13/05/2021 09:11 GMT+7

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - Ngày 13-5, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội có văn bản gửi các sở, ban, ngành TP, UBND quận, huyện, thị xã về việc tạm dừng toàn bộ các hoạt động thể thao để tăng cường phòng chống lây lan dịch bệnh.

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng cách ly, phun khử trùng tại tại tòa nhà CT7 chung cư Booyoung, Mộ Lao, Hà Đông, nơi có trường hợp thứ hai là nam, sinh năm 1981, là nhân viên kinh doanh bất động sản - Ảnh: NAM TRẦN

Văn bản nêu rõ thực hiện kết luận chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại hội nghị Thường trực Thành ủy, quán triệt chỉ đạo ban chỉ đạo TP, cấp ủy, chính quyền từ TP đến cơ sở về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

"UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng toàn bộ hoạt động thể thao tập trung đông người, sân golf, sân tập golf từ 12h ngày 13-5 đến khi có chỉ đạo mới của TP" - nội dung văn bản ghi.

"Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chỉ đạo của Trung ương và UBND TP. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về công tác phòng chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ đang hoạt động trên địa bàn.

Trưởng ban chỉ đạo các ngành, các cấp, địa phương chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND TP nếu để xảy ra vi phạm thuộc lĩnh vực, ngành, địa bàn quản lý" - nội dung văn bản của Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 TP Hà Nội.

Hôm 29-4, Hà Nội yêu cầu dừng hoạt động karaoke, quán bar, vũ trường, quán game. Hôm 3-5, Hà Nội tạm dừng hoạt động ăn uống đường phố, trà đá vỉa hè, cà phê vỉa hè; yêu cầu các nhà hàng ăn uống trong nhà thực hiện giãn cách tối thiểu 1 m. 

Ngày 4-5, Hà Nội dừng tiếp hoạt động mát xa, rạp chiếu phim, sân vận động, phòng gym. 

Ngày 5-5, Hà Nội ra Chỉ thị 11 khuyến cáo người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết, không tập trung đông người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện, giữ khoảng cách tối thiểu 1 m khi tiếp xúc... 

Ngày 11-5, Hà Nội ra chỉ thị 12 cấm tụ tập quá 10 người ngoài phạm vi trường học, công sở, địa điểm bầu cử, yêu cầu các cửa hàng ăn uống trong nhà phải giãn cách tối thiểu 2 m. Cùng ngày, Hà Nội có thêm 1 văn bản nữa dừng hoạt động bia hơi và chợ cóc. 

Lấy mẫu ngẫu nhiên, xét nghiệm rà soát COVID-19 cho công nhân khu chế xuất

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 2.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho công nhân sáng 13-5 tại KCX Tân Thuận (quận 7) - ẢNH: VŨ THỦY

Sáng 13-5, khoảng 200 người lao động Công ty kim may Organ Việt Nam (khu chế xuất Tân Thuận - quận 7, TP.HCM) đã được lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngay tại nhà máy.

Đây là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được triển khai xét nghiệm rà soát dịch bệnh trong đợt rà soát toàn diện lần này của HEPZA.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Hoàng - chủ tịch công đoàn công ty Organ - cho biết công ty có khoảng 1.170 lao động và được yêu cầu tuân thủ phòng dịch rất nghiêm túc.

"Trước dịch, bàn ăn công ty dành cho 6 người, còn hiện nay được bố trí vách ngăn chỉ cho 4 người ngồi. Vách ngăn nhựa được lắp đặt lại và công nhân ngồi cùng bàn sẽ không thể nhìn thấy nhau", chị cho biết.

Có mặt tại Khu chế xuất Tân Thuận sáng 13-5 để nắm bắt công tác phòng chống dịch, ông Hứa Quốc Hưng - trưởng ban Ban quản lý Các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM - cho biết hiện nay ban đang phối hợp với Trung tâm y tế các quận, huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh dịch TP.HCM để thực hiện đợt xét nghiệm rà soát COVID-19 trên diện rộng.

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 3.

Khu nhà ăn công nhân được "kích hoạt" chế độ phòng dịch ở mức cao với việc thiết lập vách ngăn - ẢNH: VŨ THỦY

"Đợt xét nghiệm rà soát sẽ được thực hiện tại 17 khu chế xuất và khu công nghiệp do HEPZA quản lý cũng như các nhà lưu trú công nhân. Trong tuần này sẽ tiến hành xét nghiệm rà soát tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và Khu công nghiệp Tây Bắc - Củ Chi (huyện Củ Chi), sau đó là các khu chế xuất, khu công nghiệp khác. 

Dự kiến sẽ có 30 doanh nghiệp với khoảng 200 công nhân ngẫu nhiên của mỗi doanh nghiệp sẽ được lấy mẫu trong đợt này, ưu tiên cho các doanh nghiệp có trên 500 lao động. Đây là công tác thường xuyên của HEPZA. Trước đó, từ đầu năm đến nay HEPZA cũng đã thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho hơn 18.600 lao động", ông Hưng cho biết.

HEPZA cũng đưa ra quy định về giải quyết chế độ chính sách cho người lao động trong tình hình dịch bệnh. Với người phải cách ly, doanh nghiệp phải thỏa thuận với người lao động để đảm bảo chi trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, khuyến nghị các doanh nghiệp ưu tiên đảm bảo việc làm với lao động lớn tuổi, lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ…

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 4.

Công nhân công ty TNHH Kim May Organ đăng ký lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - ẢNH: VŨ THỦY

Bắc Ninh đề nghị các tỉnh thành tạo điều kiện cho xe chở chuyên gia, công nhân 

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 5.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm cho công nhân công ty Samsung Bắc Ninh - Ảnh: K. LỰC

Ngày 13-5, ông Đào Quang Khải, phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, cho biết tỉnh vừa có công văn hỏa tốc gửi TP Hà Nội và các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hòa Bình... về việc hỗ trợ xe đưa đón công nhân, chuyên gia đến tỉnh Bắc Ninh làm việc đi qua các tỉnh, thành phố khác có chốt kiểm dịch COVID-19. 

Theo ông Khải, những ngày qua, tỉnh nhận được văn bản của công ty Samsung và một số doanh nghiệp trên địa bàn về việc đề nghị hỗ trợ thông chốt xe đưa đón cán bộ công nhân viên tỉnh Bắc Ninh.

Theo các công ty, doanh nghiệp có sử dụng lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến Bắc Ninh làm việc gặp phải một số vướng mắc, khó khăn trong quá trình đưa đón công nhân, chuyên gia di chuyển từ Bắc Ninh đến một số tỉnh, thành phố khác nhưng không được hỗ trợ đi qua chốt kiểm soát dịch COVID-19 dẫn tới phải thay đổi lộ trình, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến giờ làm việc của công ty.

Tỉnh Bắc Ninh đề nghị các tỉnh thành phố nêu trên và các địa phương khác có lao động đến làm việc tại Bắc Ninh tạo điều kiện, hỗ trợ cho các doanh nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho phép các phương tiện chở chuyên gia, chở công nhân được lưu thông, di chuyển qua các chốt kiểm soát dịch COVID-19 của các tỉnh thành phố.

Lập tổ giám sát, diễn tập các phương án phòng dịch COVID-19 tại khu công nghiệp

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Hồng Quang kiểm tra, đánh giá công tác phòng dịch tại Công ty TNHH MTV GERMTON - Ảnh: Đ.T

Ngày 13-5, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Sở y tế, cùng các ngành chức năng tỉnh này đến kiểm tra, đánh giá công tác phòng dịch COVID-19 tại khu công nghiệp Đông Quế Sơn (thị trấn Hương An, huyện Quế Sơn, Quảng Nam).

Tại buổi kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Quang - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đánh giá cao  công tác phòng dịch của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong khu công nghiệp Đông Quế Sơn.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ở đây đã thực hiện đúng yêu cầu 5K của Bộ Y tế và sử dụng nhiều phương án chống dịch, như: tăng số bữa ăn trưa, ngăn cách, chia các cụm sản xuất ra để làm việc, làm việc với khách hàng qua internet trừ các việc cấp bách.

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 7.

Đoàn kiểm tra, đánh giá công tác phòng dịch tại Công ty TNHH MTV GERMTON - Ảnh: Đ.T

Ngoài các biện pháp trên, ông Mai Văn Mười - giám đốc Sở y tế Quảng Nam - yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp cần phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện nghiêm hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVD-19.

Thành lập các tổ giám sát dịch, thường xuyên liên lạc với trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở địa phương, triển khai diễn tập các phương án nếu có trường hợp F0.

Chủ doanh nghiệp, nhà máy cần thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu phòng chống dịch, nguy cơ lây nhiễm dịch của mình tại nơi làm việc và quản lý chặt công nhân, người lao động.

2 cán bộ y tế ở Bắc Ninh xét nghiệm lần 1 dương tính, lần 2 lại âm tính 

Trưa 13-5, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) vừa có thông báo hỏa tốc về 4 trường hợp dương tính với COVID-19 trên địa bàn. 

Theo đó, khoảng 0h25 ngày 13-5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh có thông báo về 4 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong đó có 2 trường hợp là cán bộ y tế đang làm nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện dã chiến số 2 và 2 trường hợp F1 cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung của huyện. 

Tuy nhiên, đến 10h30 sáng cùng ngày, Sở Y tế Bắc Ninh có thông báo mới về 4 trường hợp trên đã có kết quả âm tính sau khi xét nghiệm lần 2 bằng kỹ thuật PCR. 

Do đó, Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 huyện Gia Bình yêu cầu các đơn vị liên quan dừng việc phong tỏa, truy vết, giám sát,… đối với 4 trường hợp nêu trên.

Cần Thơ: Giám đốc ngân hàng F1 và 41 ca F2 của BN 3634 Hà Nội âm tính với SARS-CoV-2

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 8.

Khu cách ly tập trung phòng dịch COVID- 19 tại Cần Thơ - Ảnh: T. LŨY

Ngày 13-5, ông Huỳnh Minh Trúc - giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Cần Thơ thông tin, trường hợp F1 (ngụ Cần Thơ) và 41 trường hợp F2 liên quan đến ca bệnh 3634 ở Hà Nội đã âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Theo đó, ngay khi nhận được thông tin từ CDC Hà Nội về lịch trình của trường hợp ca bệnh là một giám đốc công ty tại Hà Nội (sau đó xác định là ca bệnh số 3634) có liên quan đến ông Đ.T.K - giám đốc một ngân hàng có trụ sở trên đường Võ Văn Tần, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, CDC Cần Thơ đã khoanh vùng ngân hàng nơi F1 là anh Đ.T.K đang làm việc. 

Theo điều tra dịch tễ, anh K. có đi ăn cùng với bệnh nhân 3634 hai lần vào các ngày 7 và 9-5. Trưa 10-5, anh  K. đi máy bay từ Hà Nội về Cần Thơ trên chuyến bay VN 1203. Sau đó, từ ngày 10 đến 12-5 anh K. đến cơ quan làm việc, về nhà và đi ăn, tập gym... tại một số địa điểm tại TP. Cần Thơ. Sau khi nghe thông tin về ca bệnh tại Hà Nội, anh đã đến khai báo y tế tại cơ sở y tế địa phương.

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 9.

Cơ quan chức năng Cần Thơ cho biết, sau khi có kết quả xét nghiệm ca F1 âm tính, ngân hàng đã được gỡ phong tỏa - Ảnh: T. LŨY

Liên quan trường hợp F1 này, dù đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1, CDC đã đưa đi cách ly tập trung theo quy định. Tổ truy vết đã điều tra xác minh, lấy mẫu xét nghiệm và yêu cầu cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà đối với 52 trường hợp F2 (là nhân viên ngân hàng, nhân viên quán ăn, phòng tập...). Sáng nay, 13-5 đã có kết quả xét nghiệm bước đầu 41 ca F2 âm tính lần 1 với SARS-CoV-2, tiếp tục theo dõi xác minh thêm các trường hợp còn lại.

“CDC Cần Thơ đề nghị người dân không nên nghe tin đồn, gây hoang mang về dịch bệnh. Tất cả các vùng dịch, thông tin người đi về từ vùng dịch đều được CDC cập nhật hàng ngày, truy vết lấy mẫu cách ly đúng quy định. Yêu cầu người dân có thông tin đi về từ vùng dịch, tiếp xúc nơi có ca bệnh cần báo ngay cho cơ quan y tế địa phương", ông Trúc nói.

Đến thời điểm hiện nay, Cần Thơ chưa ghi nhận ca dương tính với COVID-19 trong cộng đồng. Trong ngày 12-5 tại Cần Thơ có 7 bệnh nhân COVID- 19 được xuất viện và tiếp tục cách ly theo quy định, hiện còn 17 trường hợp mắc COVID-19 đang điều trị (đều là các trường hợp được cách ly ngay sau nhập cảnh). Hiện các bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, sức khỏe các bệnh nhân ổn định.

Giãn cách trong bệnh viện, hạn chế tối đa người nhà vào thăm, chăm sóc người bệnh

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 10.

Trước nguy cơ bùng dịch trong bệnh viện, Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện thực hiện giãn cách trong quá trình điều trị bệnh nhân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trong chỉ thị tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19 vừa ban hành, bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp tục chống dịch theo 5 nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, thực hiện phương châm 4 tại chỗ và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm toàn diện trong chỉ đạo thực hiện nghiêm việc sàng lọc, phân loại, phân luồng, kiểm soát triệt để người bệnh đến khám, chữa bệnh, tổ chức an toàn tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho nhân viên trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Thực hiện giãn cách trong bệnh viện, hạn chế tối đa người nhà vào thăm, chăm sóc bệnh nhân, đẩy mạnh công tác chăm sóc toàn diện cho người bệnh tại bệnh viện.

Đẩy mạnh thực hiện khám, chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khai báo y tế, quản lý truy vết người ra vào bệnh viện.

Tổ chức đào tạo, tập huấn và cập nhật phác đồ điều trị COVID-19, xử lý cấp cứu sốc phản vệ. Yêu cầu nhân viên y tế thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân khi điều trị, chăm sóc người bệnh.

Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đối với nhân viên y tế, người bệnh và người chăm sóc người bệnh. Bảo đảm vật tư y tế, thuốc, máy thở, oxy, máy xét nghiệm phục vụ điều trị người bệnh theo các tình huống dịch bệnh.

Các cơ sở y tế dự phòng cần nâng cao năng lực xét nghiệm, lấy mẫu xét nghiệm, bảo đảm trang thiết bị, vật tư xét nghiệm, sinh phẩm, hóa chất, nhân lực thực hiện. Tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát nguồn bệnh ở khu vực có nguy cơ cao.

Khi phát hiện ca bệnh trong cộng đồng, khẩn trương tổ chức khoanh vùng nhanh và gọn nhất có thể, thu hẹp phạm vi khoanh vùng và truy vết nhanh đối tượng tiếp xúc gần F0.

Bộ Y tế cũng yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành phố, Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Cục Y tế dự phòng làm đầu mối phối hợp xây dựng kịch bản ứng phó với 30.000 người mắc COVID-19, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện.

Chuyển từ Bệnh viện K vào TP.HCM khai báo không trung thực: người bệnh và gia đình bị cách ly

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 11.

Người dân khai báo y tế tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Theo Sở Y tế TP.HCM, người bệnh có tên V.P.C. (63 tuổi) đi cùng gia đình đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đăng ký khám bệnh vào ngày 12-5.

Người bệnh và gia đình khai báo y tế cư ngụ ở Dĩ An, Bình Dương và do khai báo không có triệu chứng liên quan đến COVID-19 nên được hướng dẫn khám bệnh tại khoa khám bệnh theo quy trình của bệnh viện.

Khi người bệnh được mời vào buồng khám (tầng 2 khoa khám bệnh), bác sĩ tại đây tiếp tục khai thác thông tin thì phát hiện ông C. không phải ở Dĩ An, Bình Dương như lúc khai báo y tế.

Bệnh nhân khai báo lại đang cư ngụ tại thị trấn Khe Sanh, huyện Hương Hoá, tỉnh Quảng Trị và đã được khám và điều trị tại (Hà Nội) với chẩn đoán theo dõi ung thư vòm hầu ngày 24-4.

Ngay sau đó, ông C. cùng vợ và con đã được bệnh viện đưa vào khu cách ly của bệnh viện tại tầng 1 khu E để lấy mẫu thử xét nghiệm COVID-19 và điều trị ung thư. Kết quả xét nghiệm COVID-19 của người bệnh và thân nhân người bệnh đều âm tính.

Theo Sở Y tế TP.HCM, trong giai đoạn hiện nay, do một vài bệnh viện đầu ngành tại Hà Nội bị phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 lây lan trong bệnh viện (trong đó có Bệnh viện K - PV), khả năng một số người bệnh cùng gia đình tự di chuyển vào các bệnh viện chuyên khoa của TP.HCM để điều trị tiếp.

Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện khai thác kỹ thông tin người bệnh, nhất là yếu tố dịch tễ khi tiếp nhận để khám và điều trị tại các buồng khám ngoại trú và tại các khoa nội trú là rất quan trọng để kịp thời cách ly, xét nghiệm tầm soát COVID-19.

Bên cạnh đó, việc sẵn sàng các buồng cách ly tại mỗi khoa trong tình hình hiện nay và kịp thời đưa người bệnh có yếu tố dịch tễ là rất quan trọng, góp phần hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.

Ngành Y tế TP.HCM rất cần người bệnh và thân nhân người bệnh khai báo y tế trung thực để giúp cho các cơ sở y tế thực hiện đúng các quy định nhằm hạn chế thấp nhất lây lan dịch bệnh trong các bệnh viện.

Xét nghiệm hơn 7.000 mẫu ở KCN An Đồn, không thấy ca dương tính

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 12.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động ở KCN An Đồn sáng sớm 12-5- Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sáng 13-5, một thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cho hay 7.070 mẫu xét nghiệm được lấy ở KCN An Đồn đều đã cho kết quả âm tính với SARS -CoV-2.

Theo đó ngành y tế Đà Nẵng đã tổ chức lấy mẫu cho hơn 600 người dân sống gần khu công nghiệp, số còn lại là người lao động tại đây, nhưng chưa phát hiện trường hợp mắc COVID-19.

Trước đó, sáng sớm 12-5, lực lượng y tế TP Đà Nẵng đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ công nhân và người lao động tại Khu công nghiệp An Đồn sau khi liên tiếp ghi nhận các ca mắc liên quan đến người lao động ở đây.

Cụ thể có hơn 30 ca làm chung tại Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng. Số ca mắc này được phát hiện sau khi bệnh nhân N.T.N. (nữ, sinh năm 25 tuổi, ở trọ tại đường Nguyễn Khắc Cần, phường Nại Hiên Đông, Sơn Trà) đi khám bệnh và có kết quả dương tính.

Ngay sau đó lực lượng y tế đã xét nghiệm toàn bộ nhân viên trực tổng đài Công ty CP Trường Minh chi nhánh Đà Nẵng (đường số 2, KCN An Đồn) và phát hiện ra ổ dịch này.

15 ngày An Giang xử phạt người không đeo khẩu trang 250 triệu đồng

Cập nhật: Từ 12h trưa nay 13-5, Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể thao - Ảnh 13.

Công an TP Long Xuyên ra quân xử phạt người không đeo khẩu trang - Ảnh: Công an cung cấp

Ngày 13-5, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thiếu tá Võ Văn Bảo Xuyên - đội phó Đội An Ninh thuộc Công an TP Long Xuyên, An Giang - cho biết đơn vị ra quân xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng từ ngày 29-4 đến nay hơn 210 trường hợp. 

Đặc biệt, đơn vị có xử phạt 1 doanh nghiệp vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19 vẫn tụ tập ăn nhậu và hát karaoke.

"Những ai vi phạm lần đầu thì chúng tôi xử phạt mức 1 triệu đồng/trường hợp về hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng theo quy định. Đa số người dân đã chấp hành tốt hơn sau khi chúng tôi ra quân xử phạt liên tục. Nếu người nào tái phạm có thể bị xử phạt cao hơn là 2 triệu đồng/trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng theo Nghị định 176 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế" - thiếu tá Xuyên nói thêm.

Từ ngày 29-4 đến nay, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang đã ra quân kiểm tra 627 lượt; nhắc nhở trên 8.600 trường hợp; cảnh cáo 121 trường hợp và xử phạt gần 540 trường hợp, với tổng số tiền trên 250 triệu đồng. Địa phương xử phạt hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng nhiều nhất là TP Long Xuyên.

Bay chung chuyến với chuyên gia Trung Quốc, ghi nhận COVID-19 sau 14 ngày Bay chung chuyến với chuyên gia Trung Quốc, ghi nhận COVID-19 sau 14 ngày

TTO - CDC Hà Nội vừa báo cáo 2 ca mắc COVID-19 mới, bao gồm 1 bệnh nhân đi chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng ra Hà Nội cùng 2 chuyên gia Trung Quốc cách đây 14 ngày và bệnh nhân liên quan Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên