02/02/2015 08:45 GMT+7

​Cầu nối lòng dân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TT - “Tôi thật may mắn. Đời làm báo chỉ làm phóng viên thôi, từ 1949 đến giờ, 66 năm rồi nên gắn sát và thấu hiểu người dân, có nhiều tài liệu, viết được nhiều bài, biết được nhiều chuyện về dân, làm được cầu nối từ lòng dân”.

Nhà báo Thái Duy: “Phải gần dân, nghe dân, tin dân thì chủ trương, chính sách mới đúng được”  - Ảnh: P.Vũ

Nhà báo Thái Duy kể một mạch niềm tự hào tuổi 90 của ông.

Cuộc lãnh đạo ngược

Hơn 20 năm số phận của khoán hộ buộc phải “chui”, phải lén lén lút lút, nhà báo Thái Duy đã đến từng hợp tác xã từ Nghệ Tĩnh, Thái Bình tới Hậu Giang, An Giang, lội xuống từng thửa ruộng, theo bước từng nông dân.

Cặp mắt quan sát cặn kẽ, tinh tế của ông bắt được bàn tay của nhà nông “nắm từng nắm phân vứt bừa ngay ở rìa bờ cho mau hết” trên ruộng hợp tác xã, cho tới bàn tay “chi chút bóp vụn, rải phân cho đều trên đất được khoán”; chụp được nhát cuốc vừa uể oải đưa lên đã vội buông xuống ngay khi nghe tiếng kẻng.

Sự thông hiểu của ông ghi được gửi gắm của những cán bộ cặm cụi làm khoán chui với dân, rồi hớn hở mang hồ sơ lên tỉnh học khoán việc, tối về làm những bản báo cáo giả tô hồng...

Từ thực tế cuộc sống ấy, ông cặn kẽ phân tích vì sao nên nỗi “nông dân thấy lúa chín mà không muốn gặt”, chứng minh lý lẽ giản dị của ông bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc: “Xã viên không coi ruộng đất của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình”, không phải qua một, hai mà là hàng trăm bài báo.

“Người dân đã kiên trì lăn lộn để tìm đường tự cứu cuộc sống của mình như thế, tôi cũng phải kiên trì với những bài báo của mình để làm cầu nối nói lên tiếng nói của họ. Bác Hồ nói: Đảng lãnh đạo dân, nhưng dân chính là người thầy. Càng sống với dân, ở trong dân càng thấm thía. Dân nghìn tai nghìn mắt, nghìn cái đầu, ở bất cứ đâu thì dân cũng là người hiểu biết cuộc sống hơn lãnh đạo” - nhà báo Thái Duy nói.

“Tôi chưa lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau”

“...Ngày 29-9-1988, trước khi Trường Chinh mất một ngày, tôi báo cáo với ông tiến độ việc soạn thảo Cương lĩnh. Khi trình bày đến việc Đánh giá thành tựu và sai lầm, nhân tiện tôi có trao đổi với ông về sự kiện “khoán” ở Vĩnh Phú, và hỏi ông tại sao bấy giờ bác làm lớn chuyện như vậy?

Ông điềm tĩnh trả lời tôi rằng: Có lẽ lúc bấy giờ nhận thức của mình chưa bắt kịp với tình hình thực tế, hơn nữa vấn đề nghe báo cáo, nắm thông tin không chính xác, chưa lắng nghe nhiều tiếng nói khác nhau...”.

(Trích: Trường Chinh - Một tư duy sáng tạo, một tài năng kiệt xuất - Trần Nhâm - NXB Chính Trị Quốc Gia)

Cuối cùng, sau những năm tháng “chui khổ chui sở”, sau những cái giá phải trả như việc bí thư Kim Ngọc ở tỉnh Vĩnh Phú phải kiểm điểm nghiêm khắc, chỉ thị 100 rồi nghị quyết 10 đã công nhận khoán hộ là hướng đi đúng, cách làm đúng.

Cuốn sổ tay của ông Thái Duy còn ghi rất rõ lời Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Võ Chí Công phát biểu tại hội nghị về áp dụng khoán sản phẩm tổ chức tại Hải Phòng năm 1981: “Khoán mới ra đời, khoán sản phẩm từ nông dân mà ra. Chính quần chúng đã sáng tạo, thay đổi, cải tiến cơ chế quản lý, ở đâu làm theo khoán mới cũng no ấm hơn khoán cũ. Nông dân đã bảo vệ khoán mới bằng mọi giá, có nơi đảng viên cơ sở mất thẻ đảng vẫn lãnh đạo quần chúng làm theo khoán chui...”.

Rồi đến Đại hội VI nhìn nhận sai lầm, xóa bao cấp, đổi mới, mở cửa. Công cuộc “lãnh đạo ngược” hoàn tất.

“Suýt chút nữa thì chính chúng ta đã gây ra một nạn đói thảm họa, và may mắn thay, người dân lại vẫn bao dung với Đảng” - ông Thái Duy nói, vẫn như đang thở phào nhẹ nhõm như mấy mươi năm trước.

Trước đó nữa, cuộc đời làm báo của ông cũng đã một lần phải trải qua những dằn vặt nặng nề để rồi đi đến thở phào như vậy: cuộc cải cách ruộng đất và sửa sai năm 1956.

“Khi đó tôi được cử theo những đội cải cách, tham dự những cuộc đấu tố. Nhận thức bản thân chưa hiểu được cặn kẽ mọi việc, nhưng thấy lăn tăn quá: những người địa chủ bị đấu tố cũng có những nỗi khổ của họ, cũng yêu nước như mình, nhiều người trong đó còn có công với cách mạng, còn là cán bộ, đảng viên thật sự.

Sự hoang mang lo sợ hiện trên mặt từng người dân, tự tôi cũng cảm thấy mình không còn là cán bộ của dân, con cái của dân như trước nữa. Nặng nề, trăn trở, soi chiếu với những điều đã được nghe Bác Hồ nói, viết... tôi hiểu đây là một sai lầm. Rất may, quyết định dừng cải cách và sửa sai đã được ban hành kịp thời. Đảng lại trở lại với dân”.

Lựa chọn phía dân

Hiến pháp năm 2013 và các văn kiện Đảng sau đó đã viết hoa chữ Nhân Dân, nhưng với nhà báo Thái Duy, những bài báo của ông đã viết hoa chữ “Dân” từ lâu lắm, và “khi nhắc về quan hệ dân với Đảng, tôi luôn đặt dân lên trước, vì dân là người sinh ra Đảng”.

Trong tập những bài báo về chủ đề chống tham nhũng mà ông đã viết những năm 1980, chỉ cần đọc qua những cái tít là thấy rõ sự lựa chọn ấy: Trăm sự nhờ Dân, Dân muốn Đảng trong sạch, Rời tháp ngà về với Dân, Phải đòi nợ cán bộ như đòi nợ Dân, Chỉ có Dân là chủ, Ngăn chặn tham nhũng phải dựa vào Dân...

Lần nào nhắc về nhân dân, ông cũng kể một câu chuyện: đại hội mừng công đầu tiên tổ chức tại hội trường Ba Đình sau ngày thống nhất đất nước, Chính phủ mời các bà mẹ có bốn người con là liệt sĩ trở lên. Các mẹ đến, phần lớn là nông dân, không quen ngồi hội trường với ghế cao, bàn rộng.

Hội nghị cuối cùng phải trải chiếu dưới đất, các mẹ ngồi quây lại từng mâm, và Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc ấy đã đi đến trước mặt từng người mẹ một mà lạy, cảm cái ơn đã hi sinh vì đất nước.

“Dân vĩ đại như thế, còn gì nữa? Đã chịu đựng và bao dung với cán bộ chúng ta như thế, còn gì nữa?” - ông Thái Duy lặp lại, đôi mắt già ánh lên những tia long lanh.

Rồi giọng ông chùng xuống: “Dân vĩ đại thế, mà đến hôm nay người dân vẫn nghèo, vẫn khổ, niềm tin lại mai một thì món nợ ấy Đảng vẫn còn phải mang nặng. Sắp đến đại hội, tôi mong những chủ trương, chính sách sẽ được đổi mới quyết liệt theo đúng tinh thần dân chủ, tức “dân là chủ”.

Để người dân đề cử cán bộ, phát triển kinh tế tư nhân, bớt ưu tiên doanh nghiệp nhà nước, tạo cơ chế để dân giám sát, kiểm tra hoạt động của Nhà nước. Đảng được dân cho phép cầm quyền, thì cán bộ phải chính là đầy tớ của dân, không phải là những ông quan Đảng...”.

Nói ra được những điều tâm huyết, ông lại quay về cặm cụi bên bản thảo cuốn sách của mình, cuốn sách thứ hai viết về thời kỳ đổi mới (tập 1 Khoán chui đã xuất bản năm 2013 - NV): “Các bài báo của tôi và cả hai cuốn sách này đều cùng một chủ đề: lãnh đạo phải gần dân, nghe dân, tin dân, học dân thì mới đưa ra chủ trương, chính sách đúng được. Tôi hi vọng sẽ có thêm một cuộc đổi mới, chừng chục năm nữa cuộc sống của dân sẽ đổi khác cả vật chất lẫn tinh thần, thật sự tự do, hạnh phúc. Dù rằng, lúc đó chắc không còn tôi...”.

____________

Kỳ tới: Viết thư cho Đảng

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên