuổi học cấp I rất hiếu động, không ít lần chị toát mồ hôi vì con mê đi chơi.

"Nếu có đôi giày được gắn định vị, mình an tâm phần nào vì có thể biết được con đang ở đâu, đang tiếp xúc với môi trường nào. Trường hợp nào mình cũng là người chủ động"- chị Phương nói.

Với thiết bị này, Đây vừa đoạt giải trong cuộc thi nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Nhưng từ ý tưởng đến thương phẩm còn rất xa. Đây nhìn nhận cái khó nhất của sản phẩm hiện nay vẫn phải là gọn và... tinh gọn hơn nữa.

"Hiện nay các tính năng của sản phẩm đã cơ bản đáp ứng được các đặc tính thông minh và công dụng. Nhưng cái khó là đưa thiết bị nhỏ hơn nữa để vừa vặn kích cỡ giày mà vẫn đảm bảo các tính năng sạc không dây và độ bền để chịu được trọng lực cơ thể", Đây nói.

TS Nguyễn Danh Ngọc - giảng viên khoa cơ khí ĐH Bách khoa Đà Nẵng - đánh giá những sáng chế của Đây rất có tiềm năng thành thương phẩm do khả năng ứng dụng vào thực tiễn rất cao. Đặc biệt quá trình tự học, tự mày mò của Đây chính là chìa khóa thực tiễn cho những sáng chế đoạt giải.

"Đây là một sinh viên nắm rất chắc kỹ thuật và tinh thần học hỏi rất cao. Nhờ ăn nằm thường xuyên với máy móc mà hiện nay có nhiều bạn sinh viên tìm đến Đây như một "kênh" học tập và tự nghiên cứu" - TS Ngọc nói.

"Cây săn giải" của khoa

Từ khi vào năm 1, Đây đã bắt tay chế tạo ra rất nhiều máy móc phục vụ nông nghiệp thông minh như máy gieo hạt, sản phẩm thay thế nông cụ như máy rang sấy ngũ cốc bán tự động, dây chuyền làm tương ớt, máy tách hạt đậu...

Một trong số những sản phẩm này đã được các cơ sở sản xuất mua về sử dụng giúp chàng sinh viên có thêm động lực theo đuổi đam mê sáng tạo. Không chỉ vậy, phòng trọ 20m2 của Đây còn là nơi lui tới thường xuyên của những sinh viên có cùng đam mê khoa học.

Với rất nhiều sáng chế của mình, Đây được bạn bè ví như cây săn giải thưởng của khoa. Ngoài nhiều giải thưởng sáng tạo cấp trường và cấp ĐH Đà Nẵng, năm 2017 sáng chế "Simple watch -

Thiết bị định vị và giám sát sức khỏe người cao tuổi" của chàng sinh viên này từng giành giải nhất cuộc thi Tìm kiếm đại sứ truyền thông khoa học - FAMELAB 2017, khu vực miền Trung - Tây Nguyên do ĐH Đà Nẵng phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức.

Ứng dụng nhận biết mặt người của sinh viên Ứng dụng nhận biết mặt người của sinh viên

TTO - Công trình của Nguyễn Thành An và Nguyễn Phát Tài có thể ứng dụng trong an ninh, giám sát, tối ưu công cụ tìm kiếm từ kho dữ liệu hình ảnh...

TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên