25/06/2016 16:46 GMT+7

Cát hay là ngọc: tự truyện của cô gái bị xâm hại

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - “20 năm không đêm nào ngủ ngon” - cô gái 29 tuổi từng bị lạm dụng tình dục từ năm 8 tuổi và đắm trong bể khổ mãi đến 19 tuổi tâm sự tại buổi ra mắt tự truyện "Cát hay là ngọc".

Bích Ngọc (ngồi giữa) đang chia sẻ câu chuyện đời mình tại buổi ra mắt sách. Ảnh: L.Điền

Bích Ngọc (ngồi giữa) chia sẻ câu chuyện đời mình tại buổi ra mắt sách - Ảnh: L.Điền

Và đọc tự truyện của tác giả Bích Ngọc, bạn đọc hẳn cũng khó ngủ ngon bởi bao điều phải nghĩ ngợi.

Quyển tự truyện được chấp bút bởi hai tác giả nữ: nhà báo Hòa Bình và Cỏ - một cây bút trẻ.

Hiện diện ở Đường sách TP.HCM sáng 25-6 để ra mắt cuốn tự truyện là bước ngoặt hi hữu trong cuộc đời đầy sóng gió của Bích Ngọc, nhân vật chính với hai tên gọi là Sandy và Ruby, từ trang sách bước ra buổi giao lưu trong dáng vẻ một cô gái nhỏ nhẹ dịu dàng.

Muốn bình yên hơn kể từ hôm nay

Ngọc tâm sự rằng cô chôn chặt câu chuyện này 20 năm nay, và quyết định nói ra để viết thành sách cũng cầm bằng “thà giết chết chính mình trong đó, với hi vọng hồi sinh một con người mới chứ không thể dễ dãi với bản thân”.

Còn Sandy cho rằng với quyển sách này, cô muốn khép lại một cánh cửa không tốt đẹp và mở ra một cánh cửa khác tốt hơn. Cô vẫn rất cần những bàn tay yêu thương và bày tỏ: “Sandy muốn sống bình yên hơn kể từ hôm nay, vì hai mươi năm rồi không đêm nào Sandy được ngủ ngon”.

Chưa đến tuổi 30, nhưng cuộc đời của Sandy quá khốc liệt. Cha mất sớm, cô bị chính người thân trong gia đình lạm dụng tình dục ở Cần Thơ. Đến tuổi học cấp II thì lên Sài Gòn, lại tiếp tục bị lạm dụng.

Đến năm 19 tuổi, trong một lần không chịu nổi nữa, cô nói ra với gia đình và... bị đẩy ra đường.

Tuổi trẻ cơ cực phải sống với đường phố dạy cô rất nhiều và cưu mang cô không ít. “Tuổi 20 thật khó chịu, vậy mà con không có gia đình để học hỏi, tất cả con toàn học từ đường phố” - Sandy trả lời một bạn đọc lớn tuổi tại buổi giao lưu.

Sách do NXB Phụ Nữ ấn hành. Ảnh: L.Điền
Sách do NXB Phụ Nữ ấn hành. Ảnh: L.Điền

Giờ đây, Sandy đang xây dựng thư viện sách Amazing Home. Và đây chỉ là một trong rất nhiều hoạt động thiện nguyện mà cô đã cùng bạn bè làm trong mấy năm qua. Cho nên, Cát hay là ngọc không mang dáng dấp một thiên tự truyện có ý đồ lấy nước mắt người đọc bằng những tình tiết ly kỳ khổ thảm.

Trong hơn 140 trang sách có một phần lớn dành cho câu chuyện Sandy - Bích Ngọc vươn lên như thế nào từ tận đáy bi kịch xã hội. Từ những chập chững bước chân bán vé số, và sau đó là những hoạt động thiện nguyện mang lại tình thương cho những cảnh đời bất hạnh, cùng đau khổ như nhau.

Gióng lên một hồi chuông

Khi MC chương trình hỏi rằng sau những trang sách này, liệu có sự tha thứ và bao dung nào từ Sandy không, cô thẳng thắn thừa nhận:

“Không phải sau những trang sách, mà ngay khi tôi kể lại câu chuyện đời mình cho Cỏ và chị Hòa Bình đã là một sự tha thứ và bao dung với những người có liên quan đến toàn bộ câu chuyện”.

Nhưng quan trọng hơn cả, việc Bích Ngọc tự kể lại tất cả câu chuyện của mình là một tiếng nói quan trọng, có tính chất của một hồi chuông cảnh báo về nạn lạm dụng tình dục trẻ em ở Việt Nam.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - giám đốc NXB Phụ Nữ, đơn vị ấn hành quyển tự truyện này - lưu ý về những thông tin xâm hại trẻ em được báo chí phản ánh chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.

Và có một sự thật “nạn nhân là trẻ em hoặc không biết cách thông tin về vụ việc, hoặc bị gia đình giấu kín, hoặc bị kẻ gây án ép buộc phải im lặng, hiếm có người dám kể lại cuộc đời tủi nhục bị xâm hại của mình”.

Do vậy, quyển tự truyện Cát hay là ngọc chính là trường hợp hiếm hoi ấy, là “một người dũng cảm đứng ra kể lại câu chuyện đau thương của mình”. 

Bích Ngọc trong tự truyện của mình còn hé lộ cho người đọc thấy những cảnh đời khác cũng bất hạnh, bầm giập và cần cả cộng đồng chung tay giúp đỡ.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Tâm cho rằng những trường hợp như Bích Ngọc rất cần chữa trị để làm lành những “sang chấn tâm lý rất sâu, ám ảnh cả trong vô thức”.

Bà Marie Watson (bìa phải) cho rằng cần kết nối cộng đồng để ngăn chặn xâm hại trẻ em Việt Nam. Ảnh: L.Điền
Bà Marie Watson (bìa phải) cho rằng cần kết nối cộng đồng để ngăn chặn xâm hại trẻ em Việt Nam. Ảnh: L.Điền

Buổi giới thiệu sách còn có mặt bà Marie Watson - giám đốc Tổ chức Hope Unending (Hi vọng bất tận) của Hoa Kỳ. Bà Marie cho rằng đối với nạn xâm hại trẻ em, chúng ta cần sự kết nối cộng đồng, cần cả những đường dây nóng để nạn nhân kịp thời phản ánh…

Chia sẻ về điều này, Bích Ngọc cũng cho rằng “với những bạn khác không may gặp cảnh ngộ như tôi, mong các bạn dũng cảm, dám nhìn thẳng và vượt qua nỗi đau”.

Gần 2.000 trẻ em bị xâm hại mỗi năm

Bà Khúc Thị Hoa Phượng dẫn số liệu từ tọa đàm “Chính sách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng” của Bộ Lao động - thương binh và xã hội cho thấy trong 5 năm từ 2011 đến 2015, cả nước phát hiện trên 8.200 vụ xâm hại trẻ em với gần 10.000 nạn nhân, tăng 258 nạn nhân so với 5 năm trước đó.

Số vụ xâm hại tình dục chiếm tới 5.300 vụ (khoảng 65%), nhiều trẻ em bị xâm hại tình dục ngay trong gia đình. Theo một số liệu khác của Bộ Công an, 90% người xâm hại tình dục trẻ em là hàng xóm, họ hàng, thầy giáo, bố đẻ, bố dượng.

Hai số điện thoại đường dây nóng bảo vệ quyền trẻ em: 18001567 (số điện thoại quốc gia); 18009069 (TP.HCM).

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên