
Cắt giảm thủ tục đầu tư kinh doanh sẽ giúp hoạt động của doanh nghiệp thuận lợi hơn. Trong ảnh: công nhân làm việc trong một nhà máy dệt tại tỉnh Hải Dương - Ảnh: N.KHÁNH
Ông Đậu Anh Tuấn, phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhận định trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về mục tiêu cắt giảm ít nhất 30% điều kiện kinh doanh cũng như thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong năm 2025 và tiếp tục cắt giảm mạnh trong các năm tiếp theo, được Bộ Chính trị đưa ra trong nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Tập trung cắt giảm lĩnh vực nào?
* Thưa ông, chúng ta cần những giải pháp gì để thực hiện mục tiêu của Bộ Chính trị về cắt giảm điều kiện kinh doanh, thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp?
- Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đầy tham vọng mà nghị quyết 68 đề ra, đặc biệt là cắt giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí tuân thủ pháp luật và 30% điều kiện kinh doanh trong năm 2025, theo tôi cần triển khai các giải pháp như:
Thứ nhất, rà soát, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp. Việc cắt giảm phải được thực hiện dựa trên đánh giá tác động độc lập, có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành nghề, để đảm bảo đúng với thực tế và nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng số hóa và đơn giản hóa. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai chính phủ điện tử và nền tảng số để số hóa toàn bộ quy trình giải quyết thủ tục hành chính, nhờ đó rút ngắn thời gian, giảm tiếp xúc trực tiếp và tăng tính minh bạch.
Thứ ba, cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ thực thi chính sách, đặc biệt ở cấp cơ sở. Cần có cơ chế đánh giá, giám sát và xử lý nghiêm những trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích tinh thần đổi mới, sáng tạo trong cải cách hành chính tại các địa phương.

Nguồn: theo số liệu Văn phòng Chính phủ - Đồ họa: N.KH.
* Vậy đâu là những lĩnh vực chúng ta có thể mạnh tay cắt giảm thủ tục, điều kiện gây cản trở cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân?
- Để tạo ra đột phá trong cải cách môi trường kinh doanh và thực hiện hiệu quả mục tiêu của nghị quyết 68, cần mạnh dạn tập trung cắt giảm điều kiện kinh doanh ở những lĩnh vực đang trực tiếp ảnh hưởng lớn đến quá trình đưa vốn vào nền kinh tế - tức là những thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, xây dựng, môi trường...
Đây chính là những "nút thắt" điển hình đang cản trở đáng kể hoạt động của doanh nghiệp và nhà đầu tư. Hiện nay, để triển khai một dự án đầu tư, doanh nghiệp phải đi qua nhiều bước phức tạp như xin chủ trương chấp thuận đầu tư, đánh giá tác động môi trường, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và nhiều loại giấy phép con khác.
Sự phức tạp đôi khi chồng chéo, xung đột giữa hệ thống các quy định của Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường... đang tạo ra một "ma trận" thủ tục khiến quá trình đưa vốn vào sản xuất - kinh doanh trở nên kéo dài, tốn kém và rủi ro.
Do đó, cần thiết phải cắt giảm thực chất các điều kiện tiền kiểm, giảm bớt những phê duyệt mang tính hình thức. Đồng thời, chuyển mạnh sang cơ chế hậu kiểm, tăng tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, qua đó vừa giảm gánh nặng thủ tục cho doanh nghiệp, vừa tiết kiệm nguồn lực cho Nhà nước.
Nếu đầu tư vào khu công nghiệp với quy hoạch chi tiết, hạ tầng rõ ràng, điều kiện môi trường đảm bảo thì tại sao chúng ta phải lần lượt làm lại các thủ tục trên với từng dự án đầu tư?!
Ngoài ra, chúng ta đang có hàng trăm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, trong đó không ít điều kiện mang tính hình thức, không rõ ràng về mục tiêu quản lý nhà nước, hoặc đã lỗi thời trong bối cảnh kinh tế số và hội nhập quốc tế.
Ví dụ, nhiều điều kiện về nhân lực, cơ sở vật chất, quy mô... đang làm tăng chi phí gia nhập thị trường, đặc biệt đối với các ngành dịch vụ, giáo dục, du lịch, logistics. Do vậy cần xác định rõ mục tiêu quản lý của từng điều kiện kinh doanh, loại bỏ những điều kiện không còn phù hợp, không cần thiết cho việc bảo vệ lợi ích công cộng, an toàn xã hội hoặc môi trường.
Một nhóm thủ tục nữa liên quan đến kiểm tra chuyên ngành cũng là lĩnh vực cần được cải cách mạnh mẽ. Đây là một trong những khâu tốn thời gian và chi phí lớn nhất trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Nhiều mặt hàng phải qua nhiều bộ ngành kiểm tra trùng lắp, thiếu phối hợp. Cần đẩy nhanh việc áp dụng quản lý rủi ro, công nhận lẫn nhau và cơ chế một cửa quốc gia, tránh việc kiểm tra dàn trải, gây tốn kém và chậm trễ cho doanh nghiệp.

Mục tiêu không quá sức
* Với thực tế cắt giảm điều kiện kinh doanh những năm qua, ông có thấy mục tiêu mà nghị quyết đưa ra là quá sức?
- Tôi cho rằng mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ pháp luật như nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đề ra là hoàn toàn khả thi, không phải là quá sức. Chúng ta đã có nền tảng và bài học kinh nghiệm từ những cải cách trước đây.
Trong những năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều đợt rà soát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo tinh thần của nghị quyết 19 và nghị quyết 02 của Chính phủ. Những nỗ lực này mang lại kết quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận.
Do đó mục tiêu nghị quyết 68 không bắt đầu từ con số 0, mà là tiếp tục cải cách trên nền tảng đã đạt được, với yêu cầu cao hơn, quyết liệt hơn và thực chất hơn.
Các mục tiêu được đặt ra là cần thiết và hợp lý trong bối cảnh hiện nay. Một trong những thách thức lớn của doanh nghiệp hiện nay chính là gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật, thủ tục hành chính phức tạp và nhiều điều kiện kinh doanh không còn phù hợp.
Những rào cản này đang làm giảm sức cạnh tranh, hạn chế sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân - một động lực quan trọng của nền kinh tế. Do đó, việc đặt ra các mục tiêu cụ thể như cắt giảm 30% là cần thiết để tạo áp lực cải cách và đo lường được kết quả thực tế.
Vấn đề không nằm ở chỗ "quá sức" mà là ở phương pháp và cách tổ chức thực hiện. Nếu chỉ dừng ở việc hô khẩu hiệu, cải cách hình thức, "cắt chỗ này, mọc chỗ khác" thì chắc chắn không thể đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, nếu cải cách được thực hiện một cách bài bản, có sự giám sát độc lập, có sự tham gia phản biện từ cộng đồng doanh nghiệp và xã hội dân sự thì hoàn toàn có thể đạt được - thậm chí vượt qua - các mục tiêu đề ra.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: HỮU HẠNH
Công khai danh mục thủ tục bị loại bỏ
* Việc Bộ Chính trị "mạnh tay" cắt giảm thủ tục trong đầu tư kinh doanh sẽ tác động thế nào tới phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống thực hiện sáp nhập các tỉnh, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp?
- Quyết tâm cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ pháp luật - như tinh thần của nghị quyết 68 - sẽ có tác động rất tích cực và sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang thúc đẩy việc tổ chức lại bộ máy hành chính.
Tôi cho rằng cải cách thủ tục hành chính là điều kiện tiên quyết để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước trong mô hình chính quyền tinh gọn. Khi chuyển sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, tầng nấc trung gian là cấp huyện sẽ bị bãi bỏ.
Nếu thủ tục hành chính vẫn rườm rà, phức tạp, thiếu liên thông thì sẽ tạo ra khoảng trống quản lý hoặc gia tăng áp lực lên cấp tỉnh và cấp xã. Việc cắt giảm thủ tục hành chính sẽ giúp giảm tải cho bộ máy, tăng tính tự động hóa và chuẩn hóa trong xử lý công việc, từ đó đảm bảo tính vận hành trơn tru cho mô hình chính quyền mới.
Với chính quyền địa phương, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chỉ thực sự phát huy hiệu quả nếu đi kèm với một cơ chế hành chính linh hoạt, nhanh gọn và lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ sẽ giúp địa phương thu hút đầu tư tốt hơn, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh hơn, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và tăng thu ngân sách.
* Ông vừa đề cập nguy cơ gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ công của người dân, vậy chúng ta cần làm gì để khắc phục cũng như đẩy nhanh việc cắt giảm thủ tục hành chính trong thời gian tới?
- Trước hết, cần có kế hoạch thực hiện theo từng bước, từng lĩnh vực, ưu tiên những ngành nghề có điều kiện kinh doanh gây phiền hà, không rõ ràng, hoặc được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất.
Cần công bố công khai, minh bạch danh sách các điều kiện kinh doanh được cắt giảm, đồng thời tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho cán bộ và doanh nghiệp, để đảm bảo việc thực thi thống nhất và thông suốt trên toàn quốc.
Chúng ta cũng phải thay đổi cách thức quản lý, thay vì kiểm soát chặt từ đầu bằng quá nhiều điều kiện hành chính, cần chuyển sang cơ chế hậu kiểm - tức là đặt niềm tin vào doanh nghiệp, nhưng có cơ chế giám sát, xử phạt nghiêm minh nếu sai phạm xảy ra.
Điều này không chỉ giúp giảm gánh nặng quản lý mà còn thúc đẩy tính tự chủ, sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp. Trong quá trình thực hiện cải cách, nếu phát sinh những bất cập ảnh hưởng đến thực tiễn quản lý hoặc hoạt động sản xuất - kinh doanh thì cần có kênh tiếp nhận phản ánh và cơ chế điều chỉnh kịp thời. Sự linh hoạt này sẽ giúp hạn chế tối đa những tác động tiêu cực không mong muốn trong giai đoạn chuyển đổi.

Người dân đến làm thủ tục tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
* Ông Nguyễn Quang Đồng (viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông):
Cần loại bỏ giấy phép con
Việc cắt giảm 30% điều kiện kinh doanh trước tiên nên tập trung rà soát, loại bỏ các giấy phép kinh doanh không cần thiết. Ví dụ trong lĩnh vực xuất bản hiện đang có giấy phép nối bản. Khi in một cuốn sách lần đầu cá nhân, tổ chức cần xin giấy phép xuất bản để cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát nội dung cuốn sách, nhưng theo quy định đến khi tái bản cuốn sách này phải xin thêm giấy phép tái bản.
Cần xem lại việc xin giấy phép tái bản cuốn sách đã được phép xuất bản lần đầu có cần hay không. Tôi cho rằng không cần thêm giấy phép tái bản, nên bỏ giấy phép này.
Đối với giảm 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, lâu nay cơ quan quản lý nhà nước hay lách bằng cách trả kết quả đúng hạn nhưng thời gian thực hiện một thủ tục hành chính lại kéo dài.
Ví dụ như một người đi làm thủ tục thành lập doanh nghiệp, người dân nộp hồ sơ lần đầu sẽ được cơ quan đăng ký kinh doanh cấp giấy hẹn trả kết quả sau 3 ngày làm việc. Hết 3 ngày cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo trả kết quả đúng hạn nhưng lại yêu cầu người dân bổ sung thủ tục A, giấy tờ B, C để được cấp phép kinh doanh.
Có người dân bị yêu cầu bổ sung hồ sơ 3-4 lần, rất mất thời gian nhưng trên hệ thống hành chính công vẫn thông báo trả đúng hạn. Cán bộ có thể thông báo người dân bổ sung hồ sơ một lần nhưng đôi khi họ cố tình yêu cầu bổ sung nhiều lần để vòi vĩnh.
Giờ tất cả các giao dịch được số hóa rồi nên cần yêu cầu rõ giảm 30% thời gian hoàn thành một thủ tục hành chính để gây sức ép cho cán bộ thực hiện phải hướng dẫn người dân thực hiện nhanh nhất các thủ tục hành chính.

Cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ pháp luật - như tinh thần nghị quyết 68 - sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội - Ảnh minh họa: T.T.D.
* Ông Tô Hoài Nam (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam):
Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm
Mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh, thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật trong nghị quyết 68 sẽ đạt được nếu chúng ta đẩy mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, sẽ rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục của người dân, doanh nghiệp.
Hiện nay chúng ta đang quá nặng tiền kiểm, làm gì cũng phải có giấy tờ, có thể không yêu cầu doanh nghiệp phải có đơn xin cấp phép nhưng nội dung quy định vẫn ẩn ý xin cho bên trong. Nên nếu chuyển sang hậu kiểm sẽ giảm được thời gian thực hiện thủ tục.
Giảm thủ tục, giảm thời gian thực hiện, tốc độ giải quyết thủ tục nhanh hơn sẽ giảm thời gian lưu kho hàng hóa xuất khẩu, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.
* Đại biểu Quốc hội NGUYỄN NHƯ SO (Bắc Ninh):
Cần một "khoán 10 mới"!

Vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa nghị quyết 68/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Đây là một bước tiến quan trọng mang tính đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển, phát huy hiệu quả ngay từ những tháng còn lại của năm 2025, làm tiền đề cho giai đoạn tiếp theo.
Nhằm biến mục tiêu cải cách từ khẩu hiệu thành hành động thực chất, cần có một cuộc "đại phẫu" thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng bộ ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý; có cam kết, có giám sát và có chế tài.
Đã từng có "khoán 10" làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một "khoán 10 mới" cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể.
Cần mạnh dạn thí điểm cơ chế "giấy phép im lặng", nếu cơ quan nhà nước không phản hồi trong thời hạn xử lý hồ sơ đã quy định thì doanh nghiệp được mặc nhiên triển khai. Áp dụng trước cho các thủ tục có tính chất phê duyệt rõ ràng như đăng ký kinh doanh có điều kiện, cấp phép xây dựng và chứng nhận đầu tư cho dự án quy mô nhỏ... nhằm thể hiện mạnh mẽ tinh thần chuyển đổi tư duy từ "xin - cho" sang "cam kết - chịu trách nhiệm".
* Đại biểu TRẦN ANH TUẤN (TP.HCM):
Triển khai ngay các giải pháp cụ thể

Chủ trương cắt giảm thủ tục hành chính, giảm thời gian giải quyết các thủ tục không chỉ để cải tiến quy trình mà còn là thay đổi cách thức làm việc của bộ máy công quyền theo hướng phục vụ.
Doanh nghiệp không cần "xin" mà chỉ cần "thực hiện đúng quy định" một cách nhanh gọn và minh bạch. Mặt khác, việc giảm chi phí tuân thủ sẽ trực tiếp góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cần rà soát toàn diện hệ thống quy định pháp luật, loại bỏ các yêu cầu không cần thiết, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số để giảm chi phí thực hiện thủ tục, chi phí đi lại, chờ đợi và cả chi phí không chính thức.
Riêng với việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần đặc biệt chú trọng đến nguyên tắc minh bạch, hợp lý và gắn với yêu cầu thực tiễn. Không thể để những điều kiện thiếu rõ ràng trở thành công cụ gây nhũng nhiễu hoặc tạo lợi thế không công bằng cho một nhóm đối tượng nào đó.
Để cụ thể hóa và thực hiện hiệu quả chủ trương, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành triển khai ngay các giải pháp cụ thể để hiện thực hóa ba mục tiêu nêu trên trong năm 2025 với lộ trình, trách nhiệm rõ ràng.

* Ông Lư Nguyễn Xuân Vũ (tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên):
Doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chuyên tâm sản xuất
Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương về việc tập trung hoàn thành rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó yêu cầu cắt giảm ít nhất 30% thời gian, 30% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính ngay trong năm 2025 là một tin vui đối với doanh nghiệp.
Nếu cắt giảm thủ tục sẽ tạo ra sự phát triển tốt cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chuyên tâm vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn, bớt đi nhân sự lo giấy tờ.
* Ông Lê Hữu Nghĩa (phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM):
Cần cụ thể hóa bằng luật

Việc Chính phủ và TP.HCM đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính là điều được doanh nghiệp rất mong đợi, song để thực tế triển khai được việc cắt giảm này thì cần phải có những văn bản mang tính pháp lý.
Các cơ quan ở địa phương như TP.HCM sẽ khó cắt giảm thủ tục đối với lĩnh vực đầu tư bất động sản khi luật và nghị định hiện hành vẫn quy định như vậy.
Ví dụ, đối với thủ tục chấp thuận đầu tư, thủ tục này có thể kéo dài mấy năm trời dù ai cũng mong muốn cần bỏ hoặc đơn giản hơn nhưng muốn làm được điều đó thì phải điều chỉnh Luật Đầu tư.
Hay như thủ tục quy hoạch, khâu lấy ý kiến cộng đồng chỉ mang tính hình thức và thường dành cho việc điều chỉnh quy hoạch địa phương, không liên quan trực tiếp đến các dự án cụ thể nhưng vẫn phải có khâu này. Nếu bỏ đi việc lấy ý kiến sẽ tiết kiệm khoảng 2 tháng, doanh nghiệp rất muốn bỏ nhưng phải thay đổi từ các văn bản pháp lý.
Còn với thủ tục thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật và cấp phép xây dựng, doanh nghiệp cũng muốn gộp làm một vì ba thủ tục này có nội dung tương tự nhau nhưng lại làm mất rất nhiều thời gian. Muốn làm một dự án đôi khi khâu thủ tục kéo dài đến 5 năm chưa xong, thời gian này có thể sẽ "giết" doanh nghiệp khi làm cạn kiệt nguồn lực, đội vốn, lãi nhân lên, mất đi chi phí cơ hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận