03/09/2018 14:14 GMT+7

Cây gậy viện trợ của Mỹ

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Viện trợ của Mỹ được ví như con dao hai lưỡi, có thể trở thành sự trừng phạt bất kỳ lúc nào. Pakistan và Palestine là hai ví dụ mới nhất cho chính sách này.

Cây gậy viện trợ của Mỹ - Ảnh 1.

Theo giới quan sát, Tổng thống Trump đã đưa làm ăn vào trong chính trị quốc tế - Ảnh: REUTERS

Lầu Năm Góc ngày 1-9 thông báo hủy bỏ khoản viện trợ 300 triệu USD cho Pakistan, cáo buộc chính quyền Islamabad không có hành động quyết đoán nhằm đối phó với những tay súng ẩn náu trên lãnh thổ nước mình.

Việc cắt viện trợ có thể làm xói mòn sự ảnh hưởng của Mỹ tại các nước nhưng lại phù hợp với chính sách của Tổng thống Donald Trump - người đã từng tuyên bố một đồng đôla Mỹ bỏ ra cũng phải đem về lợi ích cho nước Mỹ.

Cải tổ hoặc mất viện trợ

Cơ quan Cứu trợ và công tác Liên Hiệp Quốc cho người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA) là tổ chức được thành lập cách đây 68 năm, hỗ trợ cho khoảng 5 triệu người tị nạn Palestine tại Jordan, Libăng, Syria, khu Bờ Tây và dải Gaza.

Thông báo cắt viện trợ cho UNRWA được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 24-8. Người phát ngôn của bộ này, Heather Nauert, lý giải nguyên nhân chính xuất phát từ các hoạt động chi tiêu "đáng ngờ" của UNRWA và "cộng đồng những người thụ hưởng không giới hạn, không ngừng mở rộng".

Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ngày 29-8 tiếp tục thể hiện sự nghi ngờ về con số 5 triệu người Palestine thụ hưởng của UNRWA. "Nếu tổ chức này cải tổ những gì họ đang làm hay chí ít là đưa ra con số chính xác hơn về số người tị nạn, lúc đó chúng tôi sẽ xem xét lại" - bà Haley nói thẳng.

Quyết định cắt viện trợ của Mỹ thật sự là một cú sốc nặng với cơ quan đang còn thiếu hơn 217 triệu USD cho các hoạt động trong năm tới.

Đáp lại những lời chỉ trích của Mỹ, người phát ngôn của UNRWA Chris Gunness mô tả cơ quan này là "một lực lượng cho sự ổn định của khu vực", gọi quyết định cắt viện trợ của Washington là cực kỳ đáng tiếc.

Trao đổi với Hãng tin Reuters ngày 1-9, Ngoại trưởng Jordan Ayman Safadi cảnh báo hành động của Washington không có lợi cho tiến trình hòa bình Trung Đông, thậm chí tiếp sức cho sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực đoan tại khu vực. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia bất đồng với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong vấn đề Palestine, cũng chỉ trích Washington đã tự đánh mất vai trò của họ trong tiến trình xây dựng hòa bình khu vực.

Ở khía cạnh ngược lại, không ngạc nhiên khi quyết định của Washington nhận được sự hoan nghênh từ Israel.

Người Mỹ vốn nổi tiếng với việc áp dụng chính sách "Cây gậy và củ cà rốt", với cây gậy là sự trừng phạt nếu đi ngược lại lợi ích của Washington và củ cà rốt là phần thưởng cho việc tuân theo.

Tuy nhiên, cũng giống như hình ảnh con lừa chẳng bao giờ với tới củ cà rốt mà người ngồi trên lưng nó giơ trước mặt, đôi khi một quốc gia đã thuận làm theo ý của quốc gia khác nhưng “phần thưởng” thì chẳng bao giờ đạt được.

Gây sức ép để thay đổi

Việc Mỹ cắt khoản đóng góp dành cho UNRWA được xem là hệ quả của các chính sách ủng hộ Israel của ông Trump. Nhưng chuyện Mỹ cắt viện trợ quân sự 300 triệu USD dành cho Pakistan lại không xuất phát từ các chính sách chống Islamabad.

Giới phân tích chỉ ra rằng nó là hệ quả của việc Pakistan tiếp tục thiếu các hành động cứng rắn trong việc chống lại các nhóm vũ trang cực đoan trong khu vực và mối quan hệ ngày càng nồng ấm với Bắc Kinh.

Pakistan, quốc gia ngoài khối NATO nhận được viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ, đã bị ông Trump cáo buộc cung cấp nơi ẩn náu cho các phần tử gây bất ổn tại Afghanistan - nơi Washington đang sa lầy trong cuộc chiến đã bước sang năm thứ 17.

Hơn 33 tỉ USD đã được Mỹ chuyển cho Pakistan kể từ năm 2002, bao gồm 14 tỉ thuộc "Quỹ hỗ trợ liên minh" (CSF). Tổng cộng, kể từ đầu năm 2018 đến nay, 800 triệu USD vốn dự định được chuyển cho Pakistan theo diện CSF đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ giữ lại và nhận được sự phê chuẩn của quốc hội để sử dụng cho các mục đích khẩn cấp khác.

Giới quan sát nhận định trong bối cảnh nền kinh tế của Pakistan đang gặp khó khăn và việc quốc gia này vừa có thủ tướng mới là Imran Khan, Islamabad có thể sớm đi tới quyết định vay vốn từ Quỹ Tiền tệ quốc tế - định chế tài chính do Mỹ chi phối hoặc nhận sự hỗ trợ từ các quốc gia thân thiện với Pakistan, chẳng hạn như Trung Quốc.

Tân thủ tướng Khan, người đã từng đề nghị bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ nếu chúng đi vào không phận Pakistan, phản đối sự hiện diện quân sự không giới hạn của Washington tại nước này.

Trong bài phát biểu nhậm chức hồi tháng trước, ông Khan nói rõ ông muốn quan hệ "cùng có lợi" với Mỹ. Đó có thể xem là một tín hiệu từ tân chính quyền của Pakistan trong cuộc chơi với Mỹ.

Ông Donald Trump muốn kết liễu WTO? Ông Donald Trump muốn kết liễu WTO?

TTO - Trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg hôm 30-8, Tổng thống Mỹ Donald Trump không che giấu ý định sẽ rút khỏi Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nếu "họ không chịu thay đổi".

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên