
Ngâm chân trước khi đi ngủ 30-60 phút giúp ngủ ngon - Ảnh minh họa
Chị N.P.T. (40 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) kể trước đây chị bị mất ngủ, cứ khoảng 1-2h sáng chị thức giấc rồi nằm mãi mới ngủ lại được. Thức dậy lúc nào người chị cũng uể oải. Gần đây, trước khi đi ngủ 30 phút, chị ngâm chân với thảo dược, chị lại ngủ ngon.
Liệu có phải ngâm chân trước khi ngủ là một bí quyết giúp ngủ ngon?
Bàn chân là "trái tim thứ hai" của con người
Bác sĩ CK2 Ngô Thị Bạch Yến, trưởng đơn vị điều trị - chăm sóc da, khoa khám bệnh - Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cho hay trong nhịp sống hiện đại, mất ngủ đã trở thành một vấn đề phổ biến với nhiều nguyên nhân như: căng thẳng kéo dài, sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ, thói quen sinh hoạt không điều độ...
Trong khi nhiều người tìm đến thuốc ngủ hoặc các biện pháp y học hiện đại thì y học cổ truyền đưa ra một phương pháp đơn giản là: ngâm chân trước khi ngủ.
Ngâm chân thảo dược là phương pháp của y học cổ truyền dùng các thảo dược để ngâm chân, từ đó có tác dụng chữa bệnh và phòng bệnh, phù hợp với người cao tuổi, người ít vận động như dân văn phòng, hay người bị mắc các bệnh viêm khớp, rối loạn giấc ngủ, các chứng lạnh trong người.
Không chỉ là một nét văn hóa, việc ngâm chân còn được ghi chép lại trong nhiều tài liệu y học cổ truyền, như Hoàng đế nội kinh - một trong những kinh điển của y học phương Đông.
Theo y học cổ truyền, bàn chân là "trái tim thứ hai" của con người, nơi tập trung nhiều huyệt đạo quan trọng kết nối với lục phủ ngũ tạng. Ngâm chân giúp kích thích tuần hoàn máu, điều hòa khí huyết, thư giãn thần kinh và đặc biệt hỗ trợ giấc ngủ sâu.
Không phải ai cũng nên ngâm chân
Thảo mộc ngâm chân tác động trực tiếp lên các huyệt vị theo kinh lạc làm cho khí huyết trong cơ thể được lưu thông, giúp hỗ trợ tuần hoàn máu, đặc biệt tốt cho người hay lạnh chân, rối loạn tuần hoàn.
Ngâm chân kích thích các cơ quan trong cơ thể hoạt động điều khiển hệ miễn dịch giúp cân bằng lại trạng thái cơ thể. Nhiệt độ ấm và tinh dầu giúp hệ thần kinh thư giãn, dễ đi vào giấc ngủ sâu.
Khi ngâm chân cảm giác thư giãn từ đôi chân lan tỏa ra toàn thân, giảm stress, giảm đau nhức xương khớp. Một số loại thảo dược cho vào nước ngâm chân giúp thải độc cơ thể, cải thiện da dẻ, làm chậm quá trình lão hóa, trẻ lâu.
Ngâm chân thảo dược còn hiệu quả trong các bệnh lý như viêm gân gót, viêm cân gan bàn chân, gai gót chân, lạnh chân, lạnh trong người, rối loạn giấc ngủ.
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng theo bác sĩ Bạch Yến, không phải ai cũng nên ngâm chân hoặc cần thận trọng trong một số trường hợp.
Đó là những người bị suy giãn tĩnh mạch nặng, khi ngâm chân nước nóng có thể làm tình trạng nặng hơn. Người mắc bệnh đái tháo đường muốn ngâm chân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ vì người bệnh dễ bị tổn thương da chân do giảm cảm giác.
"Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu nên hạn chế ngâm chân nước nóng vì có thể ảnh hưởng đến tuần hoàn và huyết áp. Khi đang sốt cao, mệt mỏi, hoặc mới ăn no, không nên ngâm chân ngay sau đó. Những người bị bệnh lý ngoài da tổn thương, lở loét, các bệnh lý chấn thương như gãy xương cũng không nên ngâm chân", bác sĩ Yến khuyến cáo.
Ngâm chân như thế nào là đúng cách?
Theo bác sĩ Yến, thời điểm ngâm chân lý tưởng là vào buổi tối, khoảng 30-60 phút trước khi đi ngủ là thời điểm vàng để ngâm chân. Mỗi lần ngâm từ 15-20 phút là vừa đủ.
Nên dùng nước ấm từ 38-43 độ C, nước ấm vừa phải, không quá nóng.
Mực nước nên ngập mắt cá chân hoặc lên đến giữa bắp chân để đạt hiệu quả tối đa.
Thêm gì vào nước ngâm chân?
Lấy 1-2 củ gừng tươi giã nhỏ cho vào nước ngâm chân giúp làm ấm cơ thể, kích thích lưu thông khí huyết, tốt cho người hay lạnh chân, mất ngủ.
Thêm muối hạt vào nước ngâm chân có tác dụng sát khuẩn nhẹ, làm sạch da, giảm đau nhức.
Hoặc có thể thêm bột, thuốc ngâm chân thảo dược vào nước ngâm chân. Những loại bột, thảo dược này thường chứa các loại như quế, đinh hương, xuyên khung, đại hồi… tiện lợi và hiệu quả.
Có thể cho thêm tinh dầu như oải hương, bạc hà, tràm vào nước ngâm chân giúp thư giãn tinh thần, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận