08/01/2012 07:01 GMT+7

Cha mẹ và con trước "ngã ba đường"

(M.G.)
(M.G.)

TT - Khi con cái đứng trước ngưỡng cửa vào đời, phụ huynh cũng có lắm nỗi băn khoăn, lo lắng cho tương lai của con mình. Và những băn khoăn, lo lắng ấy đã được phụ huynh bày tỏ tại buổi tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp “Cùng con chọn nghề” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 7-1-2012.

328I45Ra.jpgPhóng to
Bà Trương Thị Thủy ngồi bên cạnh gạt nước mắt khi nghe con là em Thúy Uyên bày tỏ nỗi lòng với một niềm đam mê nghề bếp: “Con học chuyên khối A ba năm rồi. Cha mẹ phản đối quyết liệt nên mong quý thầy cô cho con một lời khuyên”- Ảnh: THANH ĐẠM

Nhiều mâu thuẫn, thậm chí xung đột, giữa cha mẹ và con cái cũng được ban tư vấn “đưa lên bàn mổ”. Không ít trường hợp con cái muốn chọn ngành thời thượng, nhưng cha mẹ muốn con chọn nghề an nhàn, lương cao. Cũng có nhiều trường hợp tranh cãi giữa con cái và cha mẹ kéo dài suốt nhiều tháng nay và vẫn chưa kết thúc mặc dù kỳ thi đang đến rất gần.

Chọn hướng vào đời

Câu chuyện của bạn Thúy Uyên, học sinh Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM và mẹ đã tạo nhiều xúc cảm khó tả cho ban tư vấn chương trình. Hai mẹ con cùng đến dự chương trình, Uyên đã mạnh dạn bày tỏ nỗi lòng của mình để ban tư vấn, các phụ huynh khác và mẹ cùng chia sẻ. Uyên cho biết: bạn học khối A, ngoại ngữ tốt, từ bé đến giờ chỉ trừ năm lớp 10 là học sinh tiên tiến, còn lại 10 năm danh hiệu học sinh giỏi. Bạn đam mê với nghề bếp và có một ít năng khiếu nấu nướng, muốn trở thành đầu bếp. Nhưng cha mẹ lại mong muốn bạn phải học ĐH...

Lắng nghe con, bà Trương Thị Thủy, mẹ Uyên, ngồi bên cạnh đưa tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má. Và trong phần tư vấn riêng, bà cho biết đây không phải lần đầu tiên Uyên bày tỏ ý định từ chối con đường vào ĐH, gia đình cũng không cấm Uyên học nghề bếp nhưng vẫn muốn Uyên học ĐH để có thêm kiến thức cho công việc tương lai.

Với học lực của Uyên, cửa vào ĐH không quá khó. Trong khi đó, ngồi ở một góc khác Uyên cũng khóc khi bày tỏ: “Hiện tại em chỉ có ước muốn làm nghề bếp, không thích những công việc văn phòng nhưng ba mẹ không hiểu cho em...”.

Hôm nay, tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Bình Phước

Từ 7g30-11g30 sáng nay 8-1, Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2012 sẽ diễn ra tại Trường THPT Đồng Xoài, 901 quốc lộ 14, phường Tân Bình, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Chương trình do Bộ GD-ĐT, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Bình Phước tổ chức.

Tại chương trình, sau phần tư vấn chung về các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, hướng nghiệp, học sinh quan tâm đến nhóm ngành nào sẽ tham gia ở khu vực nhóm ngành đó. Ban tư vấn sẽ giải đáp tối đa thắc mắc của học sinh liên quan đến các ngành nghề cụ thể. Toàn bộ nội dung chương trình được tường thuật trực tuyến trên Tuổi Trẻ Online tại địa chỉ: tuoitre.vn.

Chia sẻ những tâm tư của Uyên, TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, hướng bạn đến với ngành kinh tế gia đình, một ngành học ở bậc ĐH phù hợp với nghề nữ công gia chánh, “khéo tay hay làm”.

TS tâm lý Đinh Phương Duy dẫn ra tấm gương thành đạt từ nghề bếp.Không phải lúc nào cha mẹ và con cái cũng dễ dàng có tiếng nói chung khi chọn nghề vào đời. Và giải quyết “xung đột” này giữa cha mẹ và con cái như thế nào cũng là mối bận tâm của nhiều gia đình. Làm sao để giải tỏa mâu thuẫn chọn ngành nghề giữa con cái và cha mẹ?

TS Đinh Phương Duy cho rằng việc chọn lựa ngành nghề là việc của chính các em. Mặc dù cha mẹ lúc nào cũng muốn điều tốt cho con mình, nhưng nếu mong muốn của người thân và ước mơ của mình không trùng khớp nhau thì chính các em phải quyết định. Để thuyết phục được bố mẹ, ngoài việc tham khảo thêm ý kiến nhiều người xung quanh (thầy cô, bạn bè), các em cũng cần thử khảo sát xem mình hợp ngành nghề nào. Sau đó mới có đủ thông tin để trình bày lý do chính đáng vì sao mình chọn nghề đó, triển vọng nghề đó như thế nào... để thuyết phục cha mẹ.

TS Lê Thị Thanh Mai, ĐHQG TP.HCM, đồng quan điểm: phụ huynh nên tôn trọng sự lựa chọn của các em. Phụ huynh đóng vai trò tư vấn, tạo điều kiện cho các em bộc lộ mong muốn ước mơ của mình, làm được điều đó chính là thành công của các bậc cha mẹ.

TS Nguyễn Kim Quang chia sẻ: “Trong quá trình chọn nghề, chọn trường, học sinh bị tác động rất nhiều từ bên ngoài. Chọn nghề, trước hết vì đam mê của bản thân và phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn đó. Nếu học tốt sau này có thể học thêm bằng hai ngành nghề khác (như kinh tế, luật chẳng hạn) để hỗ trợ cho công việc hoặc dễ chuyển lĩnh vực làm việc khi xã hội thay đổi. Phụ huynh cố gắng giúp con em hạn chế việc “nhiễu thông tin” khi chọn ngành. Nên chọn ngành nghề phù hợp sở trường và có khả năng trúng tuyển.

Trăm nỗi băn khoăn

Ông Đặng Thanh Chiêu, phụ huynh một học sinh Trường THPT Nguyễn An Ninh, đặt câu hỏi con ông đam mê hội họa và muốn thi vào ngành kiến trúc nhưng ông vẫn băn khoăn không biết có nên cho con thi thêm những ngành “dự bị” nào khác ngoài ngành kiến trúc hay không.

“Hôm trước tôi gặp một thanh niên học về thủy lợi, ra trường đã năm năm nhưng không xin được việc. Nhiều người tìm được việc làm bằng quan hệ, tiền bạc chứ không phải bằng năng lực nên tôi cũng lo và mong nghe các thầy cô ở ban tư vấn một lời khuyên”.

Nhiều ý kiến quan tâm đến việc chọn nghề phù hợp giới tính. “Nữ chọn học kỹ thuật có phù hợp không?”. Thắc mắc này đã được thầy Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, và thầy Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chia sẻ: các ngành kỹ thuật trước nay rất ít sinh viên nữ nhưng nay ngày càng nhiều nữ chọn nhóm ngành này. Và nữ kỹ sư thật sự có nhiều thuận lợi khi tuyển dụng nếu học tốt các ngành kỹ thuật.

Một phụ huynh có con học Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai chờ đến phút cuối để được tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy tư vấn về việc con không chịu chia sẻ với mình trong chuyện chọn ngành, chọn trường, “không biết làm sao để nói chuyện với con”.

Tiến sĩ Duy khuyên: “Cái khúc mắc nhất ở đây chính là quan hệ giữa bố mẹ và con cái. Gia đình nên tạo điều kiện cho con quan tâm tới cha mẹ hơn. Anh cũng không nên quá lo lắng vì có thể cháu đã có những lựa chọn của mình rồi nhưng chưa muốn nói ra. Mặt khác, anh cứ chủ động cung cấp cho con những thông tin về ngành nghề mà anh chọn và những bài trắc nghiệm về năng lực, hướng nghiệp”.

Tránh ba sai lầm

Tiến sĩ tâm lý Đinh Phương Duy cho rằng sai lầm mà học sinh thường gặp trước ngưỡng cửa chọn ngành, chọn nghề gồm: Thứ nhất, học sinh không biết lượng sức mình, không biết mình là ai, không nắm được khả năng thật sự của mình, nhiều bạn ảo tưởng về bản thân. Thứ hai, học sinh không có chính kiến, bị tác động bởi bạn bè, trào lưu... Thứ ba, học sinh không xác định được mục tiêu rõ ràng rằng mình sẽ trở thành một người như thế nào.

Từ ba ý trên, tiến sĩ Duy khuyên phụ huynh nên gần gũi con cái để định hướng cho con tìm một nghề thích hợp, tránh rơi vào những lựa chọn không phù hợp trước những ngưỡng cửa quan trọng của cuộc đời.

Phụ huynh cần cố gắng gần gũi với con để cháu bộc lộ mong muốn của mình. Khi con bộc lộ ý muốn, phụ huynh qua hiểu biết của mình có thể xem xét ngành nào phù hợp kinh nghiệm sống của gia đình, điều kiện kinh tế và sức học phù hợp với loại hình công việc nào. Đôi khi học sinh có tiềm năng nhưng chưa bộc lộ. Do đó có thể tìm hiểu qua các bài kiểm tra trắc nghiệm sở thích. Từ đó phụ huynh có thể định hướng được ngành nghề phù hợp.

(M.G.)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên