Tình trạng này cũng diễn ra tại nhiều nơi khác khi có không ít công trình sai phạm nhưng vẫn được tồn tại.
Đại biểu NGÔ TRUNG THÀNH (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Làm nghiêm một lần để răn đe
Hiện nay, trong quản lý xây dựng việc "phạt cho tồn tại" hay "phạt xong vẫn y nguyên" diễn ra rất nhiều. Điều này cho thấy có vấn đề trong khâu thực hiện pháp luật. Không thể để tình trạng "phạt cho tồn tại" mà chúng ta phải kiên quyết để pháp luật phải được thực hiện nghiêm minh.
Tức là phạt xong phải kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục, yêu cầu chủ đầu tư các công trình phải khôi phục tình trạng ban đầu hay khắc phục những sai phạm, bất cập. Trường hợp cấp phép 6 tầng mà anh xây lên 8 - 9 tầng thì ngoài phạt phải yêu cầu chủ đầu tư cắt, phá bỏ các tầng xây sai.
Khi chính quyền địa phương làm nghiêm minh một lần chắc chắn tự khắc về sau không ai dám vi phạm nữa. Hiện nay chúng ta đang tiến hành sửa đổi Luật Nhà ở, do đó đối với tất cả các công trình xây dựng, tôi cho rằng phải đưa vào các quy định của pháp luật để quản lý.
Từ các công trình xây dựng nhà ở dưới hình thức bán căn hộ hay kinh doanh phòng trọ đều phải được quản lý, bởi liên quan đến quyền lợi, an toàn của người dân. Quan trọng nhất là phải tìm ra giải pháp quản lý để đảm bảo cho người dân có chỗ ở an toàn.
KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM (nguyên giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội):
Sai phải điều chỉnh ngay
Thời gian qua do chưa hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nên còn lỗ hổng dẫn đến một số chủ đầu tư lợi dụng để biến nhà ở riêng lẻ thành nhà ở dạng chung cư mini.
Cùng với đó, sau khi xây dựng các nhà ở riêng lẻ hoặc khi chính thức có tên "chung cư nhỏ" nhưng lại thiếu việc kiểm tra, giám sát, kể cả thẩm định, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy cũng thiếu do chưa đủ cơ sở pháp lý.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng thiếu kiểm tra, giám sát các chung cư mini. Hiện nay, do vấn đề liên quan đến chung cư mini đã tồn tại nhiều năm nên việc cần làm hiện nay là phải rà soát, khảo sát toàn bộ các công trình để phát hiện các sai phạm, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp.
Đối với vấn đề "phạt cho tồn tại" cần nhìn nhận trên góc độ cơ chế, chính sách của Nhà nước. Ở đây, chính do các cơ chế, chính sách còn lỏng nên mới dẫn đến việc "phạt cho tồn tại". Bởi có những quy định trong xây dựng như làm sai giấy phép thì phải xin thay đổi giấy phép. Nếu đúng phạm vi có thể cho điều chỉnh, tồn tại.
Còn khi làm sai so với giấy phép quá nhiều, sai so với quy hoạch, vi phạm trầm trọng quy trình xây dựng thì không thể "phạt cho tồn tại" được. Như vậy, cần phải nhìn một cách đồng bộ và thấy rõ không phải cái gì "phạt cho tồn tại" cũng sai.
Cần phải nói vấn đề "phạt cho tồn tại" còn có trách nhiệm của các cơ quan quản lý và chính các chủ đầu tư. Do đó, phải xem xét từng trường hợp cụ thể để xử lý.
GS.TS ĐẶNG HÙNG VÕ (chuyên gia quản lý tài nguyên):
Cái sai từ thực thi pháp luật
Thực trạng xử phạt rồi cho công trình tồn tại đã có từ lâu và phổ biến. Trong khi theo quy định xử lý vi phạm hành chính thì đối với công trình vi phạm, ngoài hình thức xử phạt chính là phạt tiền thì phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (gồm buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm; buộc khôi phục tình trạng ban đầu trước khi vi phạm...).
Nguyên nhân của thực trạng trên là do người có thẩm quyền không xử lý nghiêm đúng theo quy định pháp luật. Có tình trạng xử phạt với hình thức phạt tiền rồi xong mà không áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ, khôi phục tình trạng ban đầu.
Hoặc thậm chí là nhận phong bì để làm ngơ hoặc chỉ dẫn cho chủ nhà "chạy" để hợp thức hóa vi phạm... Cách xử lý này đã khiến hiệu quả xử lý vi phạm không đủ sức răn đe, phòng ngừa vi phạm. Việc này làm tăng thêm hành vi vi phạm xây dựng với tâm lý yên tâm rằng cứ chịu phạt tiền, rồi chạy chọt là xong.
Thực trạng này cần chấn chỉnh, chấm dứt. Không thể để cái sai ngay trong việc thực thi pháp luật quay lại bảo vệ cho hành vi vi phạm. Việc nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội nói mỗi công trình vi phạm xây dựng đều có chống lưng là có cơ sở.
Sai đâu phải xử đấy
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Nghị, nguyên bí thư Thành ủy Hà Nội, cho rằng trên thực tế ở Hà Nội có rất nhiều công trình vi phạm như chung cư mini vừa xảy ra cháy ở Khương Hạ. "Cái nào không may rủi ro cháy mới phát hiện, còn các nhà đồng dạng với nhà chung cư mini như ở Khương Hạ chắc còn nhiều", ông Nghị nói.
Đối với các nhà như chung cư mini ở Khương Hạ, theo ông Nghị, các chủ đầu tư có lỗi lớn nhất khi cố ý làm sai thiết kế, giấy phép. Rồi sử dụng sai mục đích như khi xin phép làm nhà để ở nhưng xây xong rồi lại đưa vào bán nhà chung cư mini, không đảm bảo các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
"Tuy nhiên, thực tế có câu chuyện để chủ đầu tư làm được như vậy ở mức nhẹ là có sự làm ngơ hoặc không xử lý của chính quyền. Còn mức hơn nữa là có sự thỏa thuận, thỏa hiệp, chống lưng", ông Nghị nói và nhấn mạnh việc cần xử lý nghiêm khắc những cán bộ để công trình vi phạm tồn tại. Ông Nghị cũng nhắc lại việc thời kỳ ông còn công tác không chấp nhận việc "phạt cho tồn tại" mà "sai đâu xử đấy".
Pháp luật không quy định "phạt cho tồn tại"
Các chuyên gia đã khẳng định như trên, vì phạt là phạt, không thể có chuyện phạt rồi cho tồn tại hay hợp thức hóa.
Thạc sĩ NGUYỄN NHẬT KHANH (giảng viên Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):
Không có cơ sở pháp luật để "phạt cho tồn tại"
Theo quy định hiện nay, công trình phải xây dựng trên đất có mục đích sử dụng phù hợp. Nếu công trình xây dựng không đúng theo mục đích sử dụng đất thì đó là hành vi vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Tiếp theo là những công trình xây dựng vi phạm với hai trường hợp phổ biến đó là xây dựng không phép (tự ý xây dựng mà không xin phép) và sai phép (xây vượt quá nội dung cấp phép). Vụ chung cư mini bị cháy ở Hà Nội là xây sai phép vì được cấp phép xây 6 tầng lại xây đến 9 tầng.
Các hình thức vi phạm trên sẽ bị xử lý như: công trình đang thi công bị cơ quan chức năng phát hiện xây dựng không phép hoặc sai phép thì phải buộc ngừng thi công.
Trường hợp công trình vi phạm xây dựng trên thửa đất không phù hợp quy hoạch thì phải xử phạt và buộc chủ nhà thực hiện các thủ tục để xin cơ quan chức năng cấp phép (nếu chưa có phép) hoặc xin điều chỉnh giấy phép cho phù hợp (nếu xây sai phép). Sau khi được cấp phép hoặc điều chỉnh giấy phép thì chủ nhà mới được tiếp tục xây dựng theo đúng giấy phép được cấp.
Đối với công trình vi phạm mà đã xây dựng xong vào thời điểm cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì phải xử phạt và buộc phá dỡ. Như vậy, soi chiếu quy định pháp luật thì việc "phạt cho tồn tại" là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
Đại biểu TRỊNH XUÂN AN (ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội):
Phạt là phạt, sao có chuyện cho tồn tại
Về quan niệm "phạt cho tồn tại" là cách nói nôm na, còn về mặt pháp lý hoàn toàn không có việc này. Phạt là phạt. Ứng xử với pháp luật phải rõ ràng, có chế tài, nghiêm minh chứ không thể nào phạt cho tồn tại được.
Trong vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ cho thấy rõ ràng việc cấp phép xây dựng, quản lý của chính quyền chưa tốt. Tuy nhiên, rõ ràng ở đây có vấn đề là hệ thống của chúng ta chưa xử lý được một cách căn bản, dẫn đến cứ khi xảy ra sự cố mới rà soát, đánh giá.
Do đó cần phối hợp nhiều chính sách khác nhau từ nhà ở, công tác đầu tư quy hoạch, quản lý, an sinh...
Sau vụ cháy này, điều quan trọng nhất mà các cơ quan chức năng đang làm là tổng rà soát để thấy rõ xem có bao nhiêu chung cư mini trên địa bàn, thực trạng các chung cư này hiện nay ra sao, vấn đề phòng cháy thế nào...
Ở đây cần phải xác định rõ dù chưa xử lý được, chưa đập đi hay chưa cấm được thì phải quản lý được. Cùng với đó, trước mắt, khi chưa xử lý được các chung cư mini vi phạm về phòng cháy thì cần làm các bước một.
Trong đó, cần thực hiện đúng quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy về việc xử lý các công trình trước khi luật có hiệu lực. Đồng thời, cần siết chặt các quy định về phòng cháy chữa cháy và với các công trình làm sai như ở chung cư mini tại Khương Hạ từ 6 tầng mà tự nâng lên 9 tầng phải xác minh xem sai từ đâu, xử lý nghiêm minh.
Vụ việc này cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho tất cả các chủ chung cư mini, chủ nhà có nhiều căn hộ cho thuê. Không thể để hàng trăm người vào một chỗ ở rồi phó mặc chỗ ở cho họ vào trong may rủi được.
Phú Quốc: khó cỡ nào cũng xử lý xây trái phép
Ngày 19-9, UBND TP Phú Quốc thông tin các bungalow xây dựng trái phép ở Khu bảo tồn biển Phú Quốc cơ bản đã được xử lý và còn dãy bungalow Rocks Beach Boutique (khoảng 9 căn) ở xã Hàm Ninh chưa dỡ vì vướng thủ tục pháp lý. Quan điểm của địa phương là sẽ tháo dỡ hết để trả lại hiện trạng ban đầu cho Khu bảo tồn biển Phú Quốc.
Liên quan đến 79 căn biệt thự xây dựng trái phép ở ấp Đường Bào, ngày 26-3-2020, UBND xã Dương Tơ phát hiện 16 căn biệt thự xây dựng trái phép ở khu đất gần 19ha này - đây là đất Nhà nước quản lý. Sau đó, Tổ công tác đặc biệt Kiên Giang phát hiện khu đất này đã mọc lên 79 căn biệt thự trái phép.
Ngày 15-9-2022, UBND xã Dương Tơ có quyết định xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng đối với hai chủ hộ căn biệt thự trong số những căn biệt thự xây trái phép trên, gồm ông Vũ Đình Khánh và ông Lâm Xuân Hồng.
Trước đó ngày 11-9-2022, UBND TP Phú Quốc đã quyết định cưỡng chế hai căn biệt thự của ông Khánh và ông Hồng. Hơn một năm sau (ngày 18-9-2023), UBND TP Phú Quốc tiếp tục cưỡng chế thêm 14 căn biệt thự nữa.
Riêng tòa nhà 12 tầng trái phép ở xã Dương Tơ, ngày 16-5, UBND TP Phú Quốc ra quyết định cưỡng chế, buộc thực hiện khắc phục hậu quả đối với công trình trên. Địa phương buộc chủ đầu tư tháo dỡ công trình và khôi phục hiện trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm với phần diện tích 473m2.
Chủ đầu tư tòa nhà 12 tầng này đến nay cũng chưa ra mặt, bỏ trống và dừng xây dựng. UBND TP Phú Quốc báo cáo với Sở Xây dựng Kiên Giang xin thẩm định rồi lập dự toán chi phí, tháo dỡ công trình này đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn.
Ông Lê Quốc Anh - phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Kiên Giang - cho hay quan điểm của UBND tỉnh Kiên Giang là xử lý các công trình sai phạm ở Phú Quốc dứt điểm, đúng quy định và không có trường hợp ngoại lệ.
Đặc biệt, khu 79 căn biệt thự xây trái phép và tòa nhà 12 tầng ở ấp Cửa Lấp (xã Dương Tơ, TP Phú Quốc) phải xử lý. Khó cỡ nào địa phương cũng xử lý.
"Ban đầu tòa nhà 6 tầng nhưng sau này chắp nối thêm ra 12 tầng, địa phương cương quyết xử lý. Nếu không xử lý mà trong quá trình sử dụng sau này có sự cố gì sẽ gây tổn thất rất lớn về người, tài sản", ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Gian nan hơn 2 năm "cắt ngọn" khách sạn, căn hộ Mường Thanh
Quy hoạch chung TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2012, các công trình xây dựng tại đây cao tối đa là 40 tầng.
Tháng 9-2014 UBND tỉnh Khánh Hòa cấp phép cho DNTN xây dựng số 1 Điện Biên xây khách sạn, căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa 47 tầng và 2 tầng hầm, tại đầu cầu Trần Phú, bên biển Nha Trang.
Tháng 6-2015 tỉnh lại điều chỉnh dự án xây 48 tầng và 2 tầng hầm.
Thủ tướng Chính phủ đã bác đề nghị của tỉnh xin điều chỉnh "dỡ trần" quy hoạch 40 tầng.
Từ tháng 1-2016 UBND tỉnh yêu cầu DNTN xây dựng số 1 Điện Biên "không được xây dựng vượt quá 40 tầng" và "khẩn trương lập phương án điều chỉnh kiến trúc công trình cho phù hợp với chiều cao tối đa 40 tầng". Nhưng chủ dự án đã "đạp trần" xây luôn lên đến 43 tầng.
Tháng 9-2016 Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa thu hồi giấy phép xây dựng và phụ lục điều chỉnh giấy phép đã cho xây 48 tầng, chỉnh lại còn 40 tầng và 2 tầng hầm.
DNTN xây dựng số 1 Điện Biên không tự tháo dỡ các tầng từ 41 đến tầng 43.
Khi UBND tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị cưỡng chế, chủ dự án "xuống nước", chấp hành xin tự khắc phục.
Tháng 8-2018 doanh nghiệp đề xuất phương án và đã tháo dỡ các sàn xây vượt từ trên tầng 40 trở lên, phá dỡ hoàn toàn các tầng 42, 43 và hoàn thiện công trình khách sạn, căn hộ Mường Thanh Khánh Hòa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận