27/07/2022 09:36 GMT+7

'Cha, anh đã hy sinh, tụi con phải sống tốt'

KIM ANH
KIM ANH

TTO - "Mẹ ơi, chúng con đến thăm mẹ nè. Mẹ khỏe không?". Vừa bước vào nhà, các bạn trẻ đã rổn rảng hỏi thăm mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ánh (95 tuổi), ở phường 10, quận 6 (TP.HCM).

Cha, anh đã hy sinh, tụi con phải sống tốt - Ảnh 1.

Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ánh (95 tuổi) kể cho các bạn trẻ nghe chuyện những ngày làm giao liên trong chiến tranh - Ảnh: K.ANH

Nhìn mấy bạn trẻ của Đoàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM vừa đến, mẹ Ánh với chất giọng Nam Bộ trả lời: "Tụi bây đến thăm là má vui rồi, khỏi cần quà cáp gì. Tuổi già có con cháu đến chơi, nói chuyện khuây khỏa dữ lắm. Bữa nay mưa lạnh nhưng nhà má ấm áp vì có tụi con đến đó".

So với những hy sinh, mất mát mà các mẹ Việt Nam anh hùng đã trải qua, nhận phụng dưỡng cũng chỉ là việc nhỏ nhoi bày tỏ lòng tri ân của tuổi trẻ chúng tôi. Mong ở nơi an nghỉ, các anh cũng yên lòng.

Anh HUỲNH TẤN KHƯƠNG (Tổng công ty Điện lực TP.HCM)

Phụng dưỡng mẹ để các anh yên lòng

Tuổi 95, mẹ vẫn minh mẫn. Rồi mẹ ôm mấy đứa con là thợ điện trẻ đến thăm trong buổi chiều mưa nặng hạt. Ngồi giữa mấy đứa con, câu chuyện của thời tuổi trẻ vọng về. Là những ngày mẹ còn sống tại quê nhà Trà Vinh, gửi đàn con thơ cho người thân rồi đi làm giao liên, còn chồng đi hoạt động cách mạng.

Mẹ xoa xoa đầu gối: "Hồi đó bị địch bắt đi tù ba lần. Lần nào tụi nó cũng đánh xụi cả chân tưởng đi không nổi nhưng má không chịu khai. Không khai thác được gì, chúng thả má về chứ chúng nó biết má có đàn con thơ mà".

Rồi hai con trai của mẹ cũng đi bộ đội. Khoảng năm 1960, mẹ nhận tin chồng hy sinh. Như chết lặng nhưng mẹ cố nuốt nước mắt vào trong, tiếp tục làm giao liên. Cuộc chiến vào giai đoạn khốc liệt năm 1968, người con trai đầu lòng của mẹ ra đi mãi mãi. Còn anh ba, sau một trận đánh ác liệt cũng trở thành thương binh.

Kể xong, mẹ quay qua các bạn trẻ dặn các con: "Cha ông đã hy sinh, tụi con còn trẻ phải cố gắng học tập để phát triển đất nước, để mọi người có cuộc sống hạnh phúc nha tụi con".

Anh Huỳnh Tấn Khương (bí thư Đoàn Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho biết đơn vị hiện đang phụng dưỡng hai mẹ Việt Nam anh hùng. Ngoài số tiền biếu mẹ mỗi tháng, gần như tháng nào rồi lễ, tết các bạn cũng đến thăm mẹ. Có lần, các bạn còn tự tay nấu bữa cơm rồi quây quần cùng ăn với mẹ Ánh.

Phục dựng di ảnh

Dịp 27-7 năm nay, các bạn trẻ TP.HCM cùng làm công trình "Phục hồi di ảnh mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng liệt sĩ tại địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM)". Hội sinh viên các trường đại học: Kiến trúc TP.HCM, Quốc tế Hồng Bàng, Mỹ thuật TP.HCM cùng các tình nguyện viên tại cổng thông tin tình nguyện trực tuyến Go Volunteer cùng làm.

Các bạn phối hợp cùng Đoàn thanh niên các xã của huyện Củ Chi khảo sát hơn 140 gia đình mẹ Việt Nam anh hùng và liệt sĩ trên địa bàn huyện. Và 68 di ảnh đã được phục dựng một cách chính xác nhất có thể.

Bạn Lê Gia Tuấn (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) kể các bạn chia nhau đi khảo sát và chụp lại hình ảnh của các mẹ, liệt sĩ đã bị hoen ố, hư hỏng theo thời gian. Có những bức đơn giản chỉ mất khoảng một giờ nhưng cũng có những ảnh nhiều chi tiết bị mất nên phải vẽ lại, rồi dùng photoshop để phục dựng, có khi cả ngày mới xong. 

"Cái khó nhất là những bức hình gần như mất hết chi tiết, chúng tôi phải dựa vào chi tiết của người thân để vẽ lại", Tuấn nói.

Như gia đình mẹ Đặng Thị Nớn (xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi) cần phục dựng cả sáu ảnh gồm ảnh của mẹ và năm ảnh liệt sĩ: Cao Văn Độ (chồng mẹ) cùng bốn con trai: Cao Văn Theo, Cao Văn Hạnh, Cao Văn Hiệp và Cao Văn Hưng. Đều là những bức hình đã quá hoen ố, có ảnh phai mất một bên mắt, các bạn dựa vào ảnh đôi mắt của người cha để phục dựng lại cho người con.

"Rất vui khi làm xong sáu di ảnh, người nhà xem xong ai cũng nói sao mà giống quá chừng. Đó cũng chỉ là một việc làm nhỏ để chúng mình góp chung trong những hoạt động đền ơn đáp nghĩa dịp này", bạn Mai Huỳnh Anh Hào (Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng) chia sẻ.

Sau khi hoàn thành, các bạn đều gửi lại cho gia đình xem, chính xác rồi mới in ra, lồng vào khung gỗ và mang đến tặng. "Vậy chứ không phải hình nào cũng được gia đình các mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ duyệt ngay đâu. Cũng có ảnh các bạn làm theo ảnh gốc nhưng không may ảnh gốc thiếu chi tiết nên cũng phải chỉnh sửa mấy lần mới ổn", Anh Hào nói.

Anh Nguyễn Đức Nguyên - phó chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, chỉ huy phó chiến dịch Mùa hè xanh 2022 - cho biết công trình "Phục hồi di ảnh mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng liệt sĩ tại địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM)" là một trong các phần việc ý nghĩa của tuổi trẻ nhân 75 năm Ngày thương binh - liệt sĩ năm nay.

"Chúng tôi xem đây là cơ hội giáo dục truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, về sự hy sinh, cống hiến của các mẹ Việt Nam anh hùng, liệt sĩ, thương bệnh binh, gia đình có công với cách mạng cho các bạn trẻ" - anh Nguyên nói.

Những ‘hóa thạch’ đẹp đẽ về người chiến sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng Những ‘hóa thạch’ đẹp đẽ về người chiến sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng

TTO - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam gọi những tác phẩm mỹ thuật trong triển lãm ‘Còn mãi với thời gian’ chính là những hóa thạch đẹp đẽ về hình tượng người chiến sĩ, liệt sĩ, là tiếng lòng của các nghệ sĩ về những người ngã xuống cho hòa bình.

KIM ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên