09/12/2019 10:49 GMT+7

Cầu bộ đội, nhà bộ đội, cả bò cũng là.. bò của bộ đội

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Khi bộ đội đưa quân, mang theo bò giống, những mái nhà mới về cho dân, nhiều người dân H’rê cũng nhanh chóng gọi những món quà mà họ được nhận với tên chung là "bộ đội".

Cầu bộ đội, nhà bộ đội, cả bò cũng là.. bò của bộ đội - Ảnh 1.

Cán bộ y bác sĩ Quân khu 5 khám, phát thuốc cho đồng bào H’rê tại xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: B.D.

Những ngày cuối tháng 11, bà con đồng bào H’rê ở xã Ba Thành (huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) chộn rộn khi thấy Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đổ quân lên các làng. Họ có một sứ mệnh đặc biệt: xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn gây dựng cuộc sống.

"Tôi không có chồng. Mấy chục năm nay hai đứa con tôi cùng một mẹ già phải chen chúc nhau trong căn nhà chỉ vài chục mét vuông được Nhà nước xây rất lâu rồi. Mấy hôm nay thấy bộ đội về khảo sát nhà cửa, tôi được nhận thêm 30 triệu đồng Quân khu 5 trao tặng để mua gạch đá làm nhà mới" - chị Phạm Thị Ty, một trong hàng chục hộ nghèo ở xã Ba Thành, run run khi được những người lính xuống thăm, tặng quà để chuẩn bị dựng nhà mới.

Những người lính trên vùng H’rê

Xã Ba Thành là vùng miền núi, cách trung tâm TP Quảng Ngãi khoảng 70km và người dân phần nhiều là đồng bào H’rê, đời sống còn rất nghèo. Theo kế hoạch triển khai tháng hành động "Quân đội chung tay vì người nghèo", hàng trăm cán bộ chiến sĩ, y bác sĩ các lực lượng Quân khu 5 sẽ có mặt tại các ngôi làng để giúp dân thì từ sáng sớm rất đông bà con H’rê đã ra đứng các ngả đường để đợi.

Chị Phạm Thị Ty là một trong nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được Quân khu 5 lên danh sách giúp đỡ lần này. Ngôi nhà của chị cũ kỹ, nhỏ như một túp lều ở dưới đồi keo nhưng nhiều năm nay là chỗ tá túc của chị, hai người con và người mẹ già. 

Thấy bộ đội tới, chị Ty nghẹn ngào: "Tôi không biết nói gì hơn lúc này, xúc động lắm vì bao nhiêu năm đi làm thuê nhưng cũng chỉ đủ nuôi mẹ già và hai đứa con, tôi vừa vay được 20 triệu để làm căn nhà bếp, kê thêm chỗ ở nhưng rất chật chội. 30 triệu đồng đối với người dân như tôi là rất lớn".

Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch - chính ủy Quân khu 5 - có mặt tại những ngôi làng của đồng bào H’rê ở Ba Tơ và nói rằng ông thật sự rất xúc động khi được đưa cán bộ, chiến sĩ về lại nơi từng là căn cứ cách mạng, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5. Và vì lý do đó, sự có mặt của Quân khu 5 không chỉ là nghĩa vụ mà là cơ hội để giúp đỡ, trả ơn những người dân vùng cách mạng đã che chở, giúp đỡ bộ đội từ những ngày trong gian khó.

Ông Đinh Ngọc Vỹ - phó bí thư thường trực Huyện ủy Ba Tơ - nói huyện Ba Tơ đất đai cằn cỗi, đồng bào chủ yếu canh tác lúa nước, đất đồi được chuyển qua trồng keo nhưng hiệu quả kinh tế cũng không cao. Vì thế, cuộc sống người dân ở đây phần lớn rất khó khăn. 

"Toàn huyện có 19 xã, diện tích bằng 1/5 tỉnh Quảng Ngãi nhưng có tới trên 27% hộ nghèo, phần lớn thuộc đồng bào H’rê" - ông Vỹ nói.

Ba Tơ là vùng căn cứ cách mạng, nơi có đội du kích Ba Tơ là tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 5 hiện nay, dù đã được trợ giúp rất nhiều nhưng tới nay người dân vẫn cần rất nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế. Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch cũng nói rằng năm 2019 Quân khu 5 rất muốn lấy địa bàn này làm điểm khởi đầu để quân đội ra sức giúp dân, tạo ra những mô hình kinh tế hộ gia đình khá giả từ sự giúp đỡ của bộ đội.

"Cầu bộ đội", "nhà bộ đội"...

Trên tuyến đường lên trung tâm huyện Ba Tơ, nhiều người bắt gặp những cây cầu bêtông kiên cố được chưng tấm bảng là "cầu bộ đội". Những người lính cho biết Ba Tơ là một vùng đất đặc biệt với lực lượng vũ trang quân khu, nên rất nhiều công trình đã được lính xây dựng. 

Bà con H’rê bụng thật thà và ngay thẳng như đọt lồ ô, thương quý ai thì họ đặt tên địa danh, con cái theo tên người đó. Khi bộ đội đưa quân, mang theo bò giống, những mái nhà mới về cho dân, nhiều người dân H’rê cũng nhanh chóng gọi những món quà mà họ được nhận với tên chung là "bộ đội".

"Tôi được nhận một con bò giống trị giá 10 triệu đồng. Bò to và khỏe nên chắc chắn nuôi ít tháng là sẽ phối giống, rồi sinh bê con. Ở đây nếu mỗi con bò giống như thế này bà con mua cũng phải 12-13 triệu đồng. Bộ đội mua tặng bà con thì bò tốt mà yên tâm hơn" - ông Phạm Văn Hiệp, một trong nhiều hộ nghèo ở thôn Gò Ôn, xã Ba Thành, may mắn được bộ đội tặng bò giống, vừa vuốt ve chú bò vừa nói.

Ông Hiệp cho biết gia đình ông thuộc hộ nghèo, hai vợ chồng có ba đứa con nhưng tới nay nhà cửa vẫn chưa ổn định. Để có nguồn sống, hai vợ chồng hằng ngày phải đi bóc vỏ cây keo thuê, đi xuống thành phố làm đủ nghề để có tiền mua gạo nuôi con. Mấy hôm nay, khi nghe được xã thông báo xét chọn danh sách để nhận bò giống từ bộ đội, hai vợ chồng cứ thấp thỏm bởi một con bò giống sẽ nuôi thêm rất nhiều hi vọng.

"Tôi hứa sẽ về làm chuồng, cho bò ăn uống đầy đủ để sang năm khi bộ đội lên kiểm tra thì bò mang thai hoặc sinh bê con rồi" - ông Hiệp giọng phấn khởi. Đứng kế bên ông Hiệp, một người đàn ông H’rê khác cũng đang cố bóp mõm chú bò giống vừa được tặng để giữ yên, khi được một cán bộ hỏi rằng có tính... đặt tên cho chú bò mới không thì người đàn ông này cười vang rồi nói rằng cứ gọi tên là "bò của bộ đội" cho dễ nhớ.

Ngoài trao bò giống, những học sinh nghèo còn được nhận những chiếc xe đạp mới để đến trường. Không những vậy, đoàn y bác sĩ tại các đơn vị của Quân khu 5 cũng xuống tận các làng thăm khám, điều trị cho người dân. 

Khuôn viên nhà văn hóa nằm ở trung tâm xã Ba Thành những ngày này chật kín bóng y bác sĩ và những chuyến xe mang biển đỏ của sư đoàn bộ binh 307. Từng tốp người dân ở các xã chạy xe máy vượt đường núi về điểm tập trung này để được thăm khám, phát thuốc điều trị.

Bác sĩ Bùi Văn Xuân - sư đoàn bộ binh 307 - nói rằng ngoài làm nhiệm vụ tại đơn vị thì những chuyến về làng với dân như thế này càng gắn kết tình cảm quân dân nhiều hơn. 

"Bà con rất nghèo, nhiều người có bệnh mà sợ tốn tiền nên ngại đi khám. Khi chúng tôi xuống, khám sàng lọc mới tá hỏa rồi yêu cầu bà con đi lên tuyến trên để khám, điều trị. Ngày nào anh em cũng làm từ sáng tới tối, dân thấy bác sĩ nhiệt tình nên cứ tập trung tới, đặc biệt là sau giờ đi làm rẫy về, chúng tôi cố gắng khám hết lượt để bà con yên tâm, lúc nào không còn người chờ nữa thì anh em mới thu xếp trở về đơn vị" - bác sĩ Xuân nói.

Quân đội chung tay vì người nghèo

linh quan khu 5

Học sinh con em đồng bào H’rê tại Quảng Ngãi nhận xe đạp từ Quân khu 5 trao tặng - Ảnh: B.D.

Câu nói rất nổi tiếng này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trích dẫn và đưa làm chủ đề cho chương trình "Quân đội chung tay vì người nghèo để không một ai bị bỏ lại phía sau".

Chương trình được khởi động từ ngày 22-11 và kéo dài trong thời gian một tháng tại 75 xã điểm trên toàn địa bàn thuộc Quân khu 5. Các lực lượng sẽ xuống địa bàn giúp dân xây dựng sửa sang nhà cửa, làm kinh tế, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất. Quân khu 5 cũng hỗ trợ kinh phí để mua bò giống, xây nhà, tặng xe đạp, khám điều trị miễn phí cho người dân vùng khó khăn.

"Trong chiến tranh, nhân dân đã không tiếc công tiếc của để che chở, đùm bọc bộ đội thì nay thời bình chúng tôi luôn xác định rằng dân với quân như cá với nước; bằng của ít lòng nhiều từ đóng góp của cán bộ chiến sĩ, vận động các tổ chức doanh nghiệp, Quân khu 5 sẽ dành thời gian, tình cảm để giúp người dân những gì có thể" - thiếu tướng Trịnh Đình Thạch nói.

Lính radar ở nơi mây chạm núi Lính radar ở nơi mây chạm núi

TTO - 'Ở đây xa dân, heo hút. Nhưng khó khăn thì nhìn theo hướng lạc quan, tếu táo là vui. Anh em chăm chút cho cảnh quan đơn vị, không có thời gian mà buồn đâu' - phó trạm trưởng trạm radar 59 cười tươi rói, nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên