Em là Nguyễn Naam (ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức), cậu học trò lớp 4 thường hối hả chạy về nhà mỗi khi vang tiếng trống tan trường, để kịp giờ đi bán nước phụ mẹ và cũng là nuôi giấc mơ hồn nhiên của mình.
Tan trường, đi bán nước phụ mẹ nuôi em
Trong căn nhà thuê rộng chừng 15m2, chị Trương Hồng Lan (44 tuổi), mẹ của Naam, đã lục đục dưới bếp từ 3h chiều nấu sẵn cơm chờ con trai nhỏ về ăn.
Cặm cụi bên chiếc máy may là "cần câu cơm" chính của gia đình, chị nói: "Bữa nào về mà không có kịp cơm để ổng ăn đi bán là ổng quạu liền á, bởi vậy dù nhiều đồ cỡ nào tôi cũng tranh thủ nấu sẵn cho con".
Chưa cần đi đến cửa là chị Lan đã biết Naam về, cậu bé 10 tuổi, líu lo bài nhạc hay nghe trên đường. Căn nhà trước đó chỉ có tiếng cành cạch của máy may trở nên rộn ràng với tiếng hát hồn nhiên cùng tiếng cười nói khi Naam chọc cô bé Huệ An, em gái 4 tuổi của mình.
Vừa rửa mặt xong, Naam nhờ mẹ bới cơm, em ăn vội rồi tranh thủ ngồi nghỉ ngơi chuẩn bị đi bán. Khi thấy cậu con trai 10 tuổi sửa soạn lên đường chị Lan cũng ngưng tay, mở tủ lạnh chất nước vào thùng xốp giúp con.
Điểm nhận diện "thương hiệu" của Naam là bộ đồng phục học sinh được đóng thùng gọn gàng, em chải chuốt tóc tai, đội mũ bảo hiểm cẩn thận, có hôm cậu trai nhỏ còn đeo thêm chiếc kính râm nhìn rất bảnh.
"Cô giáo ở trường bắt đóng thùng đi học nên con quen rồi. Còn mũ bảo hiểm này là của mẹ con đưa đội chạy xe cho an toàn", Naam hồn nhiên giải thích.
Dứt lời, em ra bên hông nhà dắt chiếc xe đạp bóng lưỡng dựng sẵn trước cửa, Naam lau chùi sạch sẽ trước khi đi dù mẹ Naam cho biết đây đã là lần thứ ba trong ngày em chăm bẵm "con ngựa sắt" ấy. Em quý chiếc xe tới độ không dám lấy chạy đi học vì sợ để trong nhà xe bị trầy, chỉ dùng rong ruổi bán buôn phụ mẹ khi chiều về.
Khoảng hơn 17h, cậu nhóc lớp 4 với làn da rám nắng đã có mặt ở đầu đường Võ Văn Ngân (TP Thủ Đức). Hơn 30 chai nước đủ loại từ nước sâm, sữa đậu nành, đậu xanh... được Naam bán từ đây vòng qua đường Kha Vạn Cân, Lê Văn Việt rồi băng thẳng về nhà.
Rề xe theo Naam, tôi thấy cậu bé đã có sẵn mấy mối quen, vừa chạy được vài trăm mét là có người ngoắc vô lấy hai chai đậu nành. Giá 15.000 đồng/chai nhưng thấy Naam lễ phép, người ta boa em 20.000 đồng cho chẵn tiền.
Chiếc loa rao nước được gắn trên xe hòa chung với tiếng hát líu lo của Naam đi tới đâu cũng gây sự chú ý. Nhiều khách chạy dọc đường thấy thằng nhỏ đóng thùng bán nước này ngộ ngộ nên cũng dừng lại mua ủng hộ. Ngày nào hết sớm tầm 19h là em về đến nhà...
Ba mẹ con nương tựa nhau
Thấy con cực, làm mẹ ai mà không xót ruột. Nhiều người trách chị Lan vì cho Naam ra đường mưu sinh sớm quá. Nhưng nghe chị và Naam tâm sự mới thấu được nỗi lòng của hai mẹ con.
Chị Lan và chồng trôi dạt từ miền Trung vào TP.HCM. Chồng chị trước đây làm hồ nhưng từ khi anh bỏ đi vào năm ngoái, người đàn bà 44 tuổi phải gồng gánh tất cả trên đôi vai gầy, cứ phải mượn tiền ăn đầu tháng, trả cuối tháng, thiếu trước hụt sau.
"Trước đây còn có ba nó phụ giúp nên cũng không tới nỗi nào. Từ hồi ba nó bỏ đi, tôi mới học làm nước rồi định đi bán kiếm thêm. Nhưng con nó thấy mình đi, không may được đồ cho khách nên nó xin đi thay mẹ. Mình không cho là nó khóc, đòi đi cho bằng được", chị Lan tâm sự mình luôn dặn con phải thật cẩn thận, nếu thấy mệt thì về với mẹ.
Chị Lan rất thương và lo cho con nhưng cậu bé thương mẹ, thương em vẫn kiên quyết muốn đi bán. Chị phải bấm bụng cho đi, quy định chỉ bán ở những đoạn đường quen gần nhà. Từ đó, cứ tới 9h tối chưa thấy con trai về là chị và em gái Naam phải lặn lội đi tìm.
Được người ta chỉ, chị Lan sắm cho Naam cái đồng hồ thông minh. Bởi vậy khi đi bán không ít người thắc mắc với Nam: "Bán nước dạo mà đeo đồng hồ xịn dữ mậy?". Hổng có phải à nghen, cái đồng hồ mẹ Naam mua có hơn 1 triệu đồng, chỉ có chức năng nghe gọi và định vị để chị Lan dễ tìm kiếm con.
Naam vui vẻ khi được hỏi vì sao muốn giúp mẹ, cậu giãi bày đơn giản vì thấy mẹ cực nên muốn đỡ đần phụ mẹ sau giờ học để nuôi em.
Chị Lan cho biết Naam ngoài đi bán thì lúc nào ở nhà cũng phụ mẹ chuyện lặt vặt chứ ít khi đi chơi. Chị cũng nhiều lần kêu con đi chơi với bạn vì sợ ở nhà buồn, nhưng cậu bé lớp 4 vẫn thích phụ mẹ và chơi với em hơn.
Tối nào bán xong, Naam đều ngồi vào bàn học bài. Cậu hiếu thảo biết nghe lời, chỉ hay bị mẹ rầy vì cái tật suốt ngày chọc ghẹo em.
Ước mơ "xây nhà bự" của Naam
Ước mơ của Naam là gì?, tôi hỏi. "Dạ xây nhà cho mẹ và em ở", cậu bé mới 10 tuổi hồn nhiên trả lời gọn hơ.
Hỏi ra mới biết vì sao Naam lại có ước mơ xây nhà. Căn phòng hiện tại dù rất nhỏ, chỉ vừa đủ sinh hoạt cho ba mẹ con nhưng đã đỡ hơn rất nhiều những căn phòng trước đó chị Lan thuê. Mỗi lần đến nơi mới, Naam vừa làm quen được vài người bạn thì mẹ lại chuyển đi, điều đó phần nào khiến cậu khao khát có được một nơi ở ổn định.
Mắt chị Lan đỏ hoe nhớ về cảnh ba mẹ con ăn cái Tết đìu hiu vừa rồi: "Khi đó tôi lỡ nhận đồ cho khách nhưng làm không kịp. Đêm 30, mấy mẹ con ra bến xe thì cũng sạch vé. Vậy là ăn Tết trong này luôn. Naam nó đòi đạp xe đi bán xuyên Tết mà tôi không cho, phải ép dữ lắm nó mới chịu nghỉ tới mùng 8, nhìn con cứ muốn đi bán phụ mẹ mà thương đứt ruột".
Nhà không có khách, đường sá vắng tanh, chỉ có ba mẹ con cùng nhau ăn cái Tết buồn trong căn phòng nhỏ xíu. Vài bịch kẹo, một bịch bánh ký rồi chị Lan lì xì cho hai đứa con. Vậy là xong cái Tết nơi xứ người.
Chị thở dài, chỉ tay vào hòn đá làm bằng thủy tinh lấp lánh treo trên tường nghẹn ngào kể: "Mấy ngày trước nó đi bán, lượm đâu được cục đá này ngoài đường rồi về khoe với tôi là kim cương, kêu mẹ để dành xây nhà. Mình biết là đồ dỏm nhưng sợ con buồn nên cứ treo đó cho nó".
Cậu bé có ước mơ xây nhà cho mẹ thiệt hồn nhiên biết bao, gặp gì lấp lánh em đều đem về giữ gìn như bảo bối.
Cậu không ngại khó, ngại cực đi bán giúp mẹ cũng vì lý do này. Nhưng có lẽ cậu không biết được việc xây nhà vẫn còn quá xa xôi, trong khi mẹ cậu vẫn phải ngồi bên chiếc máy may cặm cụi cả ngày để lo tiền học, tiền ăn từng bữa. Lòng mẹ chỉ mong đến ngày con mình không cần ra đường, chỉ ở nhà học hành và vui với mẹ với em...
Thỉnh thoảng bà Nguyễn Thị Nam (56 tuổi, ngụ phường Linh Trung), hàng xóm đối diện nhà chị Lan, lại rủ Naam sang nhà chơi. Bà cũng là mối ruột của Naam trong những ngày cậu bán ế.
Naam cũng thích sang nhà bà và thường kể về ước mơ "sẽ xây căn nhà bự bự cho mẹ". "Nó hiếu thảo với mẹ lắm. Tôi thấy nó đạp xe đi bán mỗi ngày mà thương. Nhà có ba mẹ con đùm bọc lẫn nhau nên có gì ngon tôi đều rủ qua ăn hết", bà Nam kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận