25/07/2019 11:46 GMT+7

Anh lính biển nhiều sáng kiến ở tàu 954

ANH CHI
ANH CHI

TTO - Anh là một quân nhân chuyên nghiệp sinh ra ở miền Bắc, vượt ngàn kilômet ra đảo tận phía Tây Nam Tổ quốc công tác. Dù chỉ học sơ cấp nhưng anh khiến cả những sĩ quan cũng phải nể phục bởi sự giàu có về ý tưởng và khả năng sáng tạo của mình...

Anh lính biển nhiều sáng kiến ở tàu 954 - Ảnh 1.

Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Khiêm (trái) đang thực hiện mệnh lệnh của thuyền trưởng điều khiển tàu xuất phát ra biển - Ảnh: MY LĂNG

"Đồng chí Khiêm làm tốt chứ ăn nói thì vụng về và hay bị ngại trước chị em phụ nữ lắm", thuyền trưởng tàu 954 - thượng úy Phan Đức Thượng - mỉm cười khi nói về thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Khiêm, nhân viên hàng hải của tàu 954, Lữ đoàn 127 - Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân.

Khéo làm, không khéo nói

Từ khi ra trường đến nay, thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Khiêm đã công tác ở 6 tàu khác nhau trên 4 loại tàu của Lữ đoàn 127. Dù chỉ học sơ cấp hàng hải nhưng người quân nhân chuyên nghiệp này khiến đồng đội nể phục bởi anh như một "ngân hàng" ý tưởng. 

Hằng năm, mỗi khi chuẩn bị cho công tác huấn luyện, lữ đoàn lại tổ chức cuộc thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật mô hình học cụ theo từng ngành. Cứ thấy có ý tưởng gì để nâng cao chất lượng huấn luyện là anh Khiêm lại đề xuất. 

Nhìn hiền hiền, chân chất, củ mỉ cù mì nhưng anh Khiêm là chủ nhân của nhiều sáng kiến như: mô hình dẫn tàu đi theo thiết bị phao luồng trên tàu LCM8 số hiệu 954, mô hình biên đội bắn đối hải, bắn đối không trên tàu 681, mô hình hải đồ điện tử trên tàu 954...

Trong đó, mô hình dẫn tàu đi theo thiết bị phao luồng trên tàu LCM8 đã đoạt giải nhất cấp lữ đoàn. Ban hàng hải của Bộ tư lệnh Vùng 5 hải quân có ý định nhân rộng mô hình này nhưng do điều kiện vật tư ở đảo khan hiếm nên ý định đó phải gác lại. 

"Mô hình này mình mất nhiều thời gian và công sức nhất. Nó xuất phát từ thực tế là khi tàu đi vào sông, luồng thủy hẹp, mình phải dẫn tàu theo hệ thống phao luồng. Mình làm mô hình này để người dạy dễ dạy, người học dễ hình dung. Kể cả các cán bộ tàu nhìn vào mô hình này trực quan, sinh động, dễ điều động tàu" - anh cho biết.

Anh Khiêm kể: "Khi xây dựng ý tưởng cho mô hình, mình may mắn được hải đội trưởng giúp đỡ rất nhiều, có lúc còn trực tiếp cùng mình xây dựng nên sa bàn. Khó khăn nhất chủ yếu là không có vật tư để làm thiết bị vì ở ngoài đảo xa mà". Anh phải tận dụng... đồ chơi cũ của con và đến nhà người quen xin các thiết bị điện tử, đèn nháy. Tàu thì được làm bằng tôn mỏng. Đường ray thì làm bằng sắt lấy từ đồ chơi ôtô của trẻ con.

Sau hơn một tháng miệt mài làm, sa bàn rộng 1,5m, dài 2m đã được hoàn thành. Sa bàn có tàu chạy trên đường ray, có cả đèn hải đăng mini. Những phương pháp, thiết bị để dẫn đường cho tàu như phao luồng, chập tiêu, đèn hải đăng đều được anh làm thành mô hình trên sa bàn, từng vị trí, từng hướng đi theo từng thiết bị. 

"Mô hình này rất thiết thực cho nội dung huấn luyện theo chuyên ngành hàng hải, giúp người dạy theo giáo trình rất dễ. Người học nhìn vào sa bàn cũng dễ tiếp thu, dễ hình dung các phương pháp dẫn tàu đi theo thiết bị đó" - thuyền trưởng Phan Đức Thượng nói.

Đồng chí Khiêm là người rất tích cực, không ngừng học hỏi nâng cao nghiệp vụ, đọc sách nghiên cứu tài liệu, sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm mình tích lũy được cho thế hệ sau, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được cấp trên tín nhiệm, là tấm gương cho cấp dưới noi theo.

Thượng úy Phan Đức Thượng (thuyền trưởng tàu 954)

11 năm liền là chiến sĩ thi đua

Ngoài ra, mô hình hải đồ điện tử trên tàu 954 của thiếu tá Khiêm cũng là một trong những sáng kiến được Lữ đoàn 127 đánh giá cao. Trước đây, người học sẽ tập trung tại hội trường học lý thuyết cơ bản về hải đồ điện tử rồi mới về tàu thực hành. Mỗi tàu có trang bị một hải đồ điện tử khác nhau. Thiết bị này to, nặng, không thể bê lên hội trường để huấn luyện mà dưới tàu thì lại chật hẹp, không đủ chỗ cho người học đứng nhìn, nghe giáo viên hướng dẫn.

"Khi có mô hình này, học đến đâu anh em tiếp thu nhanh đến đấy, về tàu thực hành được ngay. Ý tưởng của đồng chí Khiêm phục vụ thiết thực cho nội dung huấn luyện chuyên ngành hàng hải trong toàn hải đội và toàn đơn vị. Chỉ cần 4 tiếng là người học đã nắm được. Trước phải mất một ngày đến một ngày rưỡi" - thượng úy Phan Đức Thượng khẳng định.

Thuyền trưởng Thượng tự hào cho hay anh Khiêm 12 năm là chiến sĩ thi đua cơ sở, trong đó 11 năm liên tục đạt danh hiệu này. "Đây là một trong những danh hiệu cao quý nhất của người lính đấy. Mỗi năm cả tàu chỉ có 1-2 người đạt danh hiệu này. Có khi 20-30 người mới lấy được một người. Để được 11 năm liên tục là chiến sĩ thi đua cơ sở thì toàn quân không nhiều người đạt được đâu" - thuyền trưởng Phan Đức Thượng cho hay.

Với đặc thù là tàu kéo cứu hộ cứu nạn nên 954 phải xuất phát làm nhiệm vụ lúc thời tiết xấu, thường xuyên đi trong sóng gió. "Có khi sóng to gió lớn không thể nấu được đồ ăn, anh em phải ăn cháo và mì gói. Rồi đi biển dài ngày thì sinh hoạt cũng rất vất vả, lượng nước dự trữ thì cứ vơi dần. Mọi người càng đoàn kết hơn, người khỏe giúp đỡ người say. Anh em dùng ý chí để vượt qua, tập thể tàu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Mình rất tự hào về tàu, tự hào về Vùng 5" - thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Văn Khiêm chia sẻ.

Không phải đến khi có cuộc thi do lữ đoàn tổ chức mà trong công việc hằng ngày, anh Khiêm vẫn thường xuyên có những ý tưởng nho nhỏ giúp mọi người. 

Như trong đợt biển động gần đây, sóng to, một chiếc sà lan bị dạt vào bờ. Khi tiếp cận sà lan này, do tàu 954 to, mớn nước sâu, sóng rất lớn, xuồng thì không hạ được, người lại không xuống nước được nên không thể đưa dây mồi cho sà lan bị nạn để kết nối với tàu 954 mà kéo về bờ được. Thiếu tá Khiêm nảy ra ý tưởng: dùng phao tròn cột dây cước, thả cho dây trôi theo dòng, theo gió và điều chỉnh phao để sà lan bị nạn bắt được, làm dây mồi kết nối với tàu 954.

Trung đoàn 146 và những người lính từ rừng ra biển… Trung đoàn 146 và những người lính từ rừng ra biển…

TTO - Ngày 8-5-1978, bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn 146 (sau này thành lữ đoàn) trực thuộc Bộ tư lệnh Hải quân. Cho nên ngày này trở thành ngày truyền thống của một lữ đoàn 40 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa.

ANH CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên