27/06/2019 11:54 GMT+7

Lính radar ở nơi mây chạm núi

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - 'Ở đây xa dân, heo hút. Nhưng khó khăn thì nhìn theo hướng lạc quan, tếu táo là vui. Anh em chăm chút cho cảnh quan đơn vị, không có thời gian mà buồn đâu' - phó trạm trưởng trạm radar 59 cười tươi rói, nói.

Lính radar ở nơi mây chạm núi - Ảnh 1.

Cán bộ, chiến sĩ trạm radar 59 trong giờ trực ban huấn luyện sẵn sàng chiến đấu - Ảnh: MY LĂNG

Trạm radar 59 thuộc trung đoàn 291 (Sư đoàn 365), đóng quân ở một trong những xã giáp biên của một tỉnh miền núi phía Bắc.

Trạm xa nhất trung đoàn

Đại úy Trần Văn Tâm, phó trạm trưởng, cho biết đây là trạm xa nhất so với các trạm khác trong trung đoàn, cách trung đoàn 170km, đóng quân độc lập.

Đơn vị đóng quân trên đồi hẹp, đường lên trạm cứ thẳng đứng dốc cao, đi bộ lên đến trạm là thở không ra hơi. 

Bộ đội được trui rèn trong gian khó, khổ cực nên không xa lạ với việc đóng quân ở vùng núi xa xôi, đất đai cằn cỗi sỏi đá và chấp nhận hi sinh nên không tính toán thu nhập cao thấp. 

Thế nên khi được hỏi ở đây khó khăn nhất là gì, những người lính radar nói ngay: nguồn nước.

"Năm nay mới đỡ chứ trước nguồn nước thiếu dữ lắm. Giờ cơ bản đủ nhưng cũng có lúc bị thiếu" - anh Trần Văn Tâm cho hay. 

Ở đây, giếng khoan không có nước. Nguồn nước cho bộ đội sử dụng là ba giếng khơi dưới chân đồi, cạnh dòng suối nhỏ. 

"Khi mùa mưa đến, giếng nước bị đục nhưng anh em cũng phải dùng. Anh nào da không khỏe thì bị mẩn đỏ, ngứa ngáy" - đại úy Tâm cho hay.

Bộ đội dí dỏm bảo "đặc sản" của vùng đất này là màn... sấm chớp đánh ầm ầm vào mùa hè! 

"Mùa hè ai cũng nghĩ nắng nóng, trời khô hanh. Nhưng mùa hè là lúc mưa nhiều, sấm chớp rất kinh. Có lần đánh gãy cành cây! Cũng may các cột radar đều có cột chống sét hết rồi" - đại úy Bùi Văn Liêm, 35 tuổi, cho hay.

Đơn vị đóng quân trên quả đồi hình nón, độ dốc cao. Địa hình chật hẹp, không có sân bóng chuyền, đơn vị chỉ có mỗi mảnh đất nhỏ làm sân cầu lông nên khu thể dục thể thao rất hạn chế. 

Không có cả đất để tăng gia sản xuất, trạm phải thuê đất của dân để trồng rau. Địa hình đồi đá, dốc, lại ít đất nên các anh trồng vải, mít và nhiều nhất là cây đào, vừa có hoa đẹp khi xuân về, vừa có trái để ăn. 

"Anh em gọi vui là "Hoa Quả Sơn". Cứ trồng, sau này mình đi, người khác đến có cây trái mà ăn" - anh Tâm nói.

Dù khó khăn về kinh tế, thời tiết thì khắc nghiệt, đồ ăn nhiều thứ khan hiếm... nhưng anh em luôn vui và lạc quan, vẫn một lòng bảo vệ vững chắc vùng trời mình quản lý.

Đại úy TRẦN VĂN TÂM

Ở nơi heo hút nhưng ấm tình người

Cán bộ chiến sĩ ở trạm đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau, sĩ quan chỉ huy của trạm hầu hết đều rất trẻ. 

Như trạm trưởng - đại úy Đoàn Văn Quang, người Nam Định, 33 tuổi. Chính trị viên - trung úy Nguyễn Khắc Dễ, người Bắc Ninh, mới 26 tuổi. Đại úy Trần Văn Tâm, quê Thanh Hóa, phó trạm trưởng, 31 tuổi. Sĩ quan trẻ nhất là đài trưởng - trung úy Lê Văn Chương, mới 24 tuổi.

Hầu hết đều chung cảnh xa gia đình, xa vợ con nên rất đoàn kết, giúp đỡ nhau trong công việc, nhất là lúc ốm đau hay khi gia đình có việc. 

Cấp trên dạy cấp dưới. Người nào yếu về chuyên môn thì anh em đồng đội hỗ trợ để cùng nhau tiến bộ. 

"Ngày nghỉ, giờ nghỉ thì tổ chức thi đấu cầu lông cho vui, chứ ở đây đâu có gì để giải trí, không tự khuấy động phong trào mang niềm vui cho nhau thì buồn lắm" - đại úy Bùi Văn Liêm nói.

Đóng quân ở khu vực tách biệt, nhiều anh em ra trường là lên trạm công tác, thời gian nghỉ phép ít nên bộ đội radar tếu táo bảo: không sợ khổ, không sợ khó khăn, chỉ sợ... ế. 

"Ở đây, 25, 26 tuổi đã lấy chồng lấy vợ hết. Nên bộ đội mà trên 30 là bị chê già. Nhiều người lấy vợ địa phương luôn vì ít có điều kiện đi đây đó tìm hiểu. Như mình, quê Thái Nguyên, lên đây công tác rồi bén duyên với vợ mình là cô giáo trên này" - đại úy Liêm cười hiền. 

Đơn vị có 8 cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp đã lập gia đình với các cô gái ở đây, thành lập cả khu gia đình bộ đội ở gần trạm. 

Với những người lập gia đình ở quê, vì điều kiện xa xôi, một năm mới được nghỉ 22 ngày phép nên vợ phải lặn lội lên đây thăm chồng.

Đóng quân gần biên giới, an ninh phức tạp, nhiều người nghiện ngập nhưng trạm vẫn quản lý tốt bộ đội. 

"Phải công nhận là hạ sĩ quan, chiến sĩ trên này rất tốt. Bộ đội ngoan lắm. Ở đây xa dân, heo hút. Chiến sĩ thì không được dùng điện thoại. Nhiều chiến sĩ phụ cấp chỉ mấy trăm ngàn một tháng nhưng vẫn có thể tích cóp, cứ mấy tháng gửi 1-2 triệu về gia đình" - đại úy Bùi Văn Liêm tấm tắc nói.

Còn phó trạm trưởng Trần Văn Tâm thì cho hay: "Mình tự hào vì cán bộ, chiến sĩ trạm có mối quan hệ rất tốt với bà con địa phương. 

Ngày truyền thống của quân đội 22-12, bà con và chính quyền lên đây thăm, không có chỗ để xe. Bà con rất quý bộ đội radar. 

Những ngày lễ tết, bà con dân bản vào chúc tết bộ đội radar rất đông, cho gà và đặc sản ở đây là bánh khảo. 

Cứ đến Ngày thương binh - liệt sĩ 27-7, anh em trạm lại đi tặng quà những gia đình chính sách trong thôn bản. Thuốc bổ quân y thì anh em trích một phần giúp người nghèo khó. Ví dụ tiêu chuẩn mình hai lọ thì để dành một lọ giúp dân".

Làm tốt trách nhiệm với Tổ quốc

Trạm radar 59 được phong anh hùng từ năm 1989. Năm năm trở lại đây, trạm radar 59 đều là đơn vị thi đua quyết thắng.

Việc quản lý vùng trời ở khu vực giáp biên luôn phức tạp, trạm phải phát hiện được mục tiêu từ rất sớm để báo cáo cho chỉ huy các cấp kịp thời có phương án xử lý.

Thế nên, với bộ đội radar ở vùng giáp biên này, áp lực lại càng áp lực hơn, trách nhiệm lại càng trách nhiệm hơn.

Nhưng, như mấy chục năm qua, như các lớp đàn anh đi trước, họ vẫn thầm lặng hi sinh tuổi trẻ, dành cả thanh xuân để làm tròn, làm thật tốt trách nhiệm của mình với Tổ quốc.

Những người lính đón Tết ở Trung Phi Những người lính đón Tết ở Trung Phi

TTO - Tháng 4-2017, nhóm sĩ quan Việt Nam gồm năm người được cử sang Trung Phi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên